Doanh nghiệp bứt phá trong chuyển đổi số

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột thúc đẩy quá trình phát triển nhanh, bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần giúp doanh nghiệp tạo nên những bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nó giúp các doanh nghiệp tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ mới như AI, IOT… sẽ giúp cho các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng hiện đại, tăng sức cạnh tranh và vươn lên bứt phá.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặt ra kế hoạch đến năm 2025 Việt Nam là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, theo kết quả một khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), đến nay có tới 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số, song chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào.

Hiện, có 3 yếu tố được xem là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số là: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; Cách thức chuyển đổi số. Bảo mật thông tin là thách thức thứ 4 cho cộng đồng doanh nghiệp.

Quả vậy, một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số chính là phải đầu tư nguồn tài chính lớn và điều này đã cản trở không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp đã có động lực trong quá trình chuyển đổi số

Nhiều doanh nghiệp đã có động lực trong quá trình chuyển đổi số

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT NHTMCP Quân đội chia sẻ, khi đã sớm nhận thấy chuyển đổi số là “cơ hội lớn” đối với ngân hàng và là câu chuyện sống còn của mỗi doanh nghiệp, trong khoảng 5 năm gần đây, ngân hàng đã tập trung đầu tư bài bản cho chuyển đổi số. Ngân hàng này xác định, các nền tảng số sẽ chiếm khoảng 50% doanh thu cho ngân hàng trong khoảng 4 năm tới, và hiện tại con số này là khoảng 20%.

Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số nên bắt đầu từ “những phép thử nhỏ” thay vì ngay lập tức đầu tư một số tiền lớn từ ban đầu. Sau mỗi phép thử là giai đoạn kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, việc áp dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp sẽ cần sự tư vấn, định hướng tầm nhìn và đồng hành từ các chuyên gia để đưa ra được những chiến lược cụ thể, quy hoạch lộ trình phù hợp với quy mô, nhu cầu từng đơn vị. Tiến trình này không chỉ giúp tiến hành chuyển đổi số phù hợp với đặc thù nguồn lực của từng doanh nghiệp, từng giai đoạn, mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro và tránh lãng phí tới môi trường, năng lượng… khi doanh nghiệp mở rộng về quy mô.

Với nền tảng công nghệ đang ngày một thay đổi nhanh chóng theo hướng tích cực, cùng với Chiến lược quốc gia của Chính phủ về chuyển đổi số, hy vọng các doanh nghiệp sẽ có sự chuyển mình, bứt phá kịp thời, nhanh chóng để đóng góp ngày càng lớn mạnh vào sự phát triển của đất nước.

Nguồn: thoibaonganhang.com