Công nghiệp Hải Phòng: Sức vươn Phù Đổng

HỒNG THANH – ẢNH: DUY THÍNH

Hải Phòng là nơi ra đời những chiếc ô tô thương hiệu Việt đầu tiên.

Trong ảnh: Công nhân Nhà máy sản xuất ô tô VinFast trên dây chuyền hoàn thiện sản phẩm.

(HPĐT)- Cách đây 66 năm, khi Hải Phòng được giải phóng, toàn thành phố tiêu điều, xơ xác. Hầu hết các nhà máy công nghiệp bị thiệt hại nặng nề, ngừng trệ hoạt động… Bởi thế mà quyết tâm khôi phục lại sản xuất công nghiệp luôn là điều nung nấu của Đảng bộ, chính quyền thành phố. Từng bước một, Hải Phòng khôi phục lại sản xuất của nhiều nhà máy lớn; xây dựng thêm nhiều nhà máy mới và định hình bước đi vững chắc, tương xứng với vị thế của thành phố có truyền thống phát triển công nghiệp hàng trăm năm. Để rồi, sau 66 năm, công nghiệp Hải Phòng thực sự lớn mạnh, đã và đang là trụ cột phát triển kinh tế thành phố.

Những nền tảng quan trọng

Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Hải Phòng là một trong những địa phương phát triển công nghiệp sớm của cả nước. Những nhà máy tơ, nhà máy xay, nhà máy xi măng, nhà máy đèn… là những minh chứng rõ nhất cho thấy hình ảnh tầm vóc của công nghiệp Hải Phòng thời kỳ đó. Không những thế, còn gắn liền với phong trào hoạt động cách mạng anh dũng, kiên cường của những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, Hải Phòng là một trong những “chiếc nôi” hình thành giai cấp công nhân Việt Nam. Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng, đây chính là nền tảng quan trọng, để dù chiến tranh có tàn phá, làm hư hại nhiều nhà máy công nghiệp, công nghiệp Hải Phòng vẫn luôn có sức mạnh tiềm tàng và sớm bật dậy, phát triển nhanh, mạnh hơn trước.

Chính bởi thế, sau ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955), mặc dù vừa phải khôi phục lại hoạt động sau hơn 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, vừa phải chống chọi với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhưng công nghiệp Hải Phòng vẫn có sự bứt phá mạnh mẽ. Ngày ấy, Hải Phòng rất nổi danh với các nhà máy xi măng, Nhựa Tiền Phong, mì sợi, dụng cụ, Khoá 1-12, Sắt tráng men- Nhôm, mạ và thủy tinh cùng các nhà máy đóng tàu, nhà máy cơ khí như Cơ khí 23-9, Cơ khí tháng 10, Cơ khí 139, Cơ khí Duyên Hải, Cơ khí Kiến Thiết, Cơ khí 1-5, Cơ khí 19-8… Màu áo xanh người thợ trở thành biểu tượng của thành phố Cảng, đi vào thơ ca, nhạc họa và là niềm tự hào của người dân thành phố.

Có lẽ, truyền thống thành phố công nghiệp ăn sâu, bén rễ vào mảnh đất Trung dũng- Quyết thắng này nên cứ mỗi năm, Hải Phòng lại xuất hiện thêm nhiều nhà máy công nghiệp mới. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, khi chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, Hải Phòng vẫn xuất hiện nhiều “tên tuổi” không chỉ nổi danh tại thành phố mà còn lan tỏa, vang xa trong toàn quốc, vượt biên giới ra nước ngoài như: các nhà máy đúc đồng, sơn, giấy, bia, xi măng, đóng tàu, sản xuất thép… Nhiều cán bộ kỳ cựu của ngành công nghiệp Hải Phòng cho rằng: trong suốt chiều dài hàng thế kỷ phát triển, cơ khí chế tạo vẫn luôn là chủ lực, là thế mạnh của công nghiệp thành phố. Đó là nền tảng để những năm sau này, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp.

Vươn tầm toàn cầu

Có những thời điểm, định hướng phát triển công nghiệp của Hải Phòng tạm thời lùi lại một bước, nhường ưu tiên cho phát triển dịch vụ. Nhưng tựu trung trong cả quá trình 66 năm qua, kể từ khi giải phóng Hải Phòng, công nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ chốt của thành phố. Từ thành thị tới nông thôn, đâu đâu cũng có nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp… Theo quy luật, khi công nghiệp thật sự bùng nổ thì thành phố buộc phải quy hoạch, phải dẫn dắt theo đúng định hướng. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Hải Phòng ra đời ngay sau luồng gió đổi mới của Đảng và liên tục phát triển, trở thành nơi để cả “đại bàng” và “chim sẻ” “làm tổ”, chung tay đưa công nghiệp Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ.

Những tên tuổi lớn về sản xuất công nghiệp trong nước và quốc tế đều có mặt tại Hải Phòng với công nghệ cao, công nghệ sạch và nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, như: LG, Bridgestone; GE; Kyocera; Fuji Xerox; Nipro Pharma…

Đặc biệt, từ năm 2017, Tập đoàn Vingroup quyết định đầu tư hơn 3 tỷ USD xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, công nghiệp Hải Phòng có vị thế hoàn toàn mới. Hải Phòng trở thành nơi ra đời những chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam, là niềm tự hào lớn lao của người dân đất Cảng. Từ khi chính thức đi vào hoạt động năm 2019 đến nay, hàng chục nghìn chiếc xe ô tô mang biểu tượng chữ V đầy kiêu hãnh sản xuất tại Hải Phòng tỏa đi mọi miền đất nước, với rất nhiều ưu thế cạnh tranh với các thương hiệu ô tô nước ngoài có thâm niên hàng trăm năm hoạt động.

Sự bứt phá của công nghiệp Hải Phòng được thể hiện qua những con số đầy sức thuyết phục, đặc biệt trong vài năm gần đây. 5 năm 2015-2020, Hải Phòng thực sự khẳng định vị trí là trung tâm công nghiệp, thương mại của cả vùng và cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung cả nước; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12%, năm 2015 lên 38,97% năm 2020; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020. Rõ ràng, công nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế và Hải Phòng chính thức xác lập vị trí trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định: Tới năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Công nghiệp công nghệ cao tiếp tục là một trong các trụ cột phát triển kinh tế thành phố. Từ đó, thành phố đặt ra chỉ tiêu cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 21,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt từ 41% đến 43%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt từ 47% đến 49%… Và như vậy, sức vươn Phù Đổng của công nghiệp Hải Phòng những năm tới còn mạnh mẽ, bay cao, bay xa hơn nữa.

Đến nay, Hải Phòng có 12 khu công nghiệp, trong đó, có 8 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiện ích cùng nhiều cụm công nghiệp nằm rải rác ở cả nội và ngoại thành trở thành động lực để thu hút đầu tư. Chính bởi thế, Hải Phòng thu hút được rất nhiều dự án “khủng”, trị giá hàng tỷ USD, điều mà trước đây và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước bây giờ cũng không dễ gì có được./.

Nguồn: baohaiphong