Cầu Hoàng Văn Thụ đi vào hoạt động đã tạo kết nối và là điểm nhấn cho cảnh quan giao thông đô thị Hải Phòng. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Nghị quyết số 45 ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định: xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics… Thành phố Cảng đang nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa những nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.
Tiên phong trong phát triển giao thông
Không chỉ là thành phố cảng, cửa chính ra biển của miền bắc, TP Hải Phòng còn là một trong số ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia với việc hội tụ đủ cả năm loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển. Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, những năm qua, thành phố luôn xác định, giao thông vận tải là ưu thế vượt trội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Hệ thống giao thông có vai trò trọng yếu trong phát triển không chỉ của thành phố Cảng, mà của cả vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và đất nước. Đây cũng chính là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII và Dự thảo văn kiện Đại hội XIII sắp tới. TP Hải Phòng cũng xác định, đầu tư phát triển HTGT không chỉ riêng cho Hải Phòng, mà cần sự kết nối, tạo sự phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương trong cả vùng và cả quốc gia… Từ đó, thành phố đã tập trung cao, đi tiên phong và quyết tâm thực hiện có hiệu quả trong đầu tư phát triển HTGT.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ cho biết, HTGT Hải Phòng có bước phát triển đột phá mạnh mẽ, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông khá hoàn thiện, tiến tới đồng bộ, hiện đại và văn minh. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 trở lại đây, Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực tới gần 44 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho phát triển kết cấu HTGT, gấp hơn 1,8 lần giai đoạn 2011 – 2015. Hải Phòng cùng với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong khu vực tập trung mạnh mẽ cho các công trình HTGT có tính chất kết nối vùng, khu vực. Cùng với các công trình đường bộ quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác như đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long; mở rộng quốc lộ 10 đoạn qua Hải Phòng; cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện; đường trục Bắc Sơn – Nam Hải; cầu Hoàng Văn Thụ; nút giao khác mức Nam Cầu Bính…, thành phố cũng tập trung đầu tư hàng loạt các tuyến đường, cây cầu kết nối với các địa phương, các vùng ngoại thành với nội đô, tạo điều kiện thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, chống ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân.
Với trách nhiệm là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh để bàn các giải pháp phối hợp, liên kết cùng phát triển. Trong đó, một nội dung quan trọng được bàn bạc, thống nhất là tập trung xây dựng các cây cầu vượt sông, các tuyến đường để tạo kết nối, tăng cường giao thương phát triển của cả khu vực. Cụ thể, xây dựng cầu sông Hóa để kết nối Hải Phòng với tỉnh Thái Bình; xây dựng cầu Quang Thanh và cầu Dinh để kết nối với tỉnh Hải Dương; xây dựng cầu Lại Xuân và cầu Bến Rừng để kết nối với tỉnh Quảng Ninh. Tổng giá trị của năm cầu nêu trên khoảng gần 5.000 tỷ đồng, trong đó TP Hải Phòng tiên phong đầu tư xây dựng cầu và đường dẫn lên cầu, các địa phương liền kề đầu tư kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng và cải tạo các tuyến đường kết nối với cầu trên địa bàn…
Hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng mở mang
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, thời gian qua, kinh tế Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đột phá và có điều kiện đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở HTGT theo hướng đồng bộ, hiện đại. Sau gần 5 năm, bằng các nguồn vốn, Hải Phòng đã xây dựng nhiều công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và đời sống dân sinh với tốc độ nhanh. Hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện với 46 cây cầu được xây dựng. Hàng chục bến phà, đò đã được thay thế bằng cầu cứng, hiện đại. Đặc biệt, 118 tuyến đường nội đô được trải nhựa át-phan phẳng phiu. Các nút giao thông trọng yếu thường xuyên ách tắc, tai nạn giao thông đã được đầu tư cải tạo mở rộng hoặc xây cầu vượt như: nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Đình Vũ, Lê Hồng Phong – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh – Võ Nguyên Giáp, Nam Cầu Bính… đã hoàn thành đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả rõ rệt…
Không chỉ có khu vực đô thị, hệ thống giao thông ở khu vực ngoại thành cũng được quan tâm đầu tư. Trong mấy năm gần đây, Hải Phòng thực hiện chương trình hỗ trợ xi-măng từ ngân sách để xây dựng nhiều tuyến đường thôn, xóm, khu dân cư với tổng chiều dài hơn 1.400 km. Cùng với đó, các cầu phao trên hệ thống tỉnh lộ, liên huyện như cầu phao Đăng, cầu phao Hàn được xây dựng cầu cứng hiện đại. Các tuyến đường từ cầu Lạng An đến cầu Nhân Mục được đầu tư mở mang hai bên kênh Chanh Dương trở thành tuyến đường đẹp nhất huyện Vĩnh Bảo, đường 359 (huyện Thủy Nguyên), đường từ khu di tích Bạch Đằng Giang đến bãi cọc Cao Quỳ, cùng hàng loạt các tuyến đường khác đã và đang được đầu tư mở rộng, nâng cấp không chỉ đem lại sự thuận tiện trong giao thông khu vực nông thôn, mà còn cải thiện bộ mặt các vùng quê, góp phần đưa 100% các xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2019 và từng bước tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên thành phố Cảng.
Trên các công trình giao thông mang tính kết nối vùng, từ cuối năm 2019, sau hơn bảy tháng thi công, cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) với tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giữa tháng 5-2020, cầu Quang Thanh, nối huyện An Lão (Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) qua sông Văn Úc và cầu Dinh, nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) qua sông Kinh Thầy với tổng vốn đầu tư gần 670 tỷ đồng từ ngân sách thành phố đã được khởi công xây dựng. Theo dự kiến, đầu năm 2021, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục khởi công xây dựng cầu Lại Xuân và cầu Bến Rừng để kết nối với tỉnh Quảng Ninh. Quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan (Hải Phòng) đến Bí Chợ (Quảng Ninh), quốc lộ 17b được đầu tư nâng cấp mở rộng; quốc lộ 37 đoạn qua Hải Phòng được xây dựng tuyến mới và dự án mở rộng tuyến đường bộ ven biển đều đang được triển khai tích cực… Mạng lưới giao thông giữa Hải Phòng với các tỉnh lân cận đang dần được hoàn thiện, mở mang tạo điều kiện cho liên kết, hợp tác và kết nối vùng cùng phát triển mạnh mẽ.
Cùng với giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển, đường sông và hàng không cũng không ngừng được hiện đại hóa. Từ tháng 5-2018 hoàn thành hai bến khởi động cảng công-ten-nơ quốc tế tại Lạch Huyện để đón tàu có tải trọng đến 16 vạn tấn làm hàng. Đồng thời, từ đây cũng mở ra các tuyến vận tải biển trực tiếp xuyên Thái Bình Dương tới Ca-na-đa và Bờ Tây nước Mỹ, không phải trung chuyển qua các cảng biển nước khác. Đồng thời, hai bến tiếp theo đang được Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng triển khai tích cực theo phê duyệt của Chính phủ. Sân bay Cát Bi được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E, bảo đảm khai thác được máy bay hiện đại cỡ lớn và hiện đang khai thác nhiều đường bay quốc tế và trong nước. Sân bay cũng đang được nghiên cứu mở rộng đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của vận tải hàng không… Các tuyến hành lang đường thủy số 1: Việt Trì – Hà Nội – Phả Lại – Hải Phòng – Quảng Ninh; số 2: Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình đang được cải tạo. Các tuyến đường thủy nội địa từ Hải Phòng đi các cảng: Mạo Khê, Điền Công (Quảng Ninh), Cống Câu, Phả Lại (Hải Dương) cũng đang được phát triển; tuyến đường sắt khổ rộng Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cũng đang được nghiên cứu xây dựng …
Hiện thực hóa khát vọng vươn lên
HTGT phát triển đột phá đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố Cảng phát triển mạnh mẽ, năng động. Hải Phòng đã và đang có sức hấp dẫn thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như LG, Aeon, Vingroup, Sungroup, Geleximco… với các dự án quy mô lớn tầm cỡ quốc gia và khu vực trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục… Trong đó, Hải Phòng đã cùng Tập đoàn Vingroup làm nên VinFast, hiện thực hóa giấc mơ công nghiệp ô-tô từ bao đời nay của người dân Việt Nam và ghi tên nước ta vào bản đồ sản xuất ô-tô thế giới. Các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thương mại, dịch vụ, du lịch đang là hiện thực, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước, một thương cảng sầm uất của khu vực Đông – Nam Á và Đông – Bắc Á, một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ của cả nước… Trong điều kiện khó khăn vừa qua, Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Chặng đường phía trước còn dài và không ít khó khăn, trắc trở. Với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn lên, Hải Phòng đang nỗ lực quyết tâm đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư hoàn thiện, phát triển và hiện đại hóa HTGT; khẳng định vai trò đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía bắc và hai hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc. Theo đó, cùng với hai bến số 3, số 4 đã khởi động, Hải Phòng tập trung định hướng đầu tư xây dựng từ sáu đến tám bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; hoàn thành xây dựng nhà ga số 2 và khu vực logistics hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; các cầu: Nguyễn Trãi, Vũ Yên, cầu Rào 3; hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển; đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương…
Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hải Phòng đã xác định bốn nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, thành phố tập trung nguồn ngân sách để cải tạo, nâng cấp, phát triển giao thông đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại với các nút giao thông khác mức, cầu vượt và nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông ngầm; nâng cấp các tuyến đường tỉnh cùng hệ thống giao thông công cộng, kết nối tới các khu công nghiệp, đô thị, du lịch… Cùng với đó, Hải Phòng xây dựng cơ chế, chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu HTGT, ưu tiên áp dụng hình thức đầu tư PPP. Đồng thời, thành phố phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa chiến lược, vai trò liên kết vùng, kết nối các khu vực… ở tất cả các loại hình giao thông. Đồng thời, thành phố cũng đề xuất các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư kết nối HTGT ở các địa phương có lợi thế, trọng yếu như Hải Phòng… Với quyết tâm cao, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả trong đầu tư kết cấu HTGT, Hải Phòng đã và đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới trong tương lai gần.
Nguồn: baonhandan.com