Những ngày cuối tháng 7 năm 2023, VinFast chính thức khởi công nhà máy sản xuất ô tô tại Tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ). Đây không chỉ là thành công của VinFast mà còn là niềm tự hào của ngành công nghiệp Hải Phòng, đánh dấu sự tăng tốc và bứt phá mới rất đáng kinh ngạc.
Tiến ra thế giới
Nhà máy của VinFast đặt tại hạt Chatham, Bắc Carolina (Mỹ) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, quy mô 733 ha, gồm 5 phân khu, xưởng sản xuất chính: hàn thân vỏ, lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng. Trong khuôn viên nhà máy cũng có các công trình chức năng như khu tập trung rác thải, nhà máy bơm, bảo vệ… Nhà máy sẽ sản xuất ba dòng xe điện gồm VF 7, VF 8 và VF 9, cung ứng cho thị trường Bắc Mỹ, công suất dự kiến 150 nghìn xe mỗi năm. Nhà máy sản xuất xe điện VinFast dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2025, được kỳ vọng tạo ra hệ sinh thái các nhà cung cấp và hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế của bang Bắc Carolina.
Ngoài VinFast, công nghiệp Hải Phòng liên tục có các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới và trong nước thực hiện các dự án công nghệ cao. Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, những năm gần đây, các dự án FDI đầu tư vào Hải Phòng đang được chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn LG (9,24 tỷ USD), Tập đoàn Bridgestone- Nhật Bản (1,22 tỷ USD); Tập đoàn Regina MiracleHồng Kông (1 tỷ USD)… Cùng với đó, tỷ trọng thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics cũng càng ngày được nâng cao: năm 2021 đạt 83,3%, năm 2022 đạt 81,8%, lũy kế đạt 73,3%. Trong đó chế tạo ô tô – xe máy; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác: 12,6 tỷ USD (34%); Điện tử: 10,8 tỷ USD (30%); Logistics, cảng biển, kinh doanh cơ sở hạ tầng: 5,2 tỷ USD (14%)…
Với lịch sử phát triển hàng trăm năm, ngành công nghiệp của Hải Phòng cũng có nhiều doanh nghiệp không hề kém cạnh trong cuộc đua tiến tới công nghiệp công nghệ cao. Công ty xi măng Hải Phòng, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Phòng, Công ty CP Sơn Hải Phòng, Công ty TNHH Vico, May Hai… liên tục đổi mới công nghệ, thiết bị, đưa ra thị trường những sản phẩm với chất lượng cao nhất và thân thiện với môi trường. Rõ ràng, công nghiệp Hải Phòng đang thể hiện nhiều khí sắc mới vững bền và hiệu quả hơn.
Theo số liệu của ngành Công Thương, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2023 của Hải Phòng ước tính tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13,45%, ngành khai khoáng tăng 41,41% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ vai trò, vị thế trung tâm công nghiệp
Những kết quả trên cho thấy Hải Phòng có sự chuẩn bị khá kỹ càng và sẵn sàng đón nhận công nghệ 4.0 từ nhiều năm trước. Thành phố có những quan điểm rõ ràng trong quy hoạch, thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và từ chối nhiều dự án trị giá vài trăm triệu USD vì không đáp ứng công nghệ cao, công nghệ sạch. Đồng thời, thành phố xây dựng danh mục các dự án, ngành nghề khuyến khích hoặc không khuyến khích đầu tư. Cũng nhờ các nhà máy công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều tại thành phố mà năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp có bước tiến nhảy vọt.
Một tin vui với công nghiệp Hải Phòng là cuối tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Điều chỉnh Quy hoạch chung được phê duyệt tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển của Hải Phòng do phải chờ đợi từ nhiều năm nay. Ngay sau khi quy hoạch được công bố, các chủ đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hối hả vào cuộc để hoàn tất các công việc chuẩn bị thành lập khu công nghiệp mới. Đó là Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 tại huyện An Lão với hơn 600 ha đất sẽ được thúc đẩy khẩn trương hơn; các bến cảng nước sâu cũng được thực hiện gấp rút hơn…
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóahiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 47- 49% năm 2025 và 53-55% năm 2030. Với VinFast và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài có mặt tại Hải Phòng cùng hàng loạt dự án đầu tư mới sẽ vào thành phố thời gian tới, Hải Phòng tự tin sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra, đi đầu cả nước trong phát triển công nghiệp 4.0, đồng thời có những sản phẩm chế biến, chế tạo vươn tầm thế giới.
Tác giả: Lê Hiệp
Nguồn: Baohaiphong.com.vn