Ngày 5-10, Thường trực Thành ủy Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp FDI năm 2024 với chủ đề: “Doanh nghiệp FDI đồng hành cùng thành phố Hải Phòng: đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; kết nối chuỗi cung ứng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Có thể nói, chủ đề này đã phản ánh, bao quát tất cả những mục tiêu, mong muốn của Hải Phòng trong thu hút nguồn vốn FDI. Đồng thời cũng khẳng định doanh nghiệp FDI là một bộ phận quan trọng, như đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh: vừa là bạn, là đối tác và là những công dân danh dự của Hải Phòng. Nói cách khác, doanh nghiệp FDI chính là một trong những động lực phát triển quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CNH- HĐH thành phố Hải Phòng.
Bài 1:
Hải Phòng- điểm đến hàng đầu trong thu hút FDI
Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, những năm gần đây, Hải Phòng liên tục lập nên những kỷ lục mới trong thu hút nguồn vốn FDI, nhất là thu hút vốn FDI vào các KCN. Các nhà đầu tư nước ngoài đều có những nhận xét, đánh giá rất tốt về môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thông thoáng của Hải Phòng, đặc biệt là vai trò, vị thế và sự phát triển vượt bậc, đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao về kết cấu hạ tầng của Hải Phòng. Điều đó không chỉ đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng mà còn là điểm đến hàng đầu trong thu hút FDI, có sức gấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Những con số ấn tượng và hấp dẫn
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, sau 30 năm kiên trì và dày công xây dựng, đến nay Hải Phòng có KKT Đình Vũ- Cát Hải với diện tích 22.540ha; 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 6080ha được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4028ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%.
Cũng theo đồng chí Lê Trung Kiên, sự hiện diện của Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và các KCN là yếu tố quan trọng nhất để Hải Phòng thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút vốn FDI, luôn nằm trong top đầu cả nước.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu và đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng nhà đầu tư SK (Hàn Quốc)
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, liên tục 12 năm liền, Hải Phòng luôn nằm trong top 5 địa phương có thành tích tốt nhất về thu hút FDI. Giai đoạn 2019-2023, thu hút FDI đạt khoảng 14 tỷ USD, gấp 2,5 lần giai đoạn 2014-2018. Lũy kế đến nay, Hải Phòng có 976 dự án FDI còn hiện lực, với tổng vốn đầu tư hơn 31 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chiếm 64, 26% về số dự án và 82,5% về số vốn đầu tư; lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 7,83% về số dự án và 13,26% về số vốn đầu tư. Còn lại là các dự án về thương mại, dịch vụ, vận tải, khai khoáng…
Quan trọng hơn, quy mô, chất lượng các dự án đầu tư FDI ngày càng tăng cao, chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và giảm dần các dự án thâm dụng lao động.
Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 9 tỷ USD, chiếm 41%. Tiếp theo là Nhật Bản với 3,2 tỷ USD, chiếm 15%; Hồng Kông 2,6 tỷ USD chiếm 12%; Singapore 2,5 tỷ USD, chiếm 12%… Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và Việt Nam đã đầu tư vào các KCN, KKT Hải Phòng. Nổi bật là Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 5 dự án đặt tại KCN Tràng Duệ, vốn đầu tư 7,24 tỷ USD và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn LG Display với hơn 3,7 tỷ USD và 3 nhà máy. Sản phẩm chính là OLED TV, Mobile, Auto… Nhà máy LGE có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; LG Innotek hơn 2 tỷ USD; LG Chem 2,8 triệu USD; Tập đoàn Bridgestone(Nhật Bản) sản xuất lốp xe ô tô 1,2 tỷ USD; nhà máy Regina (Hồng Kông) 1 tỷ USD; Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử Pegatron (Đài Loan) 481 triệu USD; Nhà máy sản xuất dược phẩm của Nipro Pharma (Nhật Bản) 250 triệu USD; nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD…
Dòng vốn FDI khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của Hải Phòng, hiện chiếm tỷ trọng khoảng 30 -50% tổng vốn đầu tư phát triển toàn thành phố mỗi năm. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trên tổng GRDP toàn thành phố tăng dần từng năm, từ 15% đến trên 26%.Khu vực FDI chiếmtỷ trọng tới 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng.
