Tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài có thể được chia thành hai loại: lợi thế cứng và lợi thế mềm. Theo đó, Hải Phòng đang ghi điểm rất cao với nhà đầu tư trên thang đánh giá lợi thế cứng với vị trí địa lý chiến lược: là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Bắc, là điểm hội tụ của đủ 5 loại hình vận tải đa phương thức. Phát huy lợi vốn có, Hải Phòng đã luôn gắn liền phát triển sản xuất công nghiệp với phát triển cảng biển, xây dựng các khu công nghiệp và hạ tầng logistics lấy hệ thống cảng biển làm trọng tâm. Trong những năm trở lại đây, diện mạo hạ tầng giao thông kết nối của Hải Phòng đã thay đổi hoàn toàn nhờ đưa các dự án trọng điểm vào sử dụng như hai bến đầu tiên của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng. Các dự án quan trọng có khả năng phát huy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội khác vẫn đang tiếp tục được tập trung đầu tư mạnh mẽ như dự án mở rộng nhà ga hàng hóa tại sân bay Cát Bi, các dự án đầu tư các bến cảng số 3,4; 5,6 của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng,…
Tổ hợp KCN Deep C Hải Phòng
Không dừng lại ở lợi thế cứng vượt trội, nhờ nỗ lực tạo dựng lợi thế mềm như truyền thống và tác phong công nghiệp, tư duy tiên phong đổi mới, lực lượng lao động có chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, cũng như tích cực hỗ trợ, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đã nâng cao lợi thế so sánh của thành phố và tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của thành phố năm 2021 đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020 dù đối mặt với những khó khăn chung của đại dịch.
Nhìn lại hành trình thu hút đầu tư nước ngoài những năm qua, có thể thấy chiến lược tập trung thu hút có chọn lọc, chủ động sàng lọc các dự án cũng như nhà đầu tư chất lượng cao đã góp phần đem lại hiệu quả. Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone,…đã lựa chọn Hải Phòng là điểm đến cho các dự án “khủng”, nhờ đó thu hút các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng tiếp tục đến làm tổ tại Hải Phòng, hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn, ví dụ như tổ hợp sản xuất của LG tại khu công nghiệp Tràng Duệ và sắp tới đây là của USI và Pegatron tại khu công nghiệp DEEP C I và II. Kinh nghiệm cho thấy một khi đã đón đầu được các “ông lớn” này, thành phố sẽ có đà tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ đến đầu tư tại chính khu công nghiệp của dự án “lõi” hoặc các khu công nghiệp lân cận.
Đứng trước làn sóng chuyển dịch sản xuất và dòng vốn FDI đang diễn ra sôi động trong những năm gần đây, Hải Phòng đang có cơ hội lớn để tiếp tục đón những dự án tỷ đô. Tuy nhiên, các địa phương khác cũng không nằm ngoài cuộc đua. Bên cạnh việc tiếp tục tăng quỹ đất công nghiệp bằng cách mở rộng và xây dựng thêm các khu công nghiệp, Hải Phòng nói chung và các nhà phát triển khu công nghiệp nói riêng cần tiếp tục tiên phong xây dựng những lối đi độc đáo để tạo ưu thế riêng, bên cạnh phát huy những lợi thế vốn có.
Định hướng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái
Phát triển bền vững hiện nay không còn là xu thế, mà là một trong những tiêu chí bắt buộc đối với những nhà đầu tư công nghệ cao.Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho chính mình, khi xây dựng nhà máy tại một khu công nghiệp sinh thái, nhà đầu tư sẽ đáp ứng được những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường của khách hàng. Ví dụ, sau khi Apple đặt ra mục tiêu sản xuất “iPhone sạch”, công ty đã làm việc các nhà cung ứng linh kiện để giảm lượng khí thải từ chuỗi giá trị. Như vậy, để thu hút được các dự án lớn cần phát triển những khu công nghiệp xứng tầm, nghĩa là khu công nghiệp không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng giao thông, tiện ích và dịch vụ, mà còn giúp nhà đầu tư hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hải Phòng, khu công nghiệp DEEP C là khu công nghiệp đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Kế hoạch đầu tư (MPI) và tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO) lựa chọn thí điểm chuyển đổi môi hình khu công nghiệp hiện tại sang KCN sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Hiện nay DEEP C đã và đang triển khai các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo từ pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, tua bin điện gió, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý cho các hoạt động tưới cây, rửa đường trong khu công nghiệp, xây dựng đường từ rác thải nhựa, nghiên cứu các cơ hội cộng sinh công nghiệp và tận dụng hiệu quả tài nguyên để áp dụng cho các nhà máy trong khu công nghiệp, cùng nhiều dự án khác.
Phát triển nguồn nhân lực
Lao động là một trong những tiêu chí tiên quyết để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư cơ sở sản xuất tại một địa phương hay một khu công nghiệp. Với tốc độ phát triển như hiện nay, ước tính trong 2 đến 3 năm tới, nhu cầu về lao động của các nhà đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp sẽ cần thêm 40, 50 nghìn lao động. Thêm vào đó, yêu cầu về chất lượng nguồn lao động cũng sẽ thay đổi do ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao đến đầu tư. Vì vậy, Hải Phòng đang đứng trước cả hai bài toán chất lượng và số lượng.
Nhằm thu hút thêm nguồn lao động ngoại tỉnh đến sống và làm việc tại Hải Phòng, cần có thêm các khu nhà ở xã hội, ký túc xá dành cho người lao động, cũng như kết nối hạ tầng và phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn cho người lao động di chuyển đến khu công nghiệp hàng ngày. Bên cạnh đó, các dịch vụ xã hội cho khu công nghiệp cũng cần được chú trọng để ổn định cuộc sống cho người lao động.
Về chất lượng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo, khu công nghiệp, và sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền để có thể phát triển được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Thậm chí, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề có thể phát triển các chương trình đào tạo theo “đơn đặt hàng” từ các công ty, để đảm bảo năng lực đầu ra cũng như việc làm, thu nhập cho sinh viên.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng cũng như chất lượng của các khu công nghiệp trên địa bàn trong những năm qua đã liên tục được cải thiện, bứt phá phản ánh trong kết quả thu hút đầu tư ấn tượng. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn có thể làm tốt hơn nữa bằng cách thúc đẩy triển khai khu công nghiệp sinh thái, có biện pháp giám sát và giảm thiểu tác động môi trường, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông để trở thành trung tâm liên kết vùng lớn nhất miền Bắc.
Nguồn: Công ty CP Khu Công nghiệp Đình Vũ