Xây dựng thành phố thông minh, đưa Hải Phòng vươn tầm quốc tế – Kỳ I: Nơi hội tụ những nền tảng vững vàng

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra những mục tiêu phát triển toàn diện thành phố Cảng, trong đó nểu rõ đến năm 2045, Hải Phòng phải trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm hàng đầu châu Á và thế giới. Để Hải Phòng vươn tầm quốc tế, việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh là một điều kiện then chốt vô cùng quan trọng nhưng cũng không hề dễ dàng. Song, Hải Phòng hiện đã hội tụ đầy đủ những yếu tố, tính chất, thành tựu để phát triển đô thị thông minh – yếu tố hàng đầu cho thực hiện các mục tiêu trên.

Đô thị thông minh hay thành phố thông minh là một khái niệm khá dễ hiểu, tương tự như điện thoại thông minh, căn hộ thông minh…; là những sản phẩm được áp dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất mang lại trải nghiệm và hiệu quả cao cho người sử dụng. Thành phố thông minh cũng là mô hình thành phố được áp dụng các công nghệ hiện đại như sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ IoT (internet vạn vật), dữ liệu lớn (big data)… để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, phục vụ và mang chất lượng cuộc sống tối ưu cho người dân về cả vật chất và tinh thần. Theo đó, bằng công nghệ, dữ liệu về nhiều lĩnh vực, hoạt động sẽ được thu thập, xử lý và phân tích nhằm quản lý và cải thiện các hoạt động trong thành phố như quản lý về hệ thống giao thông, mạng lưới cấp điện nước, xử lý môi trường, quản lý công trình công cộng, an ninh an toàn… Có thể thấy rằng, mô hình đô thị thông minh là một trong những giải pháp chiến lược để các cấp chính quyền thành phố quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội, làm cơ sở cho các công tác phát triển kinh tế và đời sống.

Trên thế giới, có thể thấy các thành phố phát triển hàng đầu đều sớm triển khai vận hành thành công mô hình đô thị thông minh. Tại New York (Mỹ), toàn bộ hệ thống nước sạch được theo dõi bằng hệ thống đồng hộ đọc tự động, qua đó cơ quan quản lý có thể nhanh chóng thu thập được dữ liệu tiêu thụ nước để có các biện pháp kiểm soát và khuyến cáo sử dụng tiết kiệm. Tại đây, các khu vực thu gom rác thải cũng sử dụng các thùng chứa rác chạy năng lượng mặt trời và áp dụng công nghệ theo dõi lượng rác thải để kịp thời xử lý. Tại London (Anh), thành phố đã giới thiệu hệ thống phương tiện công cộng không người lái, không phát thải nhằm giải quyết áp lực giao thông và bảo vệ môi trường. Tại Amsterdam (Hà Lan), các dự án đô thị thông minh đã được triển khai cách đây gần 15 năm. Từ năm 2015, toàn thành phố đã phủ sóng mạng không dây công cộng, là nền tảng quan trọng để phát triển công nghệ internet vạn vật IoT cũng như triển khai các hoạt động, ứng dụng khác của thành phố thông minh.

Tại khu vực châu Á, Dubai (Ấn Độ) là một trong những thành phố hàng đầu thế giới về đổi mới và phát triển đô thị nhanh chóng. Chính quyền thành phố xác định trí tuệ nhân tạo là cơ sở cho nhiều hoạt động. Năm 2017, Dubai đã triển khai vận hành mạng lưới cảnh sát robot để tuần tra, giám sát an ninh an toàn trên đường phố. Dự kiến đến năm 2030, thành phố này sẽ có các đồn cảnh sát thông minh với ¼ nhân viên là người máy. Tại Singapore, Chính phủ của quốc đảo sư tử có thể dễ dàng kiểm soát và phân tích tình hình của thành phố bằng công nghệ thực tế ảo, hiển thị và cập nhật liên tục. Còn với Seoul (Hàn Quốc), thành phố này đang trở thành một cứ điểm “kinh tế thông minh” quan trọng của châu Á khi tập trung nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và công nghệ tiên tiến, phục vụ cuộc sống của người dân từ đó đưa đô thị truyền thống trở thành đô thị thông minh.

Hải Phòng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số làm nền tảng phát triển thành phố thông minh

Nhìn chung, các thành phố thông minh đều là những thành phố lớn của các quốc gia, có nhiều lợi thế, thế mạnh nhất định. Tương tự như vậy, Hải Phòng có nhiều đặc điểm, điều kiện và nguồn lực mạnh mẽ để làm tiền đề cho phát triển, bởi lẽ:

Thứ nhất, Hải Phòng có vị trí và vị thế chiến lược, trọng điểm của vùng và cả nước. Được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương đến nay đã được 20 năm, cùng với truyền thống phát triển cảng biển và công nghiệp hơn 1 thế kỷ, Hải Phòng hiện là cửa chính ra biển của miền Bắc và là cực tăng trưởng của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, thành phố luôn được Trung ương quan tâm, tạo dựng nhiều chính sách đặc thù, định hướng phát triển rõ nét qua các văn kiện quan trọng. Trong đó có thể kể đến như Nghị quyết 45 ( năm 2019) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 35 ( năm 2021) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng; Quyết định 323 (năm 2023) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050… Đây là những mục tiêu cụ thể để Hải Phòng hướng tới mục tiêu phát triển thành phố thông minh và cũng là những cơ sở thuận lợi để Hải Phòng đẩy mạnh công tác đầu tư, quản lý và tăng trưởng kinh tế xã hội.