Trong giai đoạn 2019-2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nươc ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 88-90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố. Rất nhiều sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã được sản xuất tại Hải Phòng. Trong 5 năm gần đây, doanh nghiệp FDI đóng góp từ 12-18% tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố. Đồng thời tạo việc làm cho gần 250.000 lao động, chiếm trên 40% tổng số lao động trong toàn khối doanh nghiệp với thu nhập bình quân ở mức tương đối cao. Thông qua các dự án FDI, trình độ quản lý và kỹ năng của người lao động ngày càng được nâng cao, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế, tác động lan tỏa tới các khối ngành khác trong nền kinh tế.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố, các doanh nghiệp FDI đã có những hoạt động thiết thực trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI đã thể hiện tinh thần chia sẻ, đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền, nhân dân thành phố và các doanh nghiệp FDI.
Dấu ấn của sự đổi mới tư duy, nhận thức và hành động
Kết quả thu hút nguồn vốn FDI với những con số biết nói như trên thể hiện rõ nét dấu ấn của sự đổi mới tư duy, nhận thức và tầm nhìn, hành động của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng. Mỗi dự án FDI thu hút về Hải Phòng là kết quả của cả một quá trình với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sự đồng thuận, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao, từ định hướng phát triển, quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN; GPMB; thực hiện các dự án hạ tầng kết nối đến tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quảng bá hình ảnh Hải Phòng hấp dẫn, thân thiện…
KKT Đình Vũ- Cát Hải với diện tích 22.540ha và nhiều chính sách ưu đãi tạo cú hích thúc đẩy phát triển các KCN và thu hút đầu tư FDI của Hải Phòng (ảnh: Hồng Phong)
Việc thành lập KKT Đình Vũ- Cát Hải và hoàn thiện cầu Tân Vũ- Lạch Huyện; xây dựng các bến cảng nước sâu khiến Cát Hải trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của Hải Phòng. Cùng với đó, với việc đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đưa KCN Tràng Duệ nằm trong KKT Đình Vũ- Cát Hải tạo cú hích đột phá trong thu hút đầu tư của Hải Phòng mà điển hình là các dự án của Tập đoàn LG.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư của Hải Phòng có sự đổi mới và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều năm liền, thành phố chọn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nội dung chủ yếu của chủ đề năm. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất thành phố trực tiếp xúc tiến đầu tư tại chỗ và ở nước ngoài. Nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD được triển khai nhanh chóng; hàng loạt dự án tăng vốn, đầu tư mở rộng, nâng công suất tại các KCN Hải Phòng là kết quả của các chuyến xúc tiến đầu tư, gặp gỡ từng nhà đầu tư nước ngoài của lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Cùng với đó, các ngành, các cấp, các địa phương cùng chung tay tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhất là công tác GPMB; cung cấp các dịch vụ thiết yếu…
Phát triển cảng nước sâu là một trong những lợi thế mang lại sự hấp dẫn cho Hải Phòng trong thu hút FDI
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, thời gian qua, Hải Phòng rất chủ động, sáng tạo, có những đột phá, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội. Hải Phòng là một địa phương tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nói đến Hải Phòng là nói đến một chính quyền hành động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý. Đặc biệt, thành phố cũng xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bao gồm đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Về cải cách thủ tục hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2022 và 2023, Hải Phòng đều xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2/11 của vùng đồng bằng sông Hồng. Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX) luôn duy trì là 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước.
Với những kết quả đã làm được cùng quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, Thứ trưởng Bộ KHĐT tin tưởng Hải Phòng sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư, là địa bàn “chiến lược” được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm./.
