Nghị quyết 45 ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH. Nghị quyết đại hội 16, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ thành phố Hải Phòng đề ra mục tiêu: “tới năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trong đó, công nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của thành phố, được đặt lên hàng đầu (cùng với cảng biển- logistics; du lịch- thương mại). Như vậy, công nghiệp Hải Phòng đang gánh trên vai sứ mệnh to lớn, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Hải Phòng.
Bài 1:
Vị thế thành phố công nghiệp
Từ rất lâu rồi, dễ tới hàng trăm năm nay, nhắc tới Hải Phòng là nghĩ ngay tới thành phố công nghiệp. Từ các nhà máy xay; nhà máy xi măng; nhà máy đèn… thời thuộc Pháp; các nhà máy cơ khí Duyên Hải;Nhựa Tiền Phong, Mì sợi, Bánh kẹo, Sắt tráng men – nhôm, Thủy tinh, Len… cùng một loạt nhà máy đóng tàu, thép, cơ khí, da giày, dệt may… sau ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955) tới các nhà máy công nghiệp công nghệ cao trong các Khu Kinh tế, Khu công nghiệp bề thế ngày nay là cả một chặng đường dài thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh, tầm nhìn của Hải Phòng trong phát triển công nghiệp. Và cũng chính công nghiệp tạo nên cốt cách của người Hải Phòng, đi vào thơ, ca, nhạc, họa… Để rồi “màu xanh áo thợ” là nét đặc trưng không thể lẫn được của thành phố công nghiệp Hải Phòng.
Từ những nhà máy nổi danh
Lâu đời nhất phải kể tới Nhà máy Xi măng Hải Phòng (nay là Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng). Đây là cái nôi đầu tiên của ngành xi măng Việt Nam, được khởi công xây dựng ngày 25-12-1899. Trải qua 125 xây dựng và phát triển, Xi măng Hải Phòng luôn được coi là một hình mẫu của công nghiệp Hải Phòng, một mô hình của sự năng động, sáng tạo, đi đầu trong thời kỳ bao cấpvà vững vàng trong cơ chế thị trường, trở thành một thương hiệu lớn của ngành công nghiệp Hải Phòng và cả nước. Có một thời gian dài, được làm công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng là niềm vinh dự lớn bởi đã góp phần sản xuất nhiều xi măng phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ thành phố và đất nước; luôn có mức thu nhập cao nhiều người mơ ước.
Cùng với công nhân xi măng là công nhân Cảng Hải Phòng, một ngành công nghiệp dịch vụ gắn liền với sự phát triển của thành phố Cảng Hải Phòng. Thế hệ đầu tiên công nhân Cảng Hải Phòng được hình thành từ năm 1874 khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng những bến cảng đầu tiên ở Hải Phòng. Và từ đó tới nay, qua thời gian, lớp lớp công nhân Cảng Hải Phòng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Những lời ca ngọt ngào từ bài hát “Bến cảng quê hương tôi” của nhạc sỹ Hồ Bắc khắc họa rõ nét hình ảnh tuyệt đẹp trong lao động sản xuất của công nhân Cảng Hải Phòng: “Ơi cô gái, lái xe trên Cảng- Xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương- Anh công nhân bốc xếp đã mang bao tấn thép- Như dũng sĩ Biển Đông vai sắt chân đồng…”.
Sản phẩm ống nhựa của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chiếm thị phần lớn tại Việt Nam
Nói như thế để thấy rằng, công nghiệp Hải Phòng hình thành và phát triển từ rất lâu đời với nhiều ngành mũi nhọn, có vị thế, thị phần đáng kể đối với cả vùng và cả nước. Đó là xi măng, sắt thép, là điện, là phân bón, sơn, hóa chất, mỹ phẩm, là ống nhựa, bao bì, rồi da giày, dệt may… Những ngành này đều có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua và tạo được dấu ấn thương hiệu khá rõ ràng trên thị trường.
Khắp nơi trên cả nước giờ đây đều đã biết khá rõ và tin dùng xi măng Hải Phòng, xi măng Chin- phong, thép Việt Nhật, Vinausteel; SSE; Vinapipe; phân bón DAP Đình Vũ; nhựa Tiền Phong, ắc quy Tia sáng, bia Hải Phòng, bao bì PP, giấy Hải Phòng, Sơn Hải Phòng, bột giặt, hóa mỹ phẩm Vico, rồi Da giày Hải Phòng, Đỉnh Vàng, may Hai… Nhiều ngành trong số đó đã chiếm thị phần đáng kể đối với cả nước như xi măng, sắt thép, ống nhựa, DAP… Ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất của Vinashin thì những nhà máy đóng tàu lớn của Hải Phòng như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng, sông Cấm… vẫn thể hiện được vị thế và vai trò của mình đối với sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy.
Dây chuyền sản xuất Bia Hà Nội- Hải Phòng
Hải Phòng cũng từng được ghi nhận với nhiều doanh nghiệp sản xuất cơ khí có trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và tự động hóa cao như Công ty cổ phần cơ khí chế tạo Hải Phòng, Công ty chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng; Nhà máy cơ khí Duyên Hải; cơ khí 1- 5; Hồng Quang; Nhà máy cân; Nhà máy khóa 1-12; Điện cơ; Lilama, Hàn Việt, Lisemco… Theo thời gian, nhiều thương hiệu bị mai một hoặc biến mất trên thị trường nhưng vẫn là những tên tuổi nổi danh một thời, gắn liền với sự phát triển của công nghiệp Hải Phòng.
