Năm 2024, nhiều ưu tiên sẽ được đưa ra cho các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao và có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, từ đó tạo ra tác động lan tỏa.
Năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho năm chuẩn bị về đích này. Là một trong các động lực của tăng trưởng, thu hút FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor, Nvidia.
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu công nghiệp DEEP C khẳng định, Việt Nam có những yếu tố rất hấp dẫn đầu tư như có vị trí chiến lược, có lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện.
“Với nhiều hiệp định thương mại mới đã ký kết rất phù hợp và có lợi cho các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Việt Nam là một thị trường mới nổi, hiện tại là trung tâm thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tôi tin rằng quá trình đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Koen Soenens tin tưởng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, có những lĩnh vực doanh nghiệp châu Âu tự tin về công nghệ, tài chính để triển khai tại Việt Nam, mang lợi nhuận và sức bật cho Việt Nam như năng lượng, năng lượng tái tạo hay đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo kết quả khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh được tổ chức này thực hiện gần đây nhất, các doanh nghiệp châu Âu không chỉ bình chọn Việt Nam thuộc top 10 điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, mà gần 20% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí ưu tiên số 1.
Đánh giá từ Bộ KH&ĐT, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… Nvidia (Hoa Kỳ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn; Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD; LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử.
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà đầu tư quốc tế, muốn thu hút đầu tư ngày càng tích cực, Việt Nam phải có các điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần chính là những lợi thế – phản ánh vị thế hiện có của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư như quan điểm vừa rồi, còn điều kiện đủ là nhiều yếu tố khác như môi trường đầu tư, quan điểm chỉ đạo điều hành, giấy tờ, thủ tục pháp lý… để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển và đóng góp tăng trưởng.
Việt Nam có những yếu tố rất hấp dẫn đầu tư như có vị trí chiến lược, có lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện.
“Vấn đề lớn nhất vẫn là thủ tục hành chính – gánh nặng cấp phép. Việt Nam hiện nay đang làm tốt trong giải ngân đầu tư công và những công trình về cơ sở hạ tầng đang được triển khai rất quyết liệt nhưng việc tận dụng nguồn vốn tư nhân mà đặc biệt là nguồn vốn PPP còn nhiều hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài rất khó để có thể tham gia”, Phó Chủ tịch Eurocham chia sẻ.
Chia sẻ với những khó khăn này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, khó khăn đối với doanh nghiệp FDI xuất phát từ nhiều khía cạnh, có phần liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển.
“Chúng ta đã có chiến lược tăng trưởng xanh, có kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu nhưng điều đó là chưa đủ. Chính phủ sẽ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó, cần tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Được biết, Chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng thu hút có chọn lọc nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tăng tính lan tỏa giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường, giảm việc sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên và năng lượng, thâm dụng lao động và ít tạo ra giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp…
Về định hướng thu hút FDI trong năm 2024 và thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Ưu tiên sẽ được đưa ra cho các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao và có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, từ đó tạo ra tác động lan tỏa và kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Hiện các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; và trung tâm tài chính.
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp