Kết nối doanh nghiệp đầu tư tại Hải Phòng: Thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm

(HPĐT)- Với 985 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, Hải Phòng là điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước và là điểm đến được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Song, để thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm doanh nghiệp FDI, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn thành phố.

Dây chuyền sản xuất của Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Ảnh: LÊ HIỆP

Mong có thêm nhiều cơ hội kết nối 

Tham dự hội nghị kết nối đầu tư kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong tháng 4 vừa qua, ông Wang Xin Ping, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Lucky HongKong (Trung Quốc) đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, nhất là hoạt động kết nối đầu tư kinh doanh đối với các doanh nghiệp. Ông Wang Xin Ping mong nuốn thành phố Hải Phòng sẽ tổ chức nhiều hơn những hội nghị xúc tiến đầu tư để doanh nghiệp có cơ hội được tìm hiểu và tiến hành đầu tư tại thành phố. Còn theo ông Xu Cheng Wei, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Aroma Bay Candles, thành phố chú trọng hoạt động kết nối đầu tư – kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Hải Phòng, hơn 16 năm nay, chúng tôi muốn tìm cơ hội kết nối đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nguyên vật liệu và một số lĩnh vực khác để giảm chi phí đầu vào. Do đó, tôi mong được tham gia nhiều hội nghị kết nối đầu tư hoặc các chương trình tương tự để được gặp gỡ, trao đổi với các đối tác; hoặc thành phố hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư” – ông Xu Cheng Wei thông tin.

Không riêng hai doanh nghiệp nêu trên, qua tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Thường trực Thành ủy với doanh nghiệp FDI vừa qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm cơ hội kết nối đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng, giáo dục đào tạo và cung ứng các nguồn lao động, dịch vụ vận tải – logistics, dịch vụ gia công chính xác cơ khí, xây dựng và cung cấp dịch vụ lưu trú cho chuyên gia, người lao động. Doanh nghiệp mong muốn thành phố tạo điều kiện cũng như có giải pháp giúp doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp trong nước về các lĩnh vực trên. Điều này góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp nước ngoài, bảo đảm chuỗi cung ứng được ổn định, lượng công nhân, lao động có tay nghề cao luôn duy trì để hoàn thành công việc, cuộc sống của người lao động cũng như các chuyên gia được bảo đảm.

Đa dạng hóa hình thức kết nối 

Thực tế thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước trên địa bàn thành phố. Các hoạt động này được cộng đồng doanh nghiệp FDI và trong nước đánh giá cao, trong đó có các hoạt động kết nối của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư…Tuy vậy, từ hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, tính liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các nhà cung ứng, các đối tác trong nước còn chưa đáp ứng kỳ vọng; tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; hình thành các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ còn khá hạn chế.

Trước thực tế trên cũng như đề xuất của các doanh nghiệp, thành phố chỉ đạo sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường hoạt động kết nối đầu tư kinh doanh trên địa bàn, trong đó, kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm doanh nghiệp FDI và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp FDI, lãnh đạo thành phố khẳng định thành phố sẽ quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp FDI thực hiện tốt việc xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giá trị sản phẩm sản xuất tại thành phố; liên kết, hợp tác, đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo của thành phố… Cụ thể hóa chỉ đạo của thành phố, các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể. Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Hải Yến, Sở tiếp tục phối hợp sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức hoạt động kết nối trên cơ sở nhu cầu, đăng ký của các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực. Thông tin từ Sở Công Thương, 9 tháng năm 2024, Sở tổ chức trên 10 chương trình kết nối, xúc tiến thương mại kết hợp xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Đối với kết nối trong lĩnh vực công nghiệp, logistics, trên địa bàn thành phố có Hiệp hội logistics Hải Phòng, Hiệp hội Hỗ trợ phát triển công nghiệp thành phố Hải Phòng, Hội Cơ khí Hải Phòng…, doanh nghiệp có thể lựa chọn tham gia thành viên các hiệp hội trên để cập nhật thông tin, giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính chủ động, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các sở, ngành để có thông tin kịp thời về các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại.

Nguồn: Báo Hải Phòng