Ngày 4-3, trong chuyến thăm và làm việc tại Khu kinh tế Hải Phòng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Khu kinh tế cần thực hiện tốt và đồng bộ chính sách, pháp luật về công đoàn và quan hệ lao động.
Cùng đi có Ông Bùi Văn Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía thành phố có ông Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; bà Nguyễn Thị Nghĩa – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; ông Cao Xuân Liên – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; ông Phạm Văn Mợi – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và đại diện các ngành, giới chủ và tổ chức công đoàn cơ sở trong Khu kinh tế Hải Phòng.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc
Theo ông Phạm Văn Mợi – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố hiện có 9 dự án khu công nghiệp, khu chức năng trong Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, có 4 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Trên 122.000 lao động trong nước và trên 2.500 người nước ngoài đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng.
Việc tham gia hỗ trợ tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp lao động đã được triển khai tại 174 đơn vị về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động. 105/169 bản thỏa ước lao động đã ký, trong đó có 92 bản thỏa ước có một số điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: hỗ trợ xăng xe, các khoản phụ cấp, tiền thưởng Tết… Trong 5 năm, 8 vụ ngừng việc tập thể đã xảy ra.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo và Chủ tịch Công đoàn của các doanh nghiệp nằm trong Khu kinh tế Hải Phòng cho biết đều mong muốn người lao động được tạo điều kiện làm việc với chế độ đãi ngộ tốt nhất. Tổ chức Công đoàn thực sự là cầu nối để người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đồng thời giúp người quản lý doanh nghiệp nắm rõ những vấn đề khúc mắc của người lao động, từ đó đưa ra giải pháp hiệu quả thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng cho cả hai bên. Một số doanh nghiệp kiến nghị về việc điều chỉnh giờ làm thêm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường có nhiều người lao động thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp di chuyển.
Đánh giá về việc thực hiện chính sách pháp luật về Công đoàn và quan hệ lao động tại khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Kết quả hoạt động của tổ chức Công đoàn rất tích cực, thể hiện qua việc không xảy ra nghỉ việc tập thể lớn. Thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị và triển khai các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng thiết chế văn hóa để người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn.
Bà Trương Thị Mai tới thăm Công ty TNHH Regina Miracle International (Việt Nam)
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao kết quả hoạt động của tổ chức Công đoàn tại Hải Phòng, nhất là việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Sự đóng góp đó đã tạo ra môi trường làm việc tốt, hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các đơn vị liên quan, từ lãnh đạo Công đoàn, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các tổ chức lớn trong nước, quốc tế, trong đó có Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) sẽ đưa ra những nhận định và sáng kiến để giải quyết những vấn đề phức tạp trong thời gian tới, giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận đó là việc xây dựng thỏa ước lao động và làm thêm giờ, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Các đơn vị xây dựng thỏa ước lao động là hết sức cần thiết, giúp người lao động có môi trường làm việc ổn định, song điều quan trọng hơn là để bản thỏa ước lao động đó phát huy giá trị, tránh xây dựng thỏa ước hình thức. Việc tăng thời gian lao động ngoài giờ phải xem xét dưới góc độ tăng năng suất và tăng chất lượng sản phẩm, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, đời sống, sức khỏe người lao động được đảm bảo.
Tổ chức Công đoàn cần tiếp tục có những chương trình bồi dưỡng, đào tạo để người lao động yêu ngành, yêu nghề, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động từ việc đảm bảo thời gian làm việc đúng đủ theo quy định cũng như các chính sách về tiền lương, bảo hiểm…
Nguồn: TTXVN