Tới các KCN tầm cỡ
Theo xu thế phát triển với yêu cầu bền vững, Hải Phòng đã nhanh chóng quy hoạch và thành lập các Khu Kinh tế, Khu công nghiệp để tập trung phát triển công nghiệp.
Một góc KCN DEEP C
Từ năm 1993, Hải Phòng đã có khu chế xuất, khi đó là Khu chế xuất Đồ Sơn. Đây là một trong những khu chế xuất đầu tiên của cả nước được Chính phủ cho phép thành lập. Tiếp theo đó, năm 2008, Hải Phòng được cho phép thành lập Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, cũng là một bước đột phá lớn, là cú hích quan trọng để thành lập các KCN và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH. Đó cũng chính là sự khởi đầu, mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn Hải Phòng; là cú hích, là đòn bẩy để phát huy tiềm năng, vị thế, truyền thống công nghiệp của Hải Phòng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH- HĐH thành phố và đất nước. Để từ đó, sau hơn 30 năm, Hải Phòng là một trong những điển hình của cả nước về phát triển KCN, KKT nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng với rất nhiều bứt phá và thành công.
Các KCN của Hải Phòng được phát triển mạnh mẽ hơn kể từ khi Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải được thành lập năm 2008 với diện tích 22.540 ha. Nếu như từ năm 1993-2007 chỉ có 4 KCN được thành lập thì từ năm 2008 đến nay, sau khi có Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải đã có 10 KCN được thành lập. Trong đó có 9 KCN nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải (4 KCN DEEP C; KCN VSIP thành lập năm 2008, diện tích 1566ha; Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ 1, thành lập năm 2009, diện tích 1329ha; KCN MP Đình Vũ, thành lập năm 2012, diện tích 260 ha; KCN Tràng Duệ; KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu thành lập năm 2021 với diện tích 752ha). 4 KCN khác gồm: Nhật Bản- Hải Phòng; KCN Đồ Sơn; KCN nam cầu Kiền thành lập năm 2008, diện tích 263,5ha; KCN An Dương thành lập năm 2008, diện tích 196 ha; KCN Tiên Thanh thành lập năm 2022, diện tích 410ha.
Trao giấy chứng nhận đầu tư thành lập KCN Tiên Thanh
Có thể thấy, hiếm có KKT nào hội đủ các điều kiện phát triển như KKT Đình Vũ- Cát Hải khi có được hệ thống cảng biển đồng bộ, đặc biệt là Cảng nước sâu Lạch Huyện; kết nối thuận tiện với Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi và mạng lưới giao thông đường bộ (trong đó hầu hết là đường cao tốc) tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong vùng, miền Bắc, cả nước; tuyến cầu và đường vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện; hệ thống cầu, đường kết nối với các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh và cả giao thông đường thủy, đường sắt. Cao hơn nữa là KKT Đình Vũ- Cát Hải mang trọn lợi thế, vị thế địa chính trị, kinh tế của thành phố Hải Phòng nên càng có sức hút mạnh mẽ.
Sản phẩm của Công ty DAP Vinachem
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, điểm lại, sau 15 năm thành lập, KKT Đình Vũ- Cát Hải đã phát huy rất tốt vai trò, vị thế và những kỳ vọng mong muốn của thành phố, các nhà đầu tư. Giờ đây, KKT Đình Vũ- Cát Hải đã và đang trở thành khu kinh tế tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực với lĩnh vực chủ yếu là phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng; một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước, giao thương quốc tế hiện đại ở Bắc Bộ; là động lực lôi kéo, thúc đẩy Hải Phòng phát triển, trở thành hạt nhân tạo sự chuyển biến cơ bản cho thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời là trung tâm công nghiệp, dịch vụ tài
chính, ngân hàng, du lịch, thương mại của vùng và cả nước.
Cũng theo đồng chí Lê Trung Kiên, 9 KCN đang hoạt động trong KKT Đình Vũ- Cát Hải đều là những KCN lớn nhất tại Hải Phòng hiện nay. Cùng với đó là các bến cảng nước sâu Lạch Huyện, trong đó các bến 1,2 đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ mấy năm nay; các bến số 3,4,5,6 đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thành trong năm 2025; bến số 7,8 đã được cấp phép đầu tư và có nhiều nhà đầu tư lớn khác đang đề xuất được xây dựng các bến tiếp theo. Trong KKT Đình Vũ- Cát Hải còn có Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, biểu tượng phát triển mới và niềm tự hào của công nghiệp Hải Phòng và cả nước với các sản phẩm xe ô tô mang thương hiệu Việt Nam, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, cụ thể là thị trường khó tính như Hoa Kỳ.
Như vậy, công nghiệp Hải Phòng đã có sự phát triển đúng hướng. Từ những bước đi chập chững ban đầu, sau hơn 30 năm, Hải Phòng có 14 KCN và 5 CCN đang hoạt động, là trọng điểm trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Hơn thế nữa, còn có sự gắn kết chặt chẽ giữa KKT Đình Vũ- Cát Hải với các KCN, các dự án phát triển công nghiệp, cảng biển, tạo thành thế liên hoàn, thành sức mạnh tổng hợp, góp phần đưa Hải Phòng cất cánh./.
(Còn tiếp)
Nguồn: Báo An ninh Hải Phòng