Hội thảo “Nâng cao năng lực cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng tiền lương trong tình hình mới”

Sáng 20/10/2021, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng tiền lương trong tình hình mới”. Tham dự hội nghị có đại diện Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan và một số doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh hội thảo

Tính đến tháng 9/2021, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng quản lý 222 công đoàn cơ sở, với 146.225 lao động (87.015 nữ chiếm 59,5%), trong đó đoàn viên là 135.625 người (80.425 nữ chiếm 59,3%), 95% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Với vai trò bảo đảm quyền lợi, chăm lo đời sống người lao động tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế, trong những năm qua, Công đoàn Khu công kinh tế Hải Phòng luôn dành sự quan tâm hàng đầu đến công tác thương lượng về tiền lương của người lao động.

Theo báo cáo chế độ chính sách năm 2021 của các công đoàn cơ sở, đến thời điểm hiện nay, Khu kinh tế Hải Phòng có 87,4% doanh nghiệp áp dụng tối thiểu cao hơn so với quy định với mức bình quân 5.210.000 đồng, thu nhập bình quân của công nhân lao động trực tiếp: 8.441.300 đồng/người/tháng, trong đó lương tối thiểu 61,7%, phụ cấp, phúc lợi:18,2%, lương làm thêm giờ, thưởng: 19,7%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc làm của người lao động giai đoạn hiện nay ít hơn giai đoạn 2018, tỷ lệ làm thêm giờ thấp hơn (Kết quả khảo sát năm 2018: Lương tối thiểu 56,2%, phụ cấp 18,8%, làm thêm và thưởng: 25,0%). Thực tế cho thấy, mức thu nhập trên của người lao động mới tạm đủ trang trải cuộc sống, tích lũy cho tương lai không đáng kể.

Đại diện các công đoàn cơ sở phát biểu tại hội nghị

Nhằm khắc phục khó khăn của người lao động về vấn đề tiền lương, tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề: Thực trạng xây dựng cơ chế tiền lương tại doanh nghiệp; khó khăn, hạn chế của công đoàn cơ sở trong thương lượng tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, định mức lao động và các chế độ khác; các yếu tố cấu thành tiền lương và phương pháp để tính tiền lương, sản lượng, định mức lao động; kinh nghiệm để lương lượng hiệu quả về tiền lương và giải quyết những tình huống về lương, thưởng tại doanh nghiệp; những giải pháp nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong thương lượng tiền lương, định mức lao động tại doanh nghiệp…

Thông qua hội thảo góp phần nâng cao vai trò, năng lực của cán bộ công đoàn cơ sở trong tình hình mới, giúp công đoàn cơ sở thương lượng hiệu quả hơn về tiền lương, định mức lao động,hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thực hiện: Phan Quyền