Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và cơ hội cho Hải Phòng (loạt 3 bài)

BÀI I: MÔ HÌNH ƯU VIỆT CỦA THẾ GIỚI

Dưới tác động của xu hướng toàn cầu hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, việc phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Hải Phòng đã trở thành một mục tiêu quan trọng. Đây không chỉ là hướng đi nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình tăng trưởng cân bằng và lâu dài, đồng thời mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và sinh thái, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia và thế giới.

Đặc điểm của KCN sinh thái

Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (KKT), thay thế cho Nghị định trước đó đã ban hành từ năm 2018. Đây là văn bản có tính chất và ý nghĩa quan trọng, được ban hành rất kịp thời, phù hợp với thực tiễn của bối cảnh nước ta đang hội nhập mạnh mẽ với môi trường kinh tế toàn cầu, góp phần hoàn thiện và tạo đà cho quá trình xây dựng và phát triển hành lang pháp lý chuyên biệt cho các hoạt động của KCN, KKT.

Theo Nghị định 35, KCN sinh thái là KCN có doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. Đồng thời, để được xác định là KCN sinh thái, đơn vị đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cụ thể.

Cùng với đó là tiêu chí về việc thực hiện cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên… được thực hiện bởi các nhà đầu tư thứ cấp.

Trước đây, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, có rất nhiều tài liệu và công trình khoa học khác đưa ra khái niệm và tiêu chí để giải thích và xác định KCN sinh thái. Song tựu chung lại, có thể hiểu rằng KCN sinh thái là một mô hình KCN phát triển theo hướng bền vững, trong đó các doanh nghiệp và nhà máy hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Về khái quát, các KCN sinh thái sẽ có những đặc điểm đặc trưng có thể thấy rõ:

– Một là, trong KCN sinh thái, các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng tài nguyên tuần hoàn, tích cực chia sẻ và có các giải pháp tái sử dụng tài nguyên như nước, năng lượng, nhiên liệu, nguyên vật liệu thô với mục tiêu nhằm giảm lãng phí và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

– Hai là, việc ngăn ngừa ô nhiễm được ưu tiên vượt bậc bằng các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu khí thải, nước thải, và chất thải rắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

– Ba là, các doanh nghiệp trong KCN sinh thái ưu tiên tiếp cận và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… và các công nghệ tiết kiệm năng lượng để giảm lượng khí thải carbon cũng như tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng

– Bốn là, hệ sinh thái doanh nghiệp được kết nối chặt chẽ với tính cộng sinh cao, có thể chia sẻ công nghệ, chất thải hoặc phụ phẩm của một doanh nghiệp để trở thành nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác, hạn chế phế thải ra môi trường sống.

– Năm là, các thiết kế của KCN sinh thái được thực hiện hài hòa với môi trường, tối ưu không gian xanh vì mục tiêu bảo tồn và phát triển cảnh quan, đa dạng sinh học tự nhiên.

Lợi ích của KCN sinh thái

Mô hình ưu việt này mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với các KCN truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững.

– Thứ nhất, về môi trường, KCN góp phần quan trọng để giảm phát thải và ô nhiễm. Quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu lượng khí thải, nước, chất thải rắn cùng với việc tái sử dụng các chất thải và phụ phẩm sẽ giúp hạn chế ô nhiễm vào đất, không khí và nguồn nước. Cùng với đó, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng và tái sử dụng hiệu quả, hạn chế lãng phí ở mức độ cao nhất. Các tài nguyên như nước và năng lượng cũng sẽ được tiết kiệm tối đa, là cơ sở để phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hoá thạch và giảm khí thải nhà kính.

– Thứ hai, về kinh tế, doanh nghiệp trong KCN sinh thái sẽ gia tăng hiệu quả sản xuất khi hệ thống quy trình vận hành được tối ưu hoá, hàng loạt chi phí về nguyên vật liệu, năng lượng, xử lý chất thải cũng được tiết giảm đáng kể. Việc cắt giảm được chi phí sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong KCN sinh thái luôn có lợi thế vượt trội về thương hiệu và uy tín khi áp dụng các tiêu chuẩn bền vững, dễ dàng thu hút khách hàng và đối tác từ các thị trường quốc tế quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các KCN sinh thái cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các cơ chế chính sách ưu đãi, ưu tiên trong nước và quốc tế.

