Tăng trưởng thần tốc
Các doanh nghiệp FDI đánh giá cao môi trường đầu tư của Hải Phòng nên không ngừng mở rộng quy mô đầu tư
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/TTg thành lập Ban quản lý Khu chế xuất Hải Phòng. Giai đoạn từ năm 1993 đến 2007, trên địa bàn thành phố mới chỉ có 3 KCN là Đồ Sơn – Hải Phòng (trước đây là Khu chế xuất Hải Phòng, thành lập năm 1993); Nomura – Hải Phòng (thành lập năm 1994); Đình Vũ (thành lập năm 1996), với diện tích đất tự nhiên là 849,66 ha, quỹ đất công nghiệp cho thuê là 650,8 ha.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hải Phòng thành lập Khu kinh tế (KKT) Đình Vũ – Cát Hải nhằm triển khai các cơ chế, chính sách mới để thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới. Đến ngày 19/9/2008, thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA). Trong giai đoạn 2008 – 2013, Hải Phòng thành lập thêm 6 KCN (có 4 KCN trong KKT) với diện tích 2.946,66 ha, diện tích đất công nghiệp 1.798,05 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 83%.
Tiếp đến, giai đoạn từ năm 2014 đến 2020, Hải Phòng đã thành lập thêm 3 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 1.689 ha, đất công nghiệp dịch vụ 1.294 ha. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020 không thành lập thêm KCN nào, phải đến năm 2021, với sự vào cuộc quyết liệt của HEZA và sự chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng, đã thành lập thêm 2 KCN (KCN và Khu phi thuế quan Xuân Cầu, KCN Tiên Thanh, với tổng diện tích 1.162,46 ha) đang thực hiện công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng.
Sau 30 năm, Hải Phòng có 14 KCN được thành lập, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.080,21 ha, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4.028,46 ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%. KKT Đình Vũ – Cát Hải đã được đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, phát huy được hiệu quả và đạt kết quả cao so với mục tiêu đặt ra. Hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt 63,8%.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA cho biết: “Thành phố đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050. Theo đó, Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777 ha (bao gồm 14 KCN đã được thành lập với 6.080,21 ha, chiếm 38,5% so với diện tích các KCN được quy hoạch thời gian tới); thực hiện thành lập mới KKT phía Nam Hải Phòng, dự kiến khoảng 20.000 ha. Đây chính là các không gian động lực phát triển của Thành phố trong tương lai”.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA cho biết: “Thành phố đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050. Theo đó, Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777 ha (bao gồm 14 KCN đã được thành lập với 6.080,21 ha, chiếm 38,5% so với diện tích các KCN được quy hoạch thời gian tới); thực hiện thành lập mới KKT phía Nam Hải Phòng, dự kiến khoảng 20.000 ha. Đây chính là các không gian động lực phát triển của Thành phố trong tương lai”.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy 14 KCN đạt trên 70%, thành lập thêm 4 – 6 KCN mới. Thực hiện chuyển đổi từ 2 – 3 KCN thành KCN sinh thái; 1 KCN công nghệ cao. Đảm bảo 100% KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Thu hút FDI vào khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 12,5 – 15 tỷ USD; thu hút DDI vào KKT, KCN đạt 10 – 15 tỷ USD. Bình quân thu nhập của người lao động tại KKT, KCN đạt 20 triệu đồng/tháng. Hoàn thành 2-3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong KKT Đình Vũ – Cát Hải.
Giai đoạn đến năm 2030, thành lập thêm các KCN với diện tích khoảng 1.433 ha. Các KCN, KKT đóng góp trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. Thu hút FDI vào KKT, KCN đạt 15 tỷ USD; thu hút DDI vào KKT, KCN đạt 12 – 16 tỷ USD.
Bứt phá trong thu hút đầu tư
Hải Phòng đã thu hút được nhiều dự án lớn của nhà đầu tư Hàn Quốc
Trong tháng 6/2023, sau khi Đoàn công tác xúc tiến đầu tư TP. Hải Phòng làm việc với Tập đoàn LG tại Hàn Quốc, LG Innotek Hàn Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND TP. Hải Phòng về việc tiếp tục mở rộng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất tại nhà máy V3 thuộc KCN Tràng Duệ. Chỉ sau 6 ngày làm việc, Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD. Theo đó, nâng tổng vốn đầu tư của toàn dự án lên hơn 2,051 tỷ USD.
Ông Cho Ji Tae, Phó chủ tịch Tập đoàn LG Innotek bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước sự hấp dẫn và cách xúc tiến đầu tư của Hải Phòng. Với việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, Hải Phòng sẽ tiếp tục là điểm dừng chân lý tưởng để đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C đánh giá: “HEZA cùng lãnh đạo TP. Hải Phòng rất năng động và hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, DEEP C sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng KCN, thu hút các nhà đầu tư thứ phát; làm xanh hóa các KCN; tham gia phát triển các dự án năng lượng tái tạo”.
