Diễn đàn Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND Tp Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hải Dương;  ngày 31/8/2023, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Ban Pháp chế VCCI, Sở KHĐT Hải Phòng, Ban Quản lý KKT, KCN các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên phối hợp tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông” tại Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, 18 Hoàng Diệu, thành phố Hải Phòng.

Quang cảnh diễn đàn

Đây là một trong chuỗi chương trình nhằm hiện thực hoá “Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông”được ký ngày 28/07/2022 của VCCI và 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Nam.Theo đó, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc liên kết kinh tế bốn địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như có cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng), có cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc (tại Quảng Ninh), có sân bay quốc tế (ở Hải Phòng, Quảng Ninh), có nguồn nhân lực còn dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (như tại Hải Dương và Hưng Yên).

Đại biểu tham dự diễn đàn

Riêng lĩnh vực phát triển công nghiệp, 4 địa phương trên được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ngành công nghiệp – xây dựng của các địa phương là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. 

Chỉ tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn các tỉnh, thành trên trục cao tốc phía Đông có 87 KKT và KCN trong đó Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Hải Phòng 01 khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha. Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên: 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.\

Tuy vậy, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện mới đạt khoảng 50%; trong đó Hải Dương dù đã thu hút được 348 dự án (tính đến 30/6/2023) nhưng mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%; Hải Phòng cao nhất trục cao tốc với tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 60% (tính đến đến 2021) với tỷ suất đầu tư trung bình đạt 9 triệu USD/ha; Quảng Ninh với 8 KCN đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy mới dừng ở con số 43% – thấp hơn so với bình quân cả nước, số KCN đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng số vốn đạt 4.100 triệu USD và 40 dự án trong nước với số vốn là 21.000 tỷ đồng; Hưng Yên có 261 dự án đầu tư vào các KCN với vốn đầu tư đạt 4.434 triệu USD, tuy vậy tỉ lệ lấp đầy trong các KCN Hưng Yên với đạt 47,8%.

Đồng chí Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đóng góp ý kiến tại Diễn đàn

Đặc biệt, các KCN trên địa bàn 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông đang sử dụng lượng lao động lớn với Hải Dương: sử dụng khoảng 102.014 người lao động (trong đó, có 100.914 lao động trong nước và 1.100 lao động nước ngoài) với mức thu nhập trung bình trên 07 triệu đồng/tháng/người. Hải Phòng chỉ tính đến hết năm 2020, tổng số lao động Việt Nam trong các KCN là 157.967 người. Các dự án trong KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm, thị trường mới, đến năm 2020 chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc. 

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển KCN tại 4 tỉnh, thành phố còn bộc lộ một số tồn tại : Mặc dầu là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế. Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. 

Ngành sản xuất công nghiệp tập trung thu hút, quốc gia thu hút khá giống nhau dẫn giảm sức hút, sức cạnh tranh. Là trục chính tập trung nhiều KCN nhưng Quốc lộ 5 hiện đang trong tình trạng cũ và xuống cấp. Liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn. Ngoài ra, hiện nay quy mô đất công nghiệp, đặc biệt là đất sạch với diện tích lớn cho KCN còn khá hạn chế. 

Xuất phát từ yếu tố đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”.

Diễn đàn nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng KCN, CCN các tỉnh trục cao tốc phía Đông cho các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư và các tổ chức có liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp 4 tỉnh nằm trên trục cao tốc phía Đông liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất của từng đơn vị, nguồn hàng, các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, chi phí trung gian của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Ngoài ra, Diễn đàn cũng là nơi thảo luận các vấn đề và giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả các KCN, kết nối và phát triển hạ tầng, thiết chế quan trọng khác như cảng biển, trường đào tạo nghề, nhà ở xã hội… với KCN. Thúc đẩy việc phát triển các KCN theo định hướng xanh, bền vững. Diễn đàn cũng quảng bá về cơ hội đầu tư vào các KCN trong tiểu vùng.

Đặc biệt, Diễn đàn đã tập hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và ý kiến phản hồi, kiến nghị của các doanh nghiệp kịp thời bổ khuyết vào nhiệm vụ giải pháp của các thành phố, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hạ tầng công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong hoạt động phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tận dụng lợi thế của trục cao tốc phía đông và thế mạnh của từng địa phương…

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị: Cách đây 5 tháng, tại Hưng Yên, lãnh đạo 4 địa phương và VCCI đã họp bàn triển khai nội dung thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông. Vì vậy, diễn đàn “Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông” là một hoạt động tiếp nối tiếp theo. Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, muốn thực hiện mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện thành công công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nên phát triển các KCN là bước đi không thể thiếu. Thực tế thì các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển luôn coi khu công nghiệp là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế. Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn.

Đặc biệt, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng xã hội các công trình thiết chế phục vụ cho KCN, CCN như nhà ở công nhân, trường học, bênh viện và trung tâm nghiên cứu chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết đang sử dụng hạ tầng xã hội các khu dân cư và đô thị xung quanh.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại diễn đàn

Sau khi tiếp thu những gợi mở, đề xuất của các chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các khu công nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng: “Diễn đàn đã giúp lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố chọn được nhiều giải pháp để phát triển và cộng hưởng được những thế mạnh riêng có của từng khu công nghiệp, của từng địa phương. Những năm qua, 4 địa phương đều có nhiều thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế,  qua đó trở thành một vùng tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước. Đối với TP Hải Phòng, xác định là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có nhiều lợi thế trong liên kết, phát triển kinh tế vùng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) giai đoạn 2021 – 2022 đạt bình quân gần 13%/năm, gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt gần 10%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được xếp thứ 3 và Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2 trong cả nước”.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng mong muốn thông qua các ý kiến đóng góp tại diễn đàn sẽ giúp khắc phục những khó khăn cục bộ; liên kết các thế mạnh của từng địa phương; khắc phục tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; đẩy mạnh kết nối hạ tầng  giao thông vùng và liên vùng; chia sẻ kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các khu công nghiệp; giải quyết những bất cập về thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên môi trường và các vấn đề xã hội giữa các địa phương. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Tùng hy vọng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Tiểu vùng kinh tế trục cao tốc phía Đông sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành một điển hình trong việc hợp tác, liên kết phát triển theo vùng, tiểu vùng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.

Trung tâm Dịch vụ việc làm – Đào tạo – Xúc tiến đầu tư