– Thứ ba, về lợi ích xã hội, khi KCN sinh thái giảm thiểu được sự ô nhiễm và phát triển cây xanh đồng nghĩa với việc xây dựng môi trường sống lành mạnh cho dân cư trong khu vực, tạo dựng không gian sống và làm việc chất lượng hơn, gia tăng khả năng thu hút nguồn lao động. Đồng thời, hàng loạt cơ hội việc làm mới cũng được mở ra liên quan đến các công nghệ xanh, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường… Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như chất lượng nguồn nhân tiên tiến cho địa phương, tạo đà cho một nền kinh tế xanh bền vững.

– Thứ tư, KCN sinh thái là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình cộng sinh công nghiệp và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp trong KCN sinh thái có thể chia sẻ tài nguyên, năng lượng và công nghệ, từ đó giảm chi phí, gia tăng hiệu quả sản xuất và tạo ra các cơ hội hợp tác mới. Trong khu vực này sẽ hình thành nên hệ sinh thái kinh doanh bền vững, nơi các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau trong việc giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện quy trình sản xuất. Điều này thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn, giúp các ngành công nghiệp liên kết chặt chẽ hơn.

KCN sinh thái không chỉ tạo ra giá trị kinh tế trong ngắn hạn mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tăng cường tính cạnh tranh và tạo ra giá trị lâu dài. Doanh nghiệp có thể phát triển mà vẫn đảm bảo việc duy trì hài hoà được sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

Tổ hợp cộng sinh Kalundborg (Đan Mạch)

Những thành tựu tiêu biểu

Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia thực hiện thành công mô hình KCN sinh thái, tiêu biểu có thể kể đến như:

Tại Đan Mạch, tổ hợp cộng sinh Kalundborg được thành lập từ những năm 1970, là một trong những mô hình KCN sinh thái đầu tiên trên thế giới. Các doanh nghiệp tại đây hoạt động dựa trên nguyên tắc chia sẻ tài nguyên và tái sử dụng chất thải. Các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, và các doanh nghiệp sản xuất chia sẻ năng lượng, nước, và tái sử dụng các sản phẩm phụ, ví dụ nhiệt dư thừa từ nhà máy điện được sử dụng để sưởi ấm khu vực dân cư lân cận, nước thải từ nhà máy được xử lý và tái sử dụng cho sản xuất… Ước tính mỗi năm, tổ hợp này giảm thiểu 635 nghìn tấn CO2, 3,6 triệu m3 nước, tiết kiệm 87 nghìn tấn vật liệu, 24 triệu euro chi phí sản xuất và 14 triệu euro chi phí cho xã hội.

Tại Nhật Bản, Kitakyushu từng là một trung tâm công nghiệp lớn với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với nỗ lực của chính quyền và cộng đồng, Kitakyushu đã trở thành mô hình khu công nghiệp sinh thái nổi bật sau khi được đầu tư mạnh vào các công nghệ tái chế và xử lý chất thải, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp chia sẻ tài nguyên và hợp tác trong quản lý môi trường. Kết quả là, Kitakyushu không chỉ cải thiện môi trường mà còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra một sự chuyển đổi toàn diện từ một thành phố công nghiệp ô nhiễm thành một thành phố xanh, bền vững.

Tại Hàn Quốc, KCN Ulsan đã thiết lập một mô hình hợp tác mạnh mẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Các doanh nghiệp tại Ulsan sử dụng chất thải cùng các sản phẩm phụ của nhau, từ đó tạo ra chuỗi cung ứng khép kín và đã trở thành mô hình khu công nghiệp sinh thái điển hình tại Hàn Quốc với hiệu quả trong việc giảm khí thải, xử lý chất thải, và tối ưu hóa năng lượng.

