Người lao động làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng.
Bên cạnh môi trường đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những vấn đề hàng đầu được các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao quan tâm khi có ý định đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Hải Phòng. Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp triển khai nhiều giải pháp thu hút, đào tạo, giới thiệu việc làm và các hoạt động kết nối đào tạo giữa các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước với các doanh nghiệp FDI.
Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam Chen Chi Liang cho biết, đến thời điểm hiện tại, công ty đầu tư xây dựng các nhà máy tại KCN DEEP C Hải Phòng với tổng vốn hơn 800 triệu USD để sản xuất thiết bị điện tử. Dự kiến, công ty tiếp tục điều chỉnh tăng vốn dự án trong thời gian tới. Hiện tại nhu cầu lao động của công ty vào năm 2023 là 13.000 lao động, năm 2024 là 18.000 lao động và năm 2025 là 23.000 lao động. Chính vì vậy, công ty mong muốn thành phố hỗ trợ tạo điều kiện để tuyển dụng được nguồn lao động địa phương, cũng như tạo điều kiện để tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thông tin, từ năm 2021 đến nay, thành phố thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới. Tỷ trọng thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics của thành phố càng ngày được nâng cao, năm 2021 đạt 83,3%, năm 2022 đạt 81,8%. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đang xem Hải Phòng là điểm đến an toàn, đồng thời thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh để tiếp tục mở rộng hoạt động. Tuy vậy, thị trường Hải Phòng còn một số hạn chế cần được khắc phục ngay. Nổi bật là việc thiếu nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao tại các KCN, KKT.
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, hơn 70% số lượng lao động trong các KCN, KKT của Hải Phòng đang làm việc trong các ngành công nghệ cao, điện, điện tử, cơ khí chính xác. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 11% số lao động đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao, 19% đạt trình độ chuyên môn bậc trung. Theo tính toán thì từ nay đến năm 2025, Hải Phòng cần thu hút khoảng 10 tỷ USD vốn FDI; cứ 1 tỷ USD vốn FDI được thu hút cần khoảng 10.000 lao động, trong đó phải có từ 3.000 – 4.000 lao động có tay nghề cao. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cao của Hải Phòng rất lớn.
‘Trong 2 năm qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 5.000 lao động, đào tạo nghề cho 3.200 lao động. Bên cạnh đó, chú trọng kết nối đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trọng điểm trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp FDI, với 18 biên bản hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp và các trường đại học đang được triển khai từ năm 2021. Ban Quản lý cũng kết hợp Trường đại học RMIT khảo sát nhu cầu đào tạo, mở lớp đào tạo về logistics tại KCN Đình Vũ’.
Kết nối chặt chẽ cung-cầu
Từ dữ liệu phân tích trên cho thấy, nguồn nhân lực của thành phố nói chung và trong các KCN, KKT còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đối với nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, phần lớn sinh viên khi tốt nghiệp chỉ đáp ứng về lý thuyết, khả năng sáng tạo còn hạn chế, thiếu kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp, kỹ năng làm việc nhóm chưa cao… nên tiếp cận công việc chậm. Với thời gian đào tạo rất ngắn (do doanh nghiệp tự đào tạo sau khi tuyển dụng), một số lượng nhỏ trở thành lành nghề, số còn lại chưa hội tụ đủ điều kiện để trở thành nhân lực có chất lượng cao. Trong khi đó, Hải Phòng đang hướng đến thu hút, phát triển các ngành sản xuất kỹ thuật cao, yêu cầuđặt ra đối với nhân lực tại các KCN, KKT là phải có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng thực hiện công việc theo nhiều cấp độ khác nhau, kỹ năng làm việc nhóm, tính tuân thủ, kỷ luật; biết ngoại ngữ và am hiểu công nghệ thông tin…
Tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức chương trình ký kết và kết nối đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT trên địa bàn thành phố. Theo đó, lãnh đạo các bên cùng nhau ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong KCN, KKT Hải Phòng. Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho biết, nhà trường hiện có khoảng 2.200 sinh viên người Hải Phòng theo học, góp phần cung cấp nhân lực cho Hải Phòng. Tuy nhiên, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của Hải Phòng rất lớn, nhất là đáp ứng các doanh nghiệp trong các KCN. Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng hợp tác các KCN, các doanh nghiệp để góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, nhằm giải quyết triệt để “bài toán” nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT, trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách đồng bộ pháttriển nguồn nhân lực như: Hỗ trợ người học nghề ở trình độ cao, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động địa phương có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để hằng năm tuyển chọn những sinh viên ưu tú cử đi nước ngoài đào tạo với cam kết quay về phục vụ doanh nghiệp; triển khai thực hiện tích cực, nhất quán các chính sách khuyến khích thu hút tài năng, nhất là đội ngũ trí thức trẻ; đẩy mạnh hình thức xã hội hóa giáo dục, huy động vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao…/.
Nguồn: baohaiphong.com