Bài 2: Lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả Theo đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đỗ Mạnh Hiến, các doanh nghiệp FDI đã và đang đóng góp nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, sự phát triển của thành phố cũng như hoạt động của doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế, nhất là hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như tỷ lệ nội địa hóa còn chưa được như kỳ vọng; quá trình chuyển đổi, thiết lập khu công nghiệp sinh thái cần tiếp tục đẩy nhanh. Do đó, trong thời gian tới cần có giải pháp quyết liệt, đột phá hơn của thành phố Hải Phòng. Lãnh đạo thành phố luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp FDI phát triển với quan điểm nhất quán: sự thành công của doanh nghiệp là thành công của thành phố Hải Phòng.
Những tiếng nói từ thực tế
Việc Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với 500 doanh nghiệp FDI gây được tiếng vang lớn và đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đây, doanh nghiệp FDI được thoải mái nói lên suy nghĩ, đánh giá, nhận xét và đề đạt nguyện vọng của mình. Lãnh đạo thành phố, các ngành, các quận, huyện cũng nhìn ra được những vấn đề cần phải cải cách, những việc cần phải làm để sát cánh cùng doanh nghiệp FDI phát triển. Từ đó, thu hút nhiều hơn các dự án FDI lớn tới Hải Phòng.
Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với 500 doanh nghiệp FDI gây được tiếng vang lớn và đạt nhiều hiệu quả thiết thực
Thật đáng mừng khi tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp FDI đã dành những lời nhận xét, đánh giá tốt đẹp về thành phố Hải Phòng và môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, sự thân thiện của các cấp chính quyền. Ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục KinderWorld của Singapore cho biết,dự án xây dựng trường học quốc tế của tập đoàn tại quận Lê Chân đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền thành phố Hải Phòng cùng các sở, ban, ngành liên quan. Nhờ vậy, chỉ trong một năm qua kể từ ngày xúc tiến làm việc đầu tiên với đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, giai đoạn 1 của trường quốc tế Singapore đã hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu giáo dục quốc tế ngày càng cao của người dân thành phố. Với sự thuận lợi đó, KinderWorld sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng tại hải Phòng, nhất là đào tạo nghề theo mô hình quốc tế, góp phần cung ứng lao động chất lượng cao cho thành phố.
KCN Tràng Duệ được bổ sung nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn hơn 8 tỷ USD. Ảnh: Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu thăm Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam
Theo lãnh đạo Công ty LG Display, LG đầu tư tại Hải Phòng từ rất sớm và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo thành phố, điển hình là đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận đưa KCN Tràng Duệ nằm trong KKT Đình Vũ- Cát Hải với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn cho nhà đầu tư. Vì vậy, đến nay, Tập đoàn LG đầu tư hơn 8 tỷ USD tại Hải Phòng với các dự án sản xuất linh kiên điện tử, hàng điện tử công nghệ cao tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước sức hấp dẫn của Hải Phòng, LG sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại thành phố.
Ghi nhận, đánh giá cao nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đề xuất, hiến kế và bày tỏ nhiều nguyện vọng, mong muốn đối với thành phố. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng Ko Tae Yeon đề nghị thành phố cung cấp thông tin cụ thể về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam, nhất là định hướng thu hút đầu tư, tiến độ triển khai. Cùng với đó, bày tỏ băn khoăn về nguồn cung ứng lao động chất lượng cao và mong muốn Hải Phòng tăng cường đào tạo tại thành phố và thu hút nhân lực từ các địa phương khác. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội với mức giá hợp lý để bảo đảm điều kiện sống tốt nhất cho người lao động trong các doanh nghiệp.
Ông Chen Chi Liang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Namđề cập tới những định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành điện tử, bán dẫn; đề nghị thành phố cần có chiến lược cụ thể cho lĩnh vực này, đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm hàng đầu đất nước về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin, cũng như tăng sức hút cho Việt Nam trong cuộc đua thu hút đầu tư ngành bán dẫn.