Tại Hà Lan, nơi “cối xay gió” là biểu tượng kiêu hãnh của người dân, KCN sinh thái Rotterdam đã rất thành công khi tập trung phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng sinh học, nhằm giảm thiểu phát thải CO2.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt các KCN sinh thái khác có thể kể đến như KCN Burnside (Canada) hay KCN sinh thái NISP (Vương Quốc Anh)… cũng là những điển hình thành công rất đáng ngưỡng mộ trong phát triển KCN sinh thái. Như vậy, có thể thấy một cách rõ ràng, KCN sinh thái là hướng đi và xu thế đúng đắn, đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới bởi chính những đặc điểm và lợi ích vượt trội mang lại cho doanh nghiệp, cho quốc gia và toàn nhân loại trong tương lai.

 

BÀI II: CHUẨN BỊ GÌ CHO KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI?

Với tính chất và khác biệt đặc trưng so với các loại mô hình khác, việc phát triển KCN sinh thái hoặc chuyển đổi từ KCN truyền thống thành KCN sinh thái chắc chắn không phải là quá trình quen thuộc và đơn giản có thể thực hiện “ngày một, ngày hai”, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện, đến từ cả hệ thống chính quyền cũng như doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN.

Khung chính sách và pháp lý

Để phát triển và chuyển đổi KCN từ truyền thống thành KCN sinh thái, thứ nhất, việc hoàn thiện các hệ thống khung pháp lý rõ ràng và các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết. Trong đó cần tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện và xây dựng các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển KCN sinh thái như các quy định về quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; chính sách khuyến khích doanh nghiệp, xây dựng các ưu đãi về thuế, vay vốn ưu đãi hoặc trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển bền vững; và đặc biệt là hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành với các doanh nghiệp trong các KCN, KKT để thực hiện các thủ tục về chuyển đổi KCN sinh thái cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay, về cơ bản, khung pháp lý về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam đã được xây dựng với những nội dung cụ thể liên quan tới hoạt động trong KCN, KKT và KCN sinh thái, được quy định trong các Luật, Nghị định và các văn bản pháp luật của các bộ, ngành.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ các nội dung về việc các KCN, KKT phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về môi trường; quy định về việc đánh giá tác động môi trường đối với các doanh nghiệp để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường hay quy định về trách nhiệm của các chủ đầu tư KCN trong việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải tập trung. Nhiều văn bản khác như Nghị định 40/2019 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 35/2022 về quản lý các KCN và KKT, Thông tư 01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường… cũng đã đưa ra những nội dung cụ thể, hướng dẫn và yêu cầu KCN phải xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động; đồng thời giám sát, đánh giá tác động môi trường trong KCN; quy định các tiêu chí để KCN được công nhận là KCN sinh thái bao gồm tiêu chuẩn về việc sử dụng tài nguyên, năng lượng, nước, và việc giảm phát thải… Đây là những cơ sở quan trọng để các địa phương và chủ đầu tư hạ tầng KCN căn cứ, triển khai việc chuyển đổi KCN sinh thái một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Về khuyến khích đầu tư, Luật Đầu tư 2020 và các nghị định về hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ đã nêu rõ các các dự án phát triển KCN sinh thái được khuyến khích thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và miễn giảm thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các dự án đầu tư vào công nghệ xanh và sản xuất sạch và các dự án hoạt động trong KCN sinh thái. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng tuần hoàn trong KCN sinh thái thông qua việc hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ hay phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN sinh thái nhằm chia sẻ tài nguyên và tái chế chất thải.

Về hoạt động giám sát và thực thi pháp luật liên quan đến môi trường và KCN sinh thái, đã có các hướng dẫn và quy định cụ thể trong việc đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, quy định rõ các yêu cầu về giám sát và báo cáo tình trạng môi trường cho các KCN, bao gồm cả KCN sinh thái… Theo đó, các KCN sinh thái cần thực hiện việc báo cáo định kỳ về mức độ phát thải, hiệu quả sử dụng tài nguyên và mức độ tác động đến môi trường, báo cáo cụ thể các chỉ số chất lượng nước, không khí…

Bên cạnh các chính sách trong nước, hiện nay Việt Nam cũng đã có những cam kết và tham gia ký kết văn bản quốc tế như Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính, và các KCN sinh thái là một phần quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; áp dụng các tiêu chí trong Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) vào quá trình phát triển bền vững và chuyển đổi sang kinh tế xanh, bao gồm việc xây dựng KCN sinh thái.

Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng)

Cơ sở hạ tầng xanh và sạch

Cơ sở hạ tầng xanh là yếu tố quan trọng trong việc phát triển KCN sinh thái, bảo đảm môi trường làm việc an toàn, bền vững và giảm thiểu tác động đến tự nhiên. Trong đó cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo có thể được coi là xương sống của KCN sinh thái, hạn chế sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng phát thải khí CO2.

Nước là tài nguyên quan trọng trong quá trình sản xuất công nghiệp. Trong KCN sinh thái, hệ thống quản lý và xử lý nước tuần hoàn sẽ góp phần cắt giảm việc tiêu thụ nước ngọt, tái sử dụng nước và bảo vệ nguồn nước tự nhiên. Xây dựng hệ thống thu gom nước mưa từ các mái nhà, mặt đường, sau đó lọc và tái sử dụng cho mục đích tưới cây, vệ sinh hoặc làm mát trong các hệ thống làm lạnh cũng là sự chuẩn bị cần thiết để giảm áp lực lên nguồn nước ngọt tự nhiên. Song song với đó là việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN với các công nghệ xử lý tiên tiến như màng lọc sinh học, xử lý sinh học, hệ thống lọc nano để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, sau đó tái sử dụng cho các quy trình không yêu cầu nước sạch.

Đối với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong KCN, việc triển khai hệ thống giao thông bền vững nhằm giảm thiểu khí thải từ phương tiện vận chuyển cũng là bước phát triển cần thiết cho KCN sinh thái.

Các công trình, tòa nhà trong khu công nghiệp sinh thái cần được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn bền vững, tiết kiệm năng lượng và giảm tác động đến môi trường. Hiện nay trên thế giới đã phổ biến nhiều chứng nhận quốc tế như LEED, BREEAM về xây dựng xanh, rất phù hợp cho việc xây dựng các toà nhà trong KCN, KKT giúp đảm bảo các công trình xây dựng đáp ứng được các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, bảo tồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm. Tạo không gian xanh bằng cách trồng cây, phát triển các công viên, hồ nước nhân tạo để cải thiện chất lượng không khí, giảm nhiệt độ và tạo môi trường làm việc thoải mái cho công nhân cũng cần được chú ý.

Trong khu công nghiệp sinh thái, việc quản lý chất thải và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là một trong những tiêu chí quan trọng cần được thực hiện …

Đặc biệt, KCN sinh thái chắc chắn cần phải phổ biến và ưu tiên áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ một doanh nghiệp làm nguyên liệu cho doanh nghiệp khác trong cùng KCN.

Chủ động và sẵn sàng các nguồn lực

Song hành cùng việc chuẩn bị các hạ tầng về kỹ thuật và công nghệ, công tác chuẩn bị sẵn sàng và chủ động mọi nguồn lực về con người cũng như tài chính cũng không kém quan trọng. Đội ngũ nhân sự thực hiện công tác chuyển đổi hay phát triển KCN sinh thái cần phải được định hướng và nắm bắt rõ về tính chất, mục tiêu, ý nghĩa cũng như hiệu quả của KCN sinh thái đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững của nền công nghiệp nói chung. Khi đó, công tác truyền thông như tổ chức các hội thảo, tọa đàm về phát triển bền vững, môi trường xanh, kinh tế tuần hoàn, KCN sinh thái sẽ là những hoạt động cần thiết.

