(Tham luận của đồng chí Lê Trí Vũ,
Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng)
Kính thưa Đoàn chủ tịch!
Kính thưa Đại hội!
Trước tiên, thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho phép tôi được kính chúc các quý vị đại biểu sức khỏe và hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Được sự cho phép của đoàn chủ tịch Đại hội, sau đây tôi xin trình bày tham luận với nội dung: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng các khu công nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, là trụ cột thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bứt phá.
Kính thưa Đại hội!
Trước tiên, tôi thể hiện sự nhất trí cao với nội dung Báo cáo Chính trị trình Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, cụ thể là nhận định, đánh giá về những kết quả trong phát triển công nghiệp thành phố giai đoạn 2016-2020 như đã nêu tại Báo cáo Chính trị. Nổi bật là:
– Tập trung cao, quyết liệt đối với nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng với doanh nghiệp đầu tư vào thành phố nói chung và các khu công nghiệp nói riêng như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thông thuận lợi với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và kết nối quốc tế.
– Thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như: Tập đoàn LG – Hàn Quốc, có 4 dự án sản xuất các sản phẩm công nghệ hiện đại với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đô la Mỹ; Tập đoàn Vingroup đưa vào hoạt động Dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đô la Mỹ, cùng với các công ty như Bridgestone, GE…
Thành phố Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp, thu hút được 556 nhà đầu tư trong và ngoài nước (gồm 167 dự án đầu tư trong nước, 389 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 500 nghìn tỷ đồng (gần 22 tỷ đô la Mỹ).
Giai đoạn từ 2016 – 2020, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thu hút được 344 dự án (gồm 93 dự án đầu tư trong nước và 251 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 334 nghìn tỷ đồng, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 218 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,6 tỷ đô la Mỹ); thu hút đầu tư trong nước đạt 116 nghìn tỷ đồng. Doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 1.132 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 40,6 tỷ đô la Mỹ, chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố; giá trị nộp ngân sách đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng. Sử dụng 143.000 lao động, với mức thu nhập trung bình tăng từ 4,85 triệu đồng/tháng năm 2015 lên 10,5 triệu đồng/tháng năm 2020.
Những kết quả trên đã tham gia thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển toàn diện, đưa công nghiệp thành phố phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, khẳng định vị trí trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước, góp phần: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 14,02%/năm, gấp 1,34 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra (10,5%/năm), gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,1 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm).
Trong đó, tỷ trọng Công nghiệp – Xây dựng đóng góp 52,99% trong GRDP thành phố; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm, gấp 1,47 lần mục tiêu Đại hội XV đề ra (14%/năm), gấp 2,12 lần so với giai đoạn 2011-2015 và gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung cả nước. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 ước đạt 87.564 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12%, năm 2015 lên 38,97% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.
Kính thưa Đại hội!
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, là trụ cột thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bứt phá. Sau đây, thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
– Một là: Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ về thu hút đầu tư. Cùng với đó là tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Trung ương, Chính phủ và các Bộ, ngành, nhất là bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương, nguồn lực cũng như thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính để thành phố nhanh chóng mời gọi được các nhà đầu tư có năng lực, tài chính mạnh, nhiều kinh nghiệm để đầu tư, xây dựng mới 15 khu công nghiệp với tổng diện tích là 6.418 ha đã được phê duyệt trong Chương trình số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Đồng thời, nhằm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và đầu tư trong các khu công nghiệp thì thành phố cần triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đầu tư hoàn hiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược như các dự án: Xây dựng các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; xây dựng nhà ga số 02 và khu vực logistics hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Hải Phòng; xây dựng đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2.
– Hai là: Tập trung các giải pháp đột phá để thu hút được các doanh nghiệp hàng đầu của cả trong và ngoài nước, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có công nghệ cao, sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, có cam kết chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách thành phố. Đồng thời, xây dựng và áp dụng hàng rào kỹ thuật trong quá trình xem xét, quyết định các dự án mới, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cụ thể là các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, có tác động lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: cơ khí chế tạo (với các sản phẩm ô tô, máy móc, thiết bị phục vụ kinh tế biển), điện tử – tin học (với các sản phẩm thiết bị điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao).
Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ cho người lao động; đào tạo phải đạt được mục tiêu, gắn với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp về cả số lượng và chất lượng.
– Ba là: Từ kinh nghiệm của các nước thực hiện thành công công nghiệp hóa cho thấy: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là một phân ngành quan trọng, có tỷ trọng đóng góp trong GDP duy trì ở mức 20-30% trở lên. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là những hạn chế về nền tảng công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ chủ trì, phối hợp cùng các ngành tham mưu để lãnh đạo thành phố các giải pháp mang tính chiến lược để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, tạo sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, như: Xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp của thành phố; thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ tập trung, đặc biệt là Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin và các Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D) của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu khu vực và thế giới.
– Bốn là: Nhằm sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới chuyển dịch đến Việt Nam mà Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế, thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tập trung rà soát nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để xúc tiến đầu tư, nhất là giải quyết thủ tục hành chính tại Ban theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một đầu mối, với phương châm: Đồng hành, hỗ trợ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, khẩn trương tham mưu để UBND thành phố tiếp tục phân cấp, ủy quyền tối đa các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý Khu kinh tế với cơ quan đầu mối thủ tục hành chính, trong đó, thực hiện tốt mục tiêu trọng tâm là giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chúng tôi tin tưởng rằng với các cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương, thời gian tới thành phố chúng ta sẽ đưa vào vận hành, khai thác 15 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 6000 ha. Đến năm 2025, chỉ cần với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 30%, cùng với việc đẩy mạnh thu hút để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có thì thu hút đầu tư của các khu công nghiệp trên địa thành phố có thể đạt lũy kế tới 40 tỷ đô la Mỹ; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ đô la Mỹ; giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động… Đây sẽ là nguồn lực rất lớn thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo đúng tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước khi dừng phần tham luận, một lần nữa tôi xin kính quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội sức khỏe, hạnh phúc.
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn: haiphong.gov.vn