Xây dựng thành phố thông minh, đưa Hải Phòng vươn tầm quốc tế – Kỳ II: Đô thị thông minh bền vững, bao trùm

Với những lợi thế, tiềm năng, nguồn lực toàn diện mạnh mẽ, để có thể đạt được mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại tầm cỡ quốc tế vào năm 2045 thì trước mắt đến năm 2030, Hải Phòng phải cơ bản định hình được mô hình thành phố thông minh với những định hướng về hệ thống quy hoạch, kết cấu hạ tầng đồng bộ; quản lý đô thị tích hợp; kiểm soát môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Định hình thành phố thông minh

Về hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông, đây là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất để phát triển các ứng dụng cho hoạt động của thành phố thông minh. Nền tảng công nghệ thông tin (ICT) ổn định, kết nối rộng khắp sẽ đảm bảo việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ không bị gián đoạn, dễ dàng tiếp cận bởi người dân. Theo đó, thành phố đang đẩy mạnh triển khai chính quyền số, chính quyền kiến tạo sử dụng nhiều các công nghệ, phần mềm điện tử trong tác nghiệp. Người dân cũng bắt đầu tiếp cận và xây dựng thói quen sử dụng các thủ tục, tác vụ điện tử với các thủ tục hành chính, nhà nước. Đồng thời, để việc triển khai các công nghệ mới được thuận lợi, người dân thành phố và các cơ quan, đơn vị cũng dần phổ cập, nâng cấp các trang thiết bị như điện thoại cá nhân, máy tính, thiết bị văn phòng với những yêu cầu kỹ thuật cơ bản để dễ dàng cập nhật và sử dụng đồng bộ.

Về giao thông thông minh, thành phố Hải Phòng cơ bản đã có hệ thống giao thông được quy hoạch đồng bộ, có sự liên kết phù hợp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông trên địa bàn. Các tuyến đường hầu hết được chỉnh trang, xây dựng hiện đại, văn minh, trong đó có nhiều địa bàn đã triển khai lắp đặt các hệ thống camera đường bộ, camera giao thông… để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, xử lý các sự cố giao thông. Để hiệu quả quản lý giao thông cao hơn nữa, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, tương tác bằng những giải pháp thông minh đối với mạng lưới giao thông; tích hợp nhiều tính năng vượt trội; thu thập các dữ liệu giao thông và tự động phân tích, dự đoán những xu hướng và tình huống giao thông để sớm có phương án chuẩn bị và xử lý.

Về môi trường, đô thị thông minh cần có hệ thống dữ liệu môi trường mở, dễ dàng tiếp cận bởi người dân. Đây sẽ là kênh thông tin nhanh và chính xác về tình hình môi trường, mức độ ô nhiễm không khí, độ sạch của nguồn nước, khối lượng tập trung rác thải… Từ đây, chính quyền và người dân cùng phối hợp để có những hành động giảm tác động xấu tới môi trường cũng như chủ động bảo vệ mình. Việc kiểm soát sử dụng các tài nguyên, năng lượng như điện, nước… một cách chủ động và số hóa tự động cũng rất cần thiết, góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian, nâng cao hiệu quả sử dụng cho người dân và thành phố. Đặc biệt, các công nghệ và dữ liệu lớn sẽ đảm bảo việc cung cấp thông tin về rủi ro thiên tai cũng như khuyến cáo sớm những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu để giảm thiểu hậu quả cho người dân.

Về an ninh trật tự, hiện nay mạng lưới camera an ninh đã triển khai tới tận nhiều khu dân cư, tổ dân phố trở thành một công cụ hữu ích trong việc giám sát an ninh. Những hệ thống này kết hợp các giải pháp an ninh thông minh, tự động đánh giá, cung cấp các thông tin chủ động cho người dân, cảnh báo các nguy cơ, tình huống mất an toàn sẽ giúp triển khai nhanh chóng các hệ thống an ninh thông minh cho thành phố. Đặc biệt, công nghệ tiên tiến sẽ rất hữu ích trong công tác phòng chống cháy nổ, nhận diện các nguồn gây cháy, nhiệt độ gia tăng bất thường… để đưa ra tín hiệu kịp thời.

Về y tế, thành phố thông minh sẽ mang lại cho người dân những tiện ích y tế nhanh chóng, hiện đại và dễ tiếp cận như việc khám chữa bệnh từ xa, góp phần giảm tải các bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, với những kinh nghiệm thực tiễn từ phòng chống dịch bệnh Covid19, hệ thống y tế thông minh có thể nhanh chóng triển khai các công tác giám sát, ứng phó với các dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả.

Về lĩnh vực giáo dục, cơ bản công tác giáo dục các cấp trên địa bàn thành phố hiện nay đã ứng dụng nhiều công nghệ mới vào giảng dạy thông qua các hình thức học trực tuyến, chương trình giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại… Để tiến tới xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, nền tảng hạ tầng công nghệ cần được chú trọng triển khai đồng bộ, có kế hoạch, kết hợp với xây dựng kho dữ liệu số. Thông qua đó, chính quyền và người dân có thể dễ dàng quản lý và giám sát công tác giáo dục đào tạo, thuận lợi trong tiếp cận với các nền tảng giáo dục số.