Kết hợp với đó là triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện, chuyển giao các kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ để phát triển KCN sinh thái. Xây dựng mô hình này là quá trình dài hơi, phức tạp với nhiều nội dung mới, kiến thức mới trong cả hoạt động của doanh nghiệp cũng như chính quyền các cấp. Vì vậy, tăng cường đào tạo và cung cấp kiến thức là hoạt động phải được thực hiện liên tục và mở rộng về quy mô cũng như nội dung, tập trung trước hết như: sản xuất sạch, quản lý tài nguyên và chất thải, các tiêu chuẩn xanh và bảo vệ môi trường…

Việc phát triển KCN sinh thái đòi hỏi các nguồn tài chính lớn cho việc xây dựng hạ tầng xanh, đầu tư công nghệ sạch, và các giải pháp bền vững. Vì vậy, chuẩn bị các chính sách, phương án tài chính phù hợp là cực kỳ cần thiết. Cần nghiên cứu khai thác, kết hợp các chính sách, cơ chế ưu đãi của nhà nước cho doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp trong KCN sinh thái, các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, chương trình cho vay lãi suất thấp với các dự án về năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng xanh… Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức quốc tế lớn như Các tổ chức tài chính quốc tế như Wordbank, ADB, IFC cũng có các hoạt động hỗ trợ cho phát triển KCN sinh thái ở Việt Nam. Và đặc biệt, nguồn lực tư nhân của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển xanh vì doanh nghiệp là người thụ hưởng trực tiếp và sớm nhất những lợi ích của KCN sinh thái. Hiện này, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã sẵn sàng nguồn tài chính mạnh mẽ để thực hiện các dự án phát triển KCN sinh thái, đón đầu triển khai các giải pháp công nghiệp xanh, bền vững.

KCN sinh thái không phải là mới lạ, song để thực hiện phát triển KCN sinh thái đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính sách, hạ tầng, công nghệ, con người… với sự tham gia bởi nguồn lực lớn. Chính vì vậy, địa phương nào phát triển KCN sinh thái sẽ cần phải có những tiềm năng, lợi thế sẵn có vượt trội, kết hợp với nền tảng sẵn sàng, định hướng rõ nét và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền và doanh nghiệp.

 

BÀI III: LỢI THẾ VÀ CƠ HỘI

Với vị thế của thành phố Cảng và công nghiệp lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng có những tiềm năng và lợi thế vượt trội để phát triển KCN sinh thái. Vì vậy, thành phố cần khai thác tối đa mọi nguồn lực sẵn có, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được để tiên phong và bứt phá trong chuyển đổi xanh và phát triển công nghiệp bền vững.

Khai thác tối đa lợi thế

Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các KCN sinh thái, nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, hệ thống hạ tầng phát triển, cũng như các chính sách hỗ trợ của thành phố cho doanh nghiệp. Song, đối với phát triển KCN sinh thái, phải kể đến những lợi thế đặc thù và riêng biệt mà Hải Phòng có thể khai thác và phát triển KCN sinh thái:

– Thứ nhất, Hải Phòng là một thành phố cảng lớn của Việt Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng trong giao thương quốc tế, với cảng nước sâu Lạch Huyện có thể đón các tàu lớn. Điều này giúp Hải Phòng thuận lợi trong việc tiếp nhận công nghệ tiên tiến và hợp tác quốc tế về phát triển bền vững. Thành phố cũng có có hệ thống giao thông liên kết đa dạng bao gồm cả đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối hàng hóa và logistics – một yếu tố quan trọng trong phát triển các KCN sinh thái. Hạ tầng cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, sân bay được đầu tư đồng bộ hiện đại tạo ra sự kết nối và hội nhập quốc tế cao với các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.. thông qua các tuyến hàng hải và hàng không vô cùng quan trọng.

– Thứ hai, Hải Phòng đã phát triển nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế rộng lớn với kết quả hoạt động hiệu quả. Các khu công nghiệp này có tiềm năng lớn trong việc chuyển đổi sang mô hình sinh thái nhờ vào nền tảng hạ tầng hiện đại, sẵn sàng. Đồng thời, trong các KCN của Hải Phòng, mạng lưới hệ sinh thái doanh nghiệp đã được phát triển tương đối hoàn thiện, tạo thành hệ thống liên kết chặt chẽ. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển mô hình KCN sinh thái với việc tăng cường cộng sinh doanh nghiệp, tích hợp các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và tiết kiệm tài nguyên để phát triển bền vững.

