Trước yêu cầu cấp thiết về phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thu hút đầu tư và hội nhập ngày càng sâu rộng, ngày 11/4/2025, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng phối hợp với Sở Nội vụ Hải Phòng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Đây cũng là nội dung trọng tâm được báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2021–2024”.
Tổ công tác số 1 của Đoàn giám sát làm việc tại Sở Nội vụ.
Tổ công tác số 2 của Đoàn giám sát làm việc tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, đến nay thành phố đã thành lập 14 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế với tổng diện tích trên 22.500 ha. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với cảng biển, sân bay, đường cao tốc và các trung tâm công nghiệp trọng điểm khu vực Bắc Bộ. Hải Phòng hiện là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo, điện tử, logistics và công nghiệp công nghệ cao. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN, KKT là hơn 770 doanh nghiệp, trong đó có trên 600 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ USD.
Nguồn lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện lên tới hơn 210.000 người, trong đó lực lượng lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 70%, và tỉ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lao động kỹ thuật cao, cán bộ quản lý, chuyên gia trình độ cao vẫn còn hạn chế so với yêu cầu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động chất lượng cao phục vụ các dây chuyền sản xuất hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại cuộc làm việc.
Trước thực tế đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế và Sở Nội vụ đã đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo; tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động; triển khai chính sách hỗ trợ học phí, học bổng, thực tập và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; ký kết biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng lớn trong cả nước. Đáng chú ý, hàng năm có hơn 30.000 lượt lao động trong các KCN, KKT được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề. Nhiều doanh nghiệp FDI đã chủ động đào tạo nội bộ, bổ nhiệm người lao động Việt Nam vào các vị trí quản lý, thậm chí đại diện pháp luật tại Việt Nam.
Song song với đào tạo, thành phố cũng triển khai mạnh mẽ các chính sách an sinh như phát triển nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn, chương trình “Mỗi công nhân một mái ấm”. Ban Quản lý phối hợp cùng các đơn vị xây dựng các thiết chế phục vụ đời sống công nhân và chuyên gia nước ngoài, đảm bảo môi trường làm việc, sinh hoạt văn minh, hiện đại và an toàn.
Trong nội bộ cơ quan nhà nước, Ban Quản lý Khu Kinh tế cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ công chức, viên chức tại Ban có trình độ chuyên môn cao, với nhiều cán bộ có từ hai bằng đại học trở lên. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện bài bản, minh bạch. Việc sử dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xử lý công vụ được đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu 100% cán bộ làm việc trên môi trường mạng từ tháng 6/2025.
Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội chủ trì giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng.
Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, đại diện Ban Quản lý nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc vào các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, từ đó tạo sức ép tích cực để nâng tầm nguồn nhân lực. Ban cũng đề nghị thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo nghề, mở rộng đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐND, đồng thời kêu gọi thêm các doanh nghiệp lớn đầu tư trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để phát triển nhân lực chuyên sâu.
Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác đào tạo, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, bền vững của cả nước.
Trung tâm Dịch vụ việc làm – Đào tạo – Xúc tiến đầu tư