Lũy kế đến nay, các KCN, KKT của Hải Phòng đã thu hút 708 dự án với tổng vốn đầu tư 38,1 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 1993 – 2007 đạt 22.497 tỷ đồng (tương đương 1,47 tỷ USD); giai đoạn 2008 – 2023 đạt 826.849,2 tỷ đồng (khoảng 36 tỷ USD), mức vốn đăng ký trung bình hàng năm khoảng 2,33 tỷ USD/năm (mức vốn bình quân hàng năm này gấp 1,6 lần tổng vốn đăng ký đầu tư đoạn 1993 – 2007).
Đặc biệt, tổng vốn đăng ký đầu tư giai đoạn từ năm 2020 đến nay khoảng 10,3 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng vốn đăng ký đầu tư 30 năm thu hút đầu tư vào KKT, KCN; trên 80% mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025. Suất đầu tư trung bình trong các KCN, KKT đạt 12 triệu USD/ha; đạt 56 triệu USD/dự án.
Với sự kiện ngày 22/9, HEZA trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD, Hải Phòng đã trở thành “quán quân” về thu hút FDI trong cả nước, tính từ đầu năm đến ngày 20/9, các KCN, KKT đã thu hút đạt gần 3 tỷ USD (đạt 120% kế hoạch năm, hoàn thành chỉ tiêu trước 4 tháng).
“Quy mô đầu tư, chất lượng dự án FDI trong KCN, KKT cao hơn nhiều so với dự án ngoài KCN, KKT. Các nhà đầu tư đang hình thành xu hướng chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường”, ông Lê Trung Kiên nói.
Hiện tại, Hàn Quốc đầu tư lớn nhất với 11 tỷ USD, chiếm 41%; Nhật Bản 3,2 tỷ USD, chiếm 15%; Hồng Kông 2,6 tỷ USD; Singapore 2,5 tỷ USD… Các tập đoàn, công ty lớn trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và Việt Nam đã đầu tư vào KKT, KCN và đặt trụ sở tại Hải Phòng, nổi bật phải kể đến Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đăng ký đạt 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với 1,224 tỷ USD; Pegatron với 900 triệu USD, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với 500 triệu USD…
Tiếp tục khẳng định vai trò của KKT, KCN
Với phương châm “Hải Phòng luôn đồng hành và hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư”, bằng các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt trong giai đoạn vừa qua, Hải Phòng đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. FDI chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới.
Ghi nhận những đóng góp tích cực, hiệu quả của các ban ngành chức năng, của các nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong KCN, KKT Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: “Năm 2023 là năm tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT Hải Phòng. Có được những kết quả tốt đẹp hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò rất quan trọng của các công ty kinh doanh hạ tầng KCN như Tổ hợp KCN DEEP C, Tập đoàn Sao Đỏ (KCN Nam Đình Vũ), Công ty TNHH VSIP Hải Phòng đã làm rất tốt vai trò xây dựng, vun đắp hình hài các KCN trong suốt 30 năm. Trong thời gian qua, HEZA đã thực hiện rất tốt công tác tham mưu, triển khai, tổ chức những hoạt động xúc tiến đầu tư, đàm phán, ký kết biên bản hợp tác với các nhà đầu tư và khẳng định vai trò động lực của KKT đối với sự phát triển kinh tế – xã hội TP. Hải Phòng”.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT năm 2022 đạt 683.715 tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng sản xuất công nghiệp toàn Thành phố. Giá trị xuất khẩu đạt 2.287.886 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2023 là 2.275.843 tỷ đồng, bằng 189 lần giai đoạn trước đó. Giá trị năm 2022 là 581.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,2% toàn Thành phố. Đóng góp ngân sách giai đoạn 1993-2007 đạt 1.640,3 tỷ đồng, chiếm 7,7% toàn Thành phố; giai đoạn 2008-2023 đạt 80.084 tỷ đồng, chiếm 11,6% toàn Thành phố, bằng 49 lần giai đoạn trước.
Không thể phủ nhận, KCN, KKT đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Tính đến nay, KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho hơn 191.277 lao động, chiếm 18,4% tổng số lao động các ngành nghề, lĩnh vực Thành phố (gấp 3,5 lần số lao động trong KCN, KKT năm 2013).
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định: “Những kết quả thành công mà HEZA đạt được là minh chứng khẳng định việc cụ thể hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, định hướng của Thành phố về phát triển công nghiệp. Các KCN, KKT đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chuyển giao công nghệ và đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế của Hải Phòng”.
Nguồn: baodautu.vn