gày 3/12, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đăng cai tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quản lý, phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”. Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài, Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Vụ Tổ chức Cán bộ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế của 11 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, lãnh đạo các Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng đã trao đổi những kinh nghiệm thực tế tại địa phương trong xây dựng, thu hút đầu tư tại các Khu công nghiệp. Theo đó, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng đều đã hình thành các Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích lên tới hàng chục nghìn ha, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Nhờ vậy, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế của 11 tỉnh, thành phố trong vùng đã chiếm 33% về số dự án; 30% tổng vốn FDI của cả nước, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mỗi địa phương, của vùng và cả nước.
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được ban hành ngày 28/5/2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, trong đó có một số nội dung đổi mới so với Nghị định số 82/2022/NĐ-CP được xem như một bước đột phá về cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khơi thông phát triển các Khu công nghiệp và Khu kinh tế nhưng trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Một số điểm mới trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, đó là điểm mới việc thành lập các khu công nghiệp; về phát triển nhà ở công nhân, nơi lưu trú và các công trình tiện ích cho người lao động; điểm mới trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng.
Nghị định đã bổ sung thêm một số loại hình khu công nghiệp khác như: Khu công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp chuyên ngành, Khu công nghiệp sinh thái và Khu công nghiệp công nghệ cao. Quy định rõ ràng và đầy đủ hơn về Khu công nghiệp sinh thái. Quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về Khu công nghiệp, Khu kinh tế.
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung trên giúp giảm bớt quy trình, tiết kiệm được thời gian khi thực hiện lập quy hoạch khu chức năng (cụ thể khu công nghiệp). Một mặt đơn giản hoá thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, mặt khác giảm thiểu “gánh nặng” cho các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương…
Bên cạnh những điểm mới, tạo bước đột phá về cơ chế chính sách, các đại biểu cũng đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, đó là vướng mắc trong thành lập các Khu công nghiệp; vướng mắc về quy hoạch xây dựng; vướng mắc về khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ; vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân, cơ sở lưu trú cho người lao động trong khu công nghiệp; vướng mắc về các quy định pháp luật khác liên quan.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã nêu một số kinh nghiệm của Hải Phòng trong quy hoạch, phát triển các Khu công nghiệp; xây nhà ở công nhân; cải cách hành chính; chuyển đổi số; xúc tiến đầu tư. Đồng thời cho biết, trên cơ sở chia sẻ, thảo luận, kiến nghị, đề xuất và thống nhất của các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu chế xuất các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ tổng hợp văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, tháo gỡ.
Nguồn: haiphong.gov.vn