Về du lịch, bên cạnh du lịch biển truyền thông, Hải Phòng đang thu hút lượng lớn khách du lịch foodtour. Nhóm du khách này có độ tuổi trẻ, mức độ lan tỏa thông tin cao và thường xuyên tiếp cận với điểm đến thông qua nền tảng công nghệ. Chính vì vậy, thành phố đã triển khai nhiều ứng dụng, kênh thông tin điện tử để cung cấp thông tin du lịch nhanh và mới. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng của du lịch thông minh. Cùng với đó, hệ thống du lịch thông minh sẽ giúp quản trị, khai thác hiệu quả, kết hợp bảo vệ tốt các nguồn tài nguyên và hạ tầng du lịch của Hải Phòng.

Giao thông thông minh là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện khi phát triển đô thị thông minh

Xây dựng, vận hành xã hội thông minh

Phát triển thành phố Hải Phòng thông minh bao trùm trên mọi lĩnh vực, song quan trọng hơn cả là việc xây dựng và vận hành một hệ thống xã hội thông minh. Hải Phòng là thành phố cảng biển có lịch sử lâu đời về phát triển kinh tế xã hội, hội tụ những người dân năng động, hiện đại, sẵn sàng vận hành cuộc sống theo hướng hiện đại, thông minh, trở thành một cộng đồng thông minh của những công dân số. Song, những người dân thành phố vẫn luôn giữ được “chất” của người Hải Phòng miền biển hào sảng, phóng khoáng, xây dựng một hệ tri thức văn hóa Hải Phòng trong thời đại công nghệ mới. Nền tảng xã hội quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy người dân đồng hành cùng chính quyền trong việc phát triển thành phố, phát triển nền kinh tế số dựa trên dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu cuối cùng của xây dựng đô thị thông minh không phải hướng tới ai khác mà chính là những người công dân và doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng. Hệ thống thông minh toàn diện sẽ đem đến giao diện mở cho mọi lĩnh vực, giúp người dân và doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, thực hiện các tương tác với chính quyền, giải quyết nhanh chóng các nhu cầu, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thành phố thông minh cũng sẽ góp phần mở rộng và tăng cường tương tác, hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp. Chính người dân và các doanh nghiệp sẽ quyết định sự thành công của quá trình thiết lập cũng như vận hành đô thị thông minh.

Thời gian vừa qua, tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã có nhiều hoạt động tìm hiểu, khảo sát, làm việc với lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, địa phương về xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Hải Phòng. Trao đổi với đoàn chuyên gia khảo sát của Tập đoàn LG, đồng chí Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nêu rõ định hướng của thành phố đối với việc phát triển thành phố thông minh là tập trung vào những giải pháp tổng thể, có tính liên kết cao trong nhiều lĩnh vực, sử dụng các công nghệ có tính đột phá, dẫn đầu và có thể triển khai vận hành trong thời gian ngắn. Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh đối với các lĩnh vực có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp như giáo dục, sức khỏe, giao thông, môi trường… cần được ưu tiên tập trung nghiên cứu và áp dụng sớm.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông – đơn vị đầu mối trong thực hiện chuyển đổi số của thành phố, hiện nay Hải Phòng đang tích cực đẩy mạnh các công tác chuyển đổi số và xác định đây là nền tảng quan trọng để tiến tới thành phố thông minh. Theo đó, các lĩnh vực được thành phố quan tâm ưu tiên gồm giao thông (giám sát điều hành giao thông, khai thác cảng biển, vận tải logistics…), môi trường (quan trắc, giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai, xử lý nước sạch…), trường học thông minh, y tế (bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, giường bệnh thông minh…), xây dựng tổng thể đô thị, kinh tế số… Các hoạt động này đều được thành phố tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, phát triển.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, một lĩnh vực quan trọng hàng đầu của đô thị thông minh, theo đó Sở Giao thông Vận tải hiện đã nghiên cứu, triển khai nhiều nâng cấp nhiều hạng mục theo hướng thông minh, hiện đại như giám sát giao thông, kiểm soát lưu lượng phương tiện và điều tiết hệ thống tín hiệu giao thông, xử lý vi phạm giao thông; quản lý và vận hành phương tiện công cộng bằng lịch trình điện tử, vé điện tử…; quản lý hạ tầng giao thông, quan trắc bằng các ứng dụng công nghệ điện tử; quản lý hệ thống cảng thủy nội địa điện tử; thực hiện nhiều thủ tục hành chính, cấp phép bằng nền tảng trực tuyến.

Có thể nói rằng, thành phố Hải Phòng đang triển khai đồng bộ nhiều hoạt động theo đúng định hướng để làm cơ sở cho phát triển thành phố thông minh. Các cấp chính quyền, sở ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đều có những biến chuyển tích cực và chủ động trong công tác này. Tuy nhiên, thành phố tiếp tục cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để chủ động và nhanh chóng đưa thêm các sản phẩm, ứng dụng của thành phố thông minh vào cuộc sống người dân.

(còn nữa)

Lê Tất Quốc Anh

Trung tâm Dịch vụ việc làm, Đào tạo, Xúc tiến Đầu tư – Ban Quản lý KKT Hải Phòng

Đăng tải trên Chuyên đề An ninh Hải Phòng