Đại diện doanh nghiệp FDI phát biểu ý kiến
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp FDI cũng đề nghị thành phố thông tin rõ hơn về định hướng phát triển hạ tầng cảng biển; sớm triển khai xây dựng, hoàn thành cầu Tân Vũ – Lạch Huyện và kho hàng hóa tại Sân bay Cát Bi để tăng tốc độ vận tải, dịch vụ logistics cũng như thời gian thông quan hàng hóa; giảm chi phí logistics…
Đồng thời đề nghị có các chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối đầu tư – kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số ý kiến đề nghị đẩy nhanh thủ tục thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp liên doanh; đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; đề nghị tăng giờ làm thêm; định kỳ tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng Hosoki Eiichi đề nghị xem xét các biện pháp phòng chống thiên tai để ứng phó cho những lần thiên tai tiếp theo (nếu có) và cũng là để tránh những hậu quả sau thiên tai như mất điện, ngập lụt, cây đổ sau bão như tình trạng vừa xảy ra sau cơn bão Yagi gây nên.
Lắng nghe và tháo gỡ
Ngay tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Thành ủy thông tin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy đối với 56 đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp FDI, tổng hợp lại trong 5 lĩnh vực gồm: tuyển dụng lao động, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động có tay nghề tại các doanh nghiệp FDI; thuế và hải quan; về năng lượng; thủ tục hành chính và đầu tư và các vấn đề khác.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng và lãnh đạo các ngành đã trả lời trực tiếp các vấn đề doanh nghiệp nêu, bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, rõ định hướng và các biện pháp giải quyết.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu yêu cầu các sở, ngành xử lý, giải quyết ngay các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp và thông tin tới doanh nghiệp. Đối với những kiến nghị liên quan đến vướng mắc của luật pháp, Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố khẩn trương có kiến nghị cụ thể đối với Trung ương, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời chỉ đạo tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các đề xuất, kiến nghị nêu trên.
Các chuyến xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố tại nước ngoài góp phần thúc đẩy thu hút thêm nhiều dự án FDI
Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định sẽ cùng Thường trực Thành ủy chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết với doanh nghiệp sớm có kết quả; giải quyết tối đa những nguyện vọng của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại thành phố.
Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, đặc biệt là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam; xác định đây là động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố, là nơi “làm tổ” của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thu hút các dòng vốn phát triển bền vững.
Đồng thời, thúc đẩy thủ tục thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới với cơ chế ưu đãi vượt trội thu hút các dòng vốn ngoại, các tập đoàn toàn công nghệ đến đầu tư. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giao thông đối nội, đối ngoại kết nối hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc…
Hải Phòng sẽ quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề, đng chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng ký kết với Đại học Bách khoa, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy… Giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế một cửa khi doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục dự án, không để doanh nghiệp phải qua lại nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục dự án tại Hải Phòng.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nhà ở chất lượng cao và nhà ở xã hội, hệ thống trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, các khu vui chơi, giải trí, du lịch chất lượng cao, nhà ở tiện ích… để các nhà đầu tư và gia đình có thể yên tâm ổn định cuộc sống, làm việc lâu dài tại Hải Phòng; biến Hải Phòng thành thành phố đáng sống, là quê hương thứ 2 của nhà đầu tư và gia đình.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, từ kinh nghiệm khắc phục các sự cố trong và sau cơn bão số 3 (Yagi), thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng phương án cung ứng điện ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, hạn chế tối đa tình trạng dừng, mất điện đột ngột ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình cấp điện trên địa bàn.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội; chấp hành nghiêm chính sách thuế của Nhà nước Việt Nam, ưu tiên thành lập doanh nghiệp và chi nhánh có trụ ở tại Hải Phòng để đóng góp trực tiếp cho thành phố.
Cùng với đó, tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển. Lãnh đạo thành phố sẽ quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp FDI thực hiện tốt việc xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giá trị sản phẩm sản xuất tại thành phố; liên kết, hợp tác, đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo của thành phố. Đồng thời, thành phố sẽ có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp FDI phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đồng chí Bí thư Thành ủy hy vọng các doanh nghiệp FDI sẽ trở thành người bạn, người kết nối kinh tế thành phố Hải Phòng với kinh tế thế giới; tiếp tục lan tỏa thông điệp “Doanh nghiệp FDI phát triển cùng thành phố Hải Phòng: đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, kinh tế chia sẻ; kết nối doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu” đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu./.
Nguồn: Báo an ninh Hải Phòng