“Quả ngọt” của sự sáng tạo

2020_11_09_1.jpg

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện

(HPĐT)- Việc lần đầu một công trình tại Việt Nam nhận giải thưởng danh giá về xây dựng của Nhật Bản được báo chí đồng loạt đưa tin: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện được trao giải “Công nghệ sáng tạo” (Innovative Technique Award) của Hiệp hội Xây dựng Nhật Bản (JSCE).

Sở dĩ sự kiện thu hút sự quan tâm của báo chí bởi Innovative Technique Award là một giải thưởng lâu đời và uy tín của JSCE. Giải thưởng này được trao từ năm 1920 dành cho những thành tựu, đóng góp nổi bật của các dự án xây dựng, trong đó đề cao yếu tố công nghệ và giải pháp kỹ thuật có tính tiên phong, sáng tạo đem lại hiệu quả cao. Hơn nữa, yếu tố “lần đầu tại Việt Nam” có ý nghĩa hội nhập với xu hướng kinh tế sáng tạo của thế giới.

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là dự án thí điểm đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, sử dụng vốn vay ODA. Trong quá trình thực hiện dự án, các nhà thầu của 2 bên phối hợp ăn ý, hiệu quả, có những giải pháp sáng tạo từ thiết kế đến thi công các công trình tôn tạo bãi, xử lý nền đất yếu, nạo vét luồng, xây dựng cầu, bến…, xây dựng các công trình có quy mô lớn nhất Việt Nam như đê chắn sóng dài 3.230 m và đê chắn cát dài 7.600 m. Nhờ áp dụng công nghệ và các biện pháp tổ chức thi công tiên tiến, các nhà thầu rút ngắn thời gian thi công, bảo đảm chất lượng và an toàn trong quá trình thực hiện. Đây là căn cứ để JSCE xem xét trao giải.

Người Nhật Bản ngoài việc nổi tiếng về sự kỹ tính, cầu toàn, tinh thần trách nhiệm, còn rất đề cao sự thông minh, óc sáng tạo, tính tiên phong. Những yếu tố đó hiện diện trong hầu khắp các sản phẩm, hàng hóa, công trình của quốc gia có công nghệ phát triển hàng đầu thế giới này. Vì vậy, việc công trình Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được trao giải thưởng của đất nước nổi tiếng là “khó tính” như vậy, bên cạnh ý nghĩa như một chứng chỉ uy tín cao về chất lượng sản phẩm, còn có tác dụng động viên, khích lệ các nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, thậm chí các kỹ sư, công nhân tìm tòi, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong từng công việc, dự án.

Một điều thú vị là công trình đoạt giải được thực hiện ở thành phố Hải Phòng, một trong những địa phương có truyền thống “năng độngsáng tạo”. Không phải ngẫu nhiên Hải Phòng được giới đầu tư Nhật Bản “để ý”. Còn nhớ, năm 1992, khi đầu tư FDI còn khá mới mẻ ở Việt Nam, thành phố Cảng chính là nơi tiên phong mời gọi và thực hiện thí điểm thành công mô hình Khu công nghiệp (KCN) liên doanh Việt-Nhật với thành quả hợp tác là KCN kiểu mẫu Nomura-Hải Phòng. “Trái ngọt đầu cành” ấy là tiền đề “để đàn chim” Nhật Bản tin rằng Hải Phòng chính là “đất lành” nên tấp nập rủ nhau tìm “đậu”. Bằng chứng là đến nay, Nhật Bản là quốc gia có số dự án FDI nhiều nhất và số vốn lớn thứ hai tại thành phố Hoa Phượng đỏ. Và có lẽ, bên cạnh lợi thế về địa lý, hạ tầng, chi phí sản xuất…, chính con người, văn hóa Hải Phòng với tính cách cởi mở, ưa đổi mới, thích sáng tạo là những yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, làm ăn.

Nguồn: https://haiphong.gov.vn