Hải Phòng: Giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao trong Khu công nghiệp

Với việc phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ cao trong tương lai, sự thiếu hụt cả về số lượng, chất lượng lao động có chuyên môn đang là một thách thức lớn đối với Hải Phòng.

Nhu cầu lao động lớn

Luỹ kế đến hết năm 2021, 12 Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn Thành Phố Hải Phòng đang thu hút trên 400 dự án với tổng số vốn trên 19.000 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong khu vực này đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Thành Phố Hải Phòng. Hiện tổng số lao động đang làm việc trong các KCN, KKT trên địa bàn Thành Phố Hải Phòng là trên 186.000 người; trong đó lao động Việt Nam là gần 156.000 người, lao động nước ngoài là trên 4.100 người. Theo ước tính của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, nhu cầu lao động trong các KCN, KKT liên tục tăng, với mức tăng bình quân gần 16%. Sở dĩ có sự tăng trưởng như này là do số lượng nhà đầu tư đến Hải Phòng ngày càng tăng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô, tăng dây chuyền sản xuất.

Hải Phòng hiện có 12 KCN, KKT đang hoạt động với hơn 186.000 lao động

Theo ông Liu Hui Min – Tổng giám đốc công ty TNHH USI Việt Nam, qua hơn 1 năm đầu tư xây dựng tại Hải Phòng, chúng tôi nhận thấy Hải Phòng có nguồn lao động tương đối dồi dào. Hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng tại địa phương có thể cung cấp một số lượng lớn nhân tài cho thị trường lao động. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao mới ở giai đoạn đầu của việc đào tạo lao động. Cũng theo ông Liu Hui Min, một trong những khó khăn mà công ty TNHH USI Việt Nam đang gặp phải là việc tuyển dụng kỹ thuật viên thao tác những thiết bị có tính chính xác cao, máy móc tự động hoá. Trong năm 2022, công ty dự kiến thiếu khoảng 500 kỹ thuật viên. Vì vậy, phía công ty rất mong Thành Phố Hải Phòng quan tâm, hỗ trợ về công tác đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời hy vọng có thể tăng tỷ lệ người lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp từ 14% lên 30%.

Còn theo đại diện công ty TNHH Pegatron Việt Nam, nhu cầu lao động của công ty vào năm 2023 dự kiến là 13.000 lao động, năm 2024 là 18.000 lao động và năm 2025 là 23.000 lao động. Phía công ty rất mong được Thành Phố Hải Phòng hỗ trợ tạo điều kiện để tuyển dụng nguồn lao động địa phương và lao động ngoại tỉnh.

Lãnh đạo Thành Phố Hải Phòng làm việc tại dự án Pegatron Việt Nam

Đi tìm giải pháp

Thành Phố Hải Phòng hiện đang xúc tiến, đặt mục tiêu xây dựng 15 KCN với diện tích trên 6.200ha để sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu lao động đặc biệt là lao động có chất lượng cao tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Bởi vậy Hải Phòng cần có sự chuẩn bị nguồn lao động ngay từ bây giờ để giải quyết thách thức mà các nhà đầu tư vào Hải Phòng đang phải đối mặt, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương trong thời gian tới.

Doanh nghiệp tại các KCN ở Hải Phòng có nhu cầu tuyển dụng gần 50.000 lao động trong thời gian tới

Theo đại diện KCN Deep C, nguồn lao động chất lượng chính là một trong những yếu tố quyết định trong thu hút đầu tư vào thời điểm này. Hiện số lượng nhà đầu tư tại Hải Phòng tăng cao kéo theo nhu cầu về hạ tầng, nhưng nếu muốn thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao thì Hải Phòng phải có đủ khả năng cung cấp nguồn lao động chất lượng. Khi khách hàng tìm đến Deep C, một trong những câu hỏi thường thấy nhất đó là về nguồn cung lao động. Vì vậy, Hải Phòng cần hiểu được những nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Với việc phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ cao trong tương lai, sự thiếu hụt cả về số lượng, chất lượng lao động có chuyên môn sẽ là một thách thức lớn đối với Hải Phòng. Theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022 – 2023 của Thành Phố Hải Phòng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được địa phương đặt ra là tăng cường kết nối cung cầu lao động; hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm.

Hải Phòng hiện có hơn 20 dự án đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động thực hiện, tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia theo chương trình, dự án ODA, ADB… Tuy nhiên, để có thể đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thì ngoài các chính sách về giáo dục, Hải Phòng cần triển khai nhiều giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút lao động ở lại làm việc.

Theo ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng cho biết, với những cạnh tranh, khó khăn về lực lượng lao động, Hải Phòng sẽ triển khai nhiều giải pháp, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án nhà ở xã hội… để thu hút nguồn lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Về thu hút lao động, cũng như đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thành Phố Hải Phòng giao Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sớm triển khai các giải pháp đã đề xuất như: tổ chức sàn giao dịch lao động; phối hợp cùng đơn vị, cơ sở để tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu. “Các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, kết hợp cùng các trường, đơn vị để đào tạo nghề, thực hành với những công nghệ, máy móc của doanh nghiệp để việc đào tạo, cũng như tuyển dụng lao động đạt hiệu quả cao nhất… Đồng thời, cần thực hiện đầy đủ, minh bạch các cam kết về chế độ lương thưởng, đãi ngộ, văn hóa doanh nghiệp…, bởi đây mới là yếu tố quyết định để người lao động tìm đến và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, ông Quang cho biết.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, theo tính toán, doanh nghiệp tại các KCN ở Hải Phòng có nhu cầu tuyển dụng gần 50.000 lao động. Trước vướng mắc, khó khăn, ngay trong tháng 3/2022, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ xây dựng sàn giao dịch lao động; phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo nghề, các doanh nghiệp, kết nối cung cầu, tuyển dụng lao động.

(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)