Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng: Kết nối doanh nghiệp để cùng phát triển

Các doanh nghiệp phụ trợ của Hải Phòng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp FDI dưới sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Trong quá trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) tại Hải Phòng, các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố. Tuy nhiên, mong muốn khi thu hút FDI sẽ tạo ra mối liên kết bền chặt, hỗ trợ khối doanh nghiệp trong nước cùng phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chưa có sự kết nối với doanh nghiệp FDI

Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, hiệncác khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) của thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, cũng như tạo ra những tác động lan tỏa khác như: Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,2 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (khoảng 7,6 tỷ USD) và nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD của Regina Miracle International, Pegatron, Bridgestone…

Mặc dù kết quả thu hút đầu tư luôn ở tốp đầu cả nước, lại trong bối cảnh Chính phủ cũng có những chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tại Hải Phòng còn khá rời rạc, chưa tạo thành mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ nhằm xây dựng nền sản xuất bền vững. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các doanh nghiệp FDI còn thấp, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo các chuyên gia phân tích, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước là vừa và nhỏ nên yếu về vốn và thiếu công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức, quản lý, sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu nguồn lực để đổi mới, lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về quy mô, trình độ, công nghệ và sản phẩm…, khó có thể cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI, nên chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Hợp tác để cùng nhau phát triển

Để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, đồng thời thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng với vai trò kết nối, dẫn dắt đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để các doanh nghiệp đến gần nhau hơn, cùng hợp tác và phát triển.

Mới đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức triển lãm và diễn đàn kết nối doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp phụ trợ trong nước, các trường đại học. Cũng chính tại chương trình, 7 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp phụ trợ của Hải Phòng và doanh nghiệp FDI đã được ký kết. Đây là tín hiệu vui, là động lực để các doanh nghiệp Hải Phòng tiếp tục nỗ lực vươn lên, đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp FDI và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu tại diễn đàn, Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng cho biết, đưa nội địa hóa vào quy trình sản xuất là vấn đề được các doanh nghiệp Hàn Quốc trong các KCN của Hải Phòng rất quan tâm. Tuy nhiên, để “gặp được nhau”, các doanh nghiệp cần có sự hiểu biết về năng lực và nhu cầu của nhau, phải đáp ứng được các yêu cầu của nhau, nhất là về chất lượng, khả năng cung ứng. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành quản lý, đặc biệt là các chính sách, cơ chế hỗ trợ của Hải Phòng và Việt Nam sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình này.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng thông tin, mục tiêu đề ra là “trong doanh nghiệp FDI có doanh nghiệp Hải Phòng và trong doanh nghiệp Hải Phòng không thể thiếu doanh nghiệp FDI”, tạo nên sự cộng sinh, cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng thành công. Bởi vậy, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng luôn đau đáu thực hiện các ý tưởng kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp phụ trợ trong nước. Các hoạt động như tổ chức diễn đàn, triển lãm kết nối mới chỉ là khởi đầu. Sắp tới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối, hợp tác, coi đây là một trong những lợi thế của Hải Phòng trong thu hút đầu tư…Từ đó tổng kết, đánh giá, đề xuất cơ chế chính sách để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa, đồng hành với các doanh nghiệp để cùng mang lại thành công và hiệu quả./.

Nguồn: baohaiphong.com.vn