Thứ hai, Hải Phòng có nền tảng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bao trùm. Hạ tầng giao thông của thành phố được xây dựng đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết cao với các tỉnh thành phố đầu mối phát triển kinh tế như Hà Nội và khu vực biên giới phía Bắc. Cùng với đó, sân bay quốc tế và các cảng biển với công suất khai thác lớn và đầu tư bài bản là một thế mạnh quan trọng trong quá trình xây dựng đô thị thông minh. Mạng lưới cung cấp điện, nước, viễn thông cũng được chú trọng đầu tư xây dựng, đảm bảo khả năng cung ứng cơ bản cho toàn thành phố. Với đặc thù thành phố công nghiệp, để đáp ứng nhu cầu cho mạng lưới khu công nghiệp rộng lớn, hiện nay những khu vực cách xa trung tâm thành phố cũng luôn đảm bảo duy trì kết nối viễn thông và internet. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể phát triển thành phố thông minh.

Thứ ba, hạ tầng xã hội của thành phố được chú trọng phát triển, trình độ và nhận thức của người dân ở mức cao. Mặc dù đô thị thông minh có sự phụ thuộc và quyết định cao ở công nghệ và máy móc. Tuy nhiên, để quá trình xây dựng và triển khai một đô thị thông minh thành công, những người dân có vai trò rất quan trọng vì họ chính là đối tượng thụ hưởng cuối cùng và đồng hành suốt quá trình đó. Hải Phòng với hơn 2 triệu dân, có tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt trên 45%, ở mức tương đối cao trên cả nước. Như vậy, so với các tỉnh thành có tỷ lệ đô thị thấp hơn, người dân thành phố khi đang sinh sống và quen thuộc với các khu vực đô thị, hiện đại sẽ dễ dàng thích nghi và sử dụng những công nghệ cũng như thói quen vận hành đô thị thông minh. Bên cạnh đó, người dân thành phố cũng đã được sử dụng nhiều tiện ích xã hội như bệnh viện, trường học, vui chơi, giải trí… có áp dụng công nghệ. Và rất quan trọng, Hải Phòng hiện có 4 trường đại học và nhiều cơ sở đào tạo hiện đang cung ứng một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng xây dựng, vận hành, tiếp nhận tốt với công nghệ, điện tử… Nguồn nhân lực trẻ này rất cần thiết đối với thành phố, để có thể phát triển và vận hành thành phố thông minh nhanh chóng và bền vững trong tương lai.

Thứ tư, Hải Phòng có kết quả phát triển kinh tế xã hội tích cực, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư từ quốc tế. Sau 9 tháng năm 2023, Hải Phòng tiếp tục thể hiện sự phát triển ổn định khi có kết quả GRDP đứng thứ 3 cả nước, chỉ số phát triển công nghiệp tiếp tục tăng ở mức 12%, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 134 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Với kết quả như vậy, thành phố có thể dành nhiều nguồn lực hơn cho việc phát triển thành phố thông minh. Cùng với đó, Hải Phòng là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước. Thành phố đã về đích mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài sớm 9 tháng, dự kiến có thể xếp thứ nhất toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay. Đây là một kết quả ổn định duy trì trong nhiều năm qua của thành phố khi Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn với nhiều tập đoàn lớn của thế giới trong đó có những đơn vị có trình độ nghiên cứu, kỹ thuật cao về điện tử, công nghệ… tiêu biểu như tập đoàn LG (Hàn Quốc), hoàn toàn có thể hợp tác với thành phố để phát triển đô thị thông minh.

Thứ năm, toàn hệ thống chính trị, chính quyền thành phố đều đặt mục tiêu cao độ để phát triển Hải Phòng thành đô thị thông minh, hiện đại tầm cỡ quốc tế. Tại Nghị quyết Đại hội XVI của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Nghị quyết 03 (năm 2021) của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chính quyền thành phố đều xác định các mục tiêu, phương hướng cụ thể trong việc hiện đại hóa đô thị Hải Phòng, tập trung đẩy mạnh các công tác chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Tại hầu hết các sở, ngành, địa phương, công tác chuyển đổi số được chú trọng thực hiện. Đặc biệt, tại các đơn vị địa bàn trung tâm thành phố như quận Hồng Bàng, quận Lê Chân, huyện Thủy Nguyên, huyện An Dương… đã có những bước triển khai nghiên cứu, xây dựng mô hình đô thị thông minh một cách đồng bộ, cụ thể, có kế hoạch.

Với tổng thể những nguồn lực và nền tảng hiện có, thành phố Hải Phòng hoàn toàn có thể dễ dàng tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Song, để mang lại kết quả tối ưu, thành phố cần xác định những trọng tâm phát triển và có hướng đi rõ ràng để khai thác và tận dụng hiệu quả những thành tựu, nguồn lực sẵn có.

(còn nữa)

Lê Tất Quốc Anh

Trung tâm Dịch vụ việc làm, Đào tạo, Xúc tiến Đầu tư – Ban Quản lý KKT Hải Phòng

Đăng tải trên Chuyên đề An ninh Hải Phòng