Để Hải Phòng trở thành trọng điểm dịch vụ logistics quốc gia và trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, thành phố cần nhiều đột phá mạnh mẽ hơn nữa.
Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã xác định: đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia và đến năm 2030, thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.
Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Trần Lưu Quang cho rằng, đây là mục tiêu đồng thời là nhiệm vụ lớn đặt ra cho Hải Phòng trong thời gian tới.
Các loại hình vận tải phát triển không đồng đều
Theo định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.
Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…
Tại Diễn đàn Logistics 2022, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng cho biết, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đạt khoảng 20-23%/năm, đóng góp vào sự tăng trưởng GRDP của thành phố từ 13-15%/năm.
Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, lượng hàng thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng trong tháng 10 đầu năm 2022 đạt 6,758 triệu tấn, tăng 7,9% so với tháng 9, tăng tới 10,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, hàng container đạt 530,73 nghìn Teus, tăng 6,7% so với tháng 9 và tăng mạnh 18% so với cùng kỳ. Hàng ngoài container đạt 0,808 triệu tấn, tăng 19% so với tháng 9 và tăng 17% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển dịch vụ logistics và đầu tư hạ tầng logistics tại Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, hơn 80% sản lượng hàng hóa sau khi thông qua hệ thống cảng biển của Hải Phòng tiếp tục lưu chuyển bằng đường bộ, trong khi mạng lưới giao thông này đã quá tải, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông.
Vận tải đường sắt lạc hậu, các ga hầu như không có kho bãi tập kết trung chuyển vận tải hàng hóa container, các trang thiết bị chuyên dụng cho việc xếp dỡ container tại ga đường sắt cũng thiếu và không đồng bộ, chưa kết nối tới hệ thống cảng khu vực Đình Vũ – Lạch Huyện. Hàng hóa vận tải bằng đường sắt chỉ chiếm 3% sản lượng hàng hóa thông qua cảng.
Hoạt động vận tải logistics đường thủy nội địa của Hải Phòng cũng đã quá cũ, gần như chỉ còn lưu thông một phần tuyến vận tải đường sông có từ thời chiến tranh và bao cấp. Theo các chuyên gia, do yếu tố lịch sử để lại, số lượng lớn các bến cảng của Hải Phòng trước đây chủ yếu nằm sâu trong sông. Nhiều bến cảng nhỏ lẻ, manh mún, các bến cảng này thường nằm đan xen trong khu dân cư, hệ thống kết nối giao thông hạn chế, không đồng bộ, gây lãng phí tài nguyên đất và phát sinh ùn tắc giao thông sau cảng, ùn tắc hàng hoá tại các cảng vào thời gian cao điểm. Chưa kể, các cảng nhỏ lẻ nằm sau trong sông, trong đất liền có hạn chế về luồng lạch còn hẹp, độ sâu bến đỗ còn thấp, dẫn đến việc doanh nghiệp phải đầu tư nạo vét, duy tu để đảm bảo cho tàu an toàn vào làm hàng dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn nhỏ lẻ, cung cấp dịch vụ manh mún dẫn đến gia tăng chi phí và thời gian trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải và logistics còn chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Giải pháp phát triển dịch vụ logisics Hải Phòng
Các bến cảng số 1 và 2 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu có khả năng đón tàu trên 130.000 tấn, đưa hàng hóa từ Hải Phòng đến thẳng các các châu lục) đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2018. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tại cảng số 1, 2 cho thấy, nếu theo Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chiều dài mỗi bến cảng là 375m, chỉ tiếp nhận được cỡ tàu đến 100.000 DWT (8.000 Teus). Trong khi theo các nhà chuyên môn, từ năm 2004 đến nay, cỡ tàu từ 12.000 Teus trở lên đã có chiều dài từ 366 – 399m. Đến năm 2023, tàu có chiều dài từ 366 – 399m dự báo sẽ chiếm chủ đạo. Điều đó cho thấy, việc xây dựng cảng nước sau Lạch Huyện đang vướng mắc cả về kỹ thuật, kinh tế và tổ chức.
Trong bối cảnh đó, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cho biết, thành phố đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.
Đó là: đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics. Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng.
Quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh.
Đồng thời đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như: Các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương…
Bên cạnh đó là nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.
Muốn đạt tầm “trung tâm logistics quốc tế” đúng tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2030 – Hải Phòng cần sớm nâng cấp ngành logistics.