– Thứ ba, Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, với nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào các KCN. Điều này tạo ra uy tín quốc tế cao và là điều kiện thuận lợi, giúp cho việc thu hút đầu tư vào công nghệ xanh và các giải pháp bền vững tại Hải Phòng trở nên dễ dàng hơn. Cùng với đó, thành phố có nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và cảng biển, cho phép thành phố đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và công nghệ cần thiết để phát triển KCN sinh thái.

– Thứ tư, Hải Phòng là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp, với sự hiện diện của nhiều trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề. Điều này giúp cung cấp đội ngũ lao động có kiến thức về công nghệ xanh và quản lý môi trường, đồng thời dễ dàng triển khai các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và lao động về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

– Thứ năm, Hải Phòng có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Việc thuận lợi tích hợp các giải pháp năng lượng tái tạo vào hệ thống sản xuất và vận hành KCN sẽ giúp ngành công nghiệp của Hải Phòng giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và góp phần giảm phát thải carbon.

– Cuối cùng, thành phố Hải Phòng có hệ thống chính quyền hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong triển khai các mô hình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đến nay, Hải Phòng đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về sự hỗ trợ và đồng hành của thành phố với doanh nghiệp, ghi nhận những nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, liên tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Đây là nền tảng để Hải Phòng tận dụng và tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia có kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái như Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước châu Âu để trao đổi và đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ cũng như học tập kinh nghiệm về xây dựng, chuyển đổi và quản lý KCN sinh thái.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)

Những thành tựu bước đầu

Hiện nay, Hải Phòng đã có 2 KCN định hướng phát triển và hoạt động theo mô hình sinh thái là KCN Nam Cầu Kiền và tổ hợp KCN DeepC. Đây có thể coi là những thành tựu bước đầu, có tính chất tiên phong trong phát triển KCN tại Hải Phòng, minh chứng cho sự nỗ lực và song hành của doanh nghiệp và thành phố.

Nằm tại huyện Thuỷ Nguyên,  KCN Nam Cầu Kiền với diện tích hơn 260 ha, là một trong những KCN sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường, hướng tới hài hoà lợi ích của các bên liên quan thông qua các khía cạnh ESG (Môi trường – xã hội – quản trị). Theo TS. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, KCN sinh thái Nam Cầu Kiền tại huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng đang xây dựng, áp dụng thành công mô hình kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như nâng cao ý thức, nhận thức, hành động của các doanh nghiệp tại đây trong bảo vệ môi trường.

Thực hiện theo định hướng sinh thái và bền vững như vậy, KCN Nam Cầu Kiền đã có những kết quả rõ nét, cụ thể khi áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khu công nghiệp. Theo báo cáo phát triển bền vững của chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, năm 2023, KCN này triển khai thành công nhà máy xử lý nước thải với công suất 2000 m3/ ngày đêm trong khuôn viên KCN theo mô hình vườn Nhật, đưa 25% lượng nước thải sau xử lý tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra môi trường; từ đó giúp tiết kiệm khoảng 600 triệu đồng chi phí mua nước sạch mỗi năm. Về quản lý chất thải, 3 chuỗi cộng sinh cộng nghiệp trong các lĩnh vực thép, nhựa và phụ trợ điện tử được hình thành, đảm bảo 100% nhu cầu xử lý chất thải của các doanh nghiệp thứ cấp được đáp ứng theo mô hình chuỗi cộng sinh tuần hoàn. Về điện năng, KCN Nam Cầu Kiền chủ động thúc đẩy sử dụng điện áp mái, thí điểm triển khai tại khu vực văn phòng điều hành KCn với sản lượng trung bình 81,4 kwh.

