TPO – Giai đoạn 10 năm gần đây tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) ở Hải Phòng luôn đạt mức cao (trung bình khoảng 2 tỷ USD/năm), tính đến hết tháng 6/2023 đạt 24,85 tỷ USD gấp 4,3 lần so với giai đoạn từ năm 1993 – 2013; vốn đầu tư trong nước đạt 309 nghìn tỷ đồng gấp 18,2 lần so với giai đoạn từ năm 1993 – 2013.
Chia sẻ với Tiền Phong, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đưa ra một số quan điểm về thực trạng thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KKT ở Hải Phòng và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư có chọn lọc vào KCN, KKT.
Thực trạng thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KKT ở Hải Phòng
Không ngừng khai thác đồng bộ và hiệu quả các lợi thế vượt trội, riêng có của địa phương, đồng thời nỗ lực thực hiện vai trò và trách nhiệm của một động lực tăng trưởng của vùng, cửa chính ra biển của miền Bắc, những năm qua Hải Phòng luôn giữ vị trí nằm trong nhóm đầu của cả nước thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; quá trình thu hút đầu tư có bước tiến đột phá về số lượng vốn và chất lượng dự án; các tập đoàn lớn đã lựa chọn Hải Phòng để đặt trụ sở chính và sản xuất chiến lược với quy mô lớn.
Theo ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố hiện có 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 6.144 ha. Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải với diện tích 22.540 ha được xác định là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước, với những cơ chế và chính sách ưu đãi vượt trội đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lũy kế đến nay, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 29,3 tỷ USD. Trong đó, các KCN, KKT thu hút 490 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 24,85 tỷ USD (chiếm 84% của thành phố) và 213 dự án FDI với vốn đầu tư trên 13 tỷ USD.
Thành phố Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 6.144 ha.
Đến tháng 6/2023, trong KCN, KKT thu hút 24,85 tỷ USD với 480 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thu hút đầu tư trong nước đạt 13 tỷ USD (gần 309 nghìn tỷ đồng) với 212 dự án. Đặc biệt giai đoạn 10 năm gần đây tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn đạt mức cao (trung bình khoảng 2 tỷ USD/năm), tính đến hết tháng 6/2023 đạt 24,85 tỷ USD gấp 4,3 lần so với giai đoạn từ năm 1993 – 2013; vốn đầu tư trong nước đạt 309 nghìn tỷ đồng gấp 18,2 lần so với giai đoạn từ năm 1993 – 2013.
Cơ cấu vốn đầu tư trong nước – nước ngoài trong KKT, KCN có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng vốn đầu tư trong nước, từ 10% – 90% năm 2013 lên 28% – 72% năm 2022. Tổng vốn thu hút đầu tư KKT, KCN giai đoạn 2014-2022 đạt khoảng 630 nghìn tỷ, chiếm khoảng 72% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố, gấp khoảng 4,8 lần giai đoạn 1993-2013.
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết số vốn FDI trung bình cho 1 dự án cấp mới trong KCN, KKT đạt 28 triệu USD/1 dự án, gấp 1,4 lần so mức trung bình trung bình cả nước và gấp 6,3 lần so với dự án bên ngoài KCN, KKT; qua đó phản ảnh được quy mô đầu tư, chất lượng dự án FDI trong KCN, KKT cao hơn nhiều so với dự án ngoài KCN, KKT và các nhà đầu tư đang chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường. Hàn Quốc đầu tư lớn nhất với 8,7 tỷ USD, chiếm 41%; Nhật Bản 3,2 tỷ USD chiếm 15%; Hong Kong 2,6 tỷ USD chiếm 12%; Singapore 2,5 tỷ USD chiếm 12%…
Các tập đoàn, công ty lớn trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và Việt Nam đã đầu tư vào KKT, KCN và đặt trụ sở tại Hải Phòng, nổi bật phải kể đến là dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng; Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 5 dự án đặt trụ trở tại Khu công nghiệp Tràng Duệ,vốn đăng ký 9,24 tỷ USD và Dự án sản xuất lốp xe ô tô, vốn đăng ký 1,224 tỷ USD của Tập đoàn Bridgestone và nhiều dự án tiêu biểu khác.
Thu hút đầu tư theo lĩnh vực, tính đến tháng 6/2023, lĩnh vực chế tạo (ô tô, máy móc,…) đạt 12,5 tỷ USD chiếm 34%; Điện tử đạt 10,8 tỷ USD chiếm 30%; Logistics, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng đạt 5,2 tỷ USD chiếm 14%; Dệt may, da giày đạt 1,8 tỷ USD chiếm 5%; Cơ khí đạt 1,4 tỷ USD chiếm 4 % tổng vốn thu hút đầu tư.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong những năm gần đây, thu hút đầu tư vào KKT, KCN được chủ động lựa chọn theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững hợp lý, hiện đại. Các ngành sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng thấp như sản xuất giầy dép, đóng tàu có xu hướng giảm dần tỷ trọng; ngành sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất vật liệu xây dựng (chủ yếu là sản xuất xi măng), sản xuất kim loại giảm nhanh tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành; Các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất hóa chất, cao su và plastic (sơn tàu biển, ống nhựa, dược phẩm và thiết bị y tế, lốp ô tô…) đã có sự phát triển đột phá và chiếm tỷ trọng cao; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, GRDP công nghiệp ngày càng tăng qua các năm.
Cơ cấu này đã phản ánh sự chuyển dịch ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo đảm phát triển công nghiệp chủ lực hiện đại có tỷ trọng cao vừa phát triển đa dạng ngành nghề có lợi thế, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chính sách, cơ chế thu hút đầu tư có chọn lọc vào KCN, KKT
Với mục tiêu tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; thành phố Hải Phòng đang tiến những bước dài trong nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI.
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững.
Tiếp tục chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại; chú trọng thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố, trong đó, thu hút vốn FDI theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ, cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng. Năm 2023 thành phố tiếp tục đặt ra nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2- 2,5 tỷ đô la Mỹ.
Ngày 7/4/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 -NQ/TU về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nội dung nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để phát triển các khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn mới.
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết về định hướng thu hút đầu tư theo lĩnh vực, đối tác, chú trọng thu hút các dự án theo Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1338/QĐ-UBND ngày 10/5/2022 của UBND thành phố.
Tiếp tục tập trung mở rộng thu hút đầu tư từ các thị trường chiến lược khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hải Phòng còn tập trung nhiều giải pháp thu hút hiệu quả hơn từ các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và các nước Châu Âu để đa dạng hóa nguồn vốn FDI cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Hải Phòng luôn chú trọng và khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN bền vững, hiệu quả. Khuyến khích các nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường;
Đặc biệt là chú trọng ưu tiên, khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư xây dựng các bộ phận, trung tâm nghiên cứu tại thành phố Hải Phòng phát triển các lĩnh vực mới: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sinh thái.
Tiếp tục nâng cao đồng bộ lợi thế vượt trội về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, tập trung kiến tạo những lợi thế mới và hình thành các hệ sinh thái sản xuất và dịch vụ cho các sản phẩm chủ lực; tập trung giải quyết tốt nhà ở cho người lao động và đào tạo, thu hút lao động chất lượng cao.
Nguồn: tienphong.vn