Có thể thấy trực quan, KCN Nam Cầu Kiền được phủ xanh với 33% diện tích sử dụng cho công trình cộng cộng, cây xanh… vượt trên mức quy định yêu cầu hiện tại là 25%. Tại đây, 1200 loài sinh vật được phát triển, 65% hệ sinh thái trong KCN đã được phục hồi sau khi phát triển mô hình sinh thái mà tiêu biểu là khu vườn hơn 3ha trong KCN, là hình mẫu tiêu biểu của phát triển thiên nhiên và bảo tồn sinh thái trong hoạt động công nghiệp tại Hải Phòng.

Tổ hợp KCN DeepC với hơn 30 năm phát triển hệ thống các KCN theo tiêu chuẩn châu Âu, hiện có diện tích cơ sở hạ tầng rộng lớn, đầu tư hiện đại đã trở thành địa điểm tập trung nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Deep C cũng đang triển khai tích cực các sáng kiến bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu chuyển đổi toàn diện sang mô hình KCN sinh thái.

Có thể kể đến hệ thống điện mặt trời áp mái đã triển khai thí điểm các dự án có công suất lắp đặt 2,15 MWp và 0,93 MWp, dự kiến trong tương lai sẽ đạt công suất lên tới 10 MWp mỗi dự án và tổng công suất 100 MWp. Thực tế năm 2023, hệ thống điện áp mái tại KCN DeepC đã đạt 3370 MWh, góp phần giảm 2433 tấn CO2 thải ra môi trường. Cùng với đó, hình ảnh cánh quạt gió của KCN DeepC tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đã trở thành một biểu tượng cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại đây. Dự án điện gió của KCN DeepC đã đạt công suất 2481 MWh trong năm 2023 và giúp giảm phát thải CO2 đạt 1791 tấn.

Song song với thúc đẩy năng lượng tái tạo, KCN DeepC cũng triển khai thành công việc tái sử dụng rác thải nhựa làm đường nhựa. Với 200m đường nhựa, có gần 1 tấn rác thải nhựa được tái chế, tương đương với khoảng 250 nghìn túi nhựa, có thể nhìn nhận là một giải pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài rác thải nhựa, bùn thải cũng được KCN DeepC nghiên cứu đưa vào sử dụng như vật liệu san lấp, giúp bảo vệ môi trường và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, KCN DeepC tiếp tục xây dựng và đưa vào thực tế các sáng kiến giảm phát thải ra môi trường như tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, thu gom và tái sử dụng nước mưa, tái chế chất thải hữu cơ như rác thải nhà bếp, bã cà phê… làm phân compost, tái chế chất thải gyp làm vật liệu xây dựng. Đây là những giải pháp quan trọng, đồng hành cùng thành phố Hải Phòng giải quyết bài toán bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, KCN DeepC cũng đã có kế hoạch nghiên cứu xây dựng nhà máy điện sinh khối, tạo ra nguồn năng lượng điện từ các chất thải sinh học như rác, phụ phẩm chăn nuôi, sinh khối gỗ, bã mía, rơm rạ, trấu…

Kết lại, thành phố Hải Phòng có đầy đủ các cơ sở, nguồn lực mạnh mẽ và đã có những thành tựu bước đầu trong phát triển hệ thống KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu thế tất yếu để phát triển công nghiệp bền vững, đặc biệt là với thành phố có bề dày truyền thống và thế mạnh vượt trội về công nghiệp nói chung và KCN nói riêng như Hải Phòng. Phát triển KCN sinh thái sẽ đòi hỏi sự đồng hành và quyết tâm cao độ của chính quyền thành phố và quan trọng hơn cả là các KCN, các doanh nghiệp trên địa bàn. Quá trình nghiên cứu sáng tạo, chuẩn bị nguồn lực, thực hiện quyết liệt và kiên trì sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp và thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Trong tương lai không xa, Hải Phòng chắc chắn sẽ trở thành địa phương đi đầu trong phát triển KCN sinh thái, xứng đáng là đầu tàu công nghiệp hiện đại, bền vững của cả nước.

Lê Tất Quốc Anh
Trung tâm Dịch vụ việc làm – Đào tạo – Xúc tiến đầu tư