Bài 2: Xứng danh ngành kinh tế chủ lực Với tất cả các ưu thế cả về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; quan điểm phát triển công nghiệp đúng hướng của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và truyền thống, nền tảng, liên tục bứt phá đi lên, công nghiệp Hải Phòng có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố, xứng danh ngành kinh tế chủ lực. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH- HĐH thành phố và đất nước.
Rõ vai trò, vị thế trung tâm công nghiệp
Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh một điểm sáng rất ấn tượng của Hải Phòng là tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong GRDP tăng từ 47,17% năm 2019 lên 53,34% năm 2023, là động lực tăng trưởng quan trọng của thành phố.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu thăm nhà máy của Công ty LG Electronics tại Hải Phòng
Đáng chú ý, giai đoạn 2019-2023, công nghiệp thành phố phát triển mạnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường; đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế với tốc độ sản xuất công nghiệp trung bình tăng nhanh. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đều tăng cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Trong đó năm 2019 tăng 24,29%; năm 2020 tăng 14,58%; năm 2021 tăng 18,15%; năm 2022 tăng 14,56%; năm 2023 tăng 13,16%, đứng thứ 9 cả nước và thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng; 8 tháng năm 2024 cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng, đạt 15,14%. Tính chung cả giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng bình quân của công nghiệp Hải Phòng đạt 16,85%, gấp 3,27 lần so với bình quân cả nước (5,16% năm), đứng đầu và gấp 1,87 lần bình quân vùng đồng bằng sông Hồng (9,01%/năm).
Đến năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố (theo giá hiện hành) đạt 871.253 tỷ đồng, gấp 2,42 lần năm 2018; giá trị tăng thêm công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 195.137,3 tỷ đồng, gấp 2,34 lần năm 2018.
Sản xuất tủ lạnh tại Công ty LG Eletronics
Cơ cấu ngành công nghiệp phát triển theo hướng gia tăng giá trị và mức độ thông minh, hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 43% năm 2018 lên 60,6% vào năm 2023, giảm tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp. Trong đó,ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học phát triển mạnh. Giai đoạn 2019-2023 đạt tốc độ tăng trưởng 31,2%/năm, đến năm 2023 đạt 487.939,60 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010) chiếm tỷ trọng 57,4% so với toàn ngành. Sản phẩm chủ yếu là ti vi, điện thoại thông minh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, thiết bị nghe nhìn ô tô; bảng vi mạch điện tử, bo mạch điện tử, linh phụ kiện cho các sản phẩm điện tử, điện thoại di động; linh phụ kiện máy in laser, máy photocopy, kỹ thuật số…
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, những năm gần đây, các dự án FDI đầu tư vào Hải Phòng đang được chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn LG (9,24 tỷ USD), Tập đoàn Bridgestone- Nhật Bản (1,22 tỷ USD); Tập đoàn Regina MiracleHồng Kông (1 tỷ USD)… Cùng với đó, tỷ trọng thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics cũng càng ngày được nâng cao: năm 2021 đạt 83,3%, năm 2022 và 2023 đạt hơn 81,8%… Trong đó, chế tạo ô tô – xe máy; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác: 12,6 tỷ USD (34%); điện tử: 10,8 tỷ USD (30%); logistics, cảng biển, kinh doanh cơ sở hạ tầng: 5,2 tỷ USD (14%)…
Với lịch sử phát triển hàng trăm năm, ngành công nghiệp của Hải Phòng cũng có nhiều doanh nghiệp không hề kém cạnh trong cuộc đua tiến tới công nghiệp công nghệ cao. Công ty xi măng VICEM Hải Phòng, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Phòng, Công ty CP Sơn Hải Phòng, Công ty TNHH Vico, May Hai… liên tục đổi mới công nghệ, thiết bị, đưa ra thị trường những sản phẩm với chất lượng cao nhất và thân thiện với môi trường. Rõ ràng, công nghiệp Hải Phòng đang thể hiện nhiều khí sắc mới vững bền và hiệu quả hơn.
KKT Đình Vũ- Cát Hải với diện tích 22.540ha và nhiều chính sách ưu đãi tạo cú hích thúc đẩy phát triển các KCN và thu hút đầu tư của Hải Phòng
Đáng chú ý, Khu kinh tế (KKT) Đình Vũ – Cát Hải với diện tích 22.540 ha và 14 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 6.131,36 hatiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 65%, suất đầu tư trung bình đạt gần 11 triệu USD/ha bằng 2,2 lần so với trung bình cả nước (5,3 triệu USD/ha); đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố.
Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải đang trở thành khu kinh tế tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng; là động lực lôi kéo, thúc đẩy Hải Phòng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước. Ngoài các doanh nghiệp FDI, Hải Phòng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước tầm cỡ, nổi bật là Tập đoàn Vingroup với Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, được coi là biểu tượng phát triển mới của công nghiệp Hải Phòng, đi đầu trong sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam, hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trên thị trường nội địa; đã có sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ và một số nước khác…
Đến nay, các KCN, KKT thu hút 571 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 27,3 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 319.423 tỷ đồng (tương đương 13,7 tỷ USD). Hải Phòng thực sự trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.
Góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH- HĐH
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh, các KCN, KKT góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, XNK, nộp ngân sách của thành phố. Đến nay đã chiếm 82% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, gấp 19 lần năm 2013 và gấp 81 lần so với năm 2003. Đây cũng là nhân tố quan trọng để tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Hải Phòng luôn nằm trong top đầu cả nước, thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Các doanh nghiệp trong KCN chiếm tỷ trọng hơn 95% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, đứng thứ 5 cả nước, thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố trao giấy chứng nhận tăng vốn đầu tư trị giá 1 tỷ USD cho Công ty LG Innotek, nâng tổng số vốn đầu tư của công ty lên hơn 2 tỷ USD tại Hải Phòng
Sau 30 năm, các doanh nghiệp trong các KCN, KKT nộp ngân sách ước khoảng 83.916 tỷ đồng, chiếm 11,82% tổng thu ngân sách thành phố. Nổi bật nhất là giai đoạn 2020- 2023, số nộp ngân sách đạt 44.916 tỷ đồng, bằng 54% số nộp của 30 năm. KCN Đình Vũ đứng đầu về số nộp ngân sách. Tiếp theo là KCN Tràng Duệ; Nhật Bản- Hải Phòng; VSIP… Các KCN, KKT tạo việc làm cho gần 200.000 lao động với thu nhập bình quân 10,2 triệu đồng/tháng; số lao động qua đào tạo ngày càng tăng, đến nay đạt hơn 25%. Công tác bảo vệ môi trường trong các KCN ngày càng được quan tâm, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đề ra. Các KCN DEEP C và KCN nam cầu Kiền đã chuyển hướng phát triển KCN sinh thái.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cũng nêu rõ, sự phát triển của các KCN, KKT còn góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh quá trình CNH- HĐH thành phố. Đến nay, Hải Phòng có hệ thống đường bộ cao tốc khá hoàn chỉnh kết nối với muôn nơi; có hàng loạt các bến cảng nước sâu được xây dựng; có Cảng Hàng không quốc tế cùng hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa dần hoàn thiện. Cùng với đó là hạ tầng viễn thông; năng lượng ngày càng đồng bộ, hiện đại. Công cuộc chuyển đổi số được thành phố quan tâm hỗ trợ đắc lực cho nhà đầu tư.
Đặc biệt gần đây, với sự quyết tâm, quyết liệt của thành phố, nhiều dự án nhà ở xã hội được thực hiện với quỹ nhà hàng chục nghìn căn hộ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của lao động trong các KCN, các nhà máy sản xuất công nghiệp. Trong đó, hàng loạt KCN đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như KCN Tràng Duệ; khu nhà ở công nhân Công ty Pegatron và mới đây là 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ các KCN tại huyện Cát Hải và quận Hải An với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu thăm, tặng quà cán bộ, công nhân xây dựng Khu nhà ở công nhân Pegatron
Ngoài ra, các thiết chế văn hóa, thể thao tại các KCN cũng được quan tâm đầu tư. Tất cả những điều đó không chỉ làm tăng thêm giá trị, tăng sức hấp dẫn cho các KCN, KKT mà còn tác động trở lại tới sự phát triển KTXH, quá trình đô thị hóa; gia tăng dân số cơ học của thành phố, một trong những yếu tố, động lực của sự phát triển.
Kết quả 30 năm phát triển các KCN, KKT với những con số biết nói như trên thể hiện rõ nét dấu ấn của sự đổi mới tư duy, nhận thức và tầm nhìn, hành động của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng. Mỗi KCN được đầu tư xây dựng là kết quả của cả một quá trình với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sự đồng thuận, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao, từ định hướng phát triển, quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN; GPMB; thực hiện các dự án hạ tầng kết nối… Việc thành lập KKT Đình Vũ- Cát Hải và hoàn thiện cầu Tân Vũ- Lạch Huyện; xây dựng các bến cảng nước sâu khiến Cát Hải trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của Hải Phòng. Cùng với đó, với việc đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đưa KCN Tràng Duệ nằm trong KKT Đình Vũ- Cát Hải tạo cú hích đột phá trong thu hút đầu tư của Hải Phòng mà điển hình là các dự án của Tập đoàn LG.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư của Hải Phòng có sự đổi mới và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều năm liền, thành phố chọn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nội dung chủ yếu của chủ đề năm. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất thành phố trực tiếp xúc tiến đầu tư tại chỗ và ở nước ngoài. Nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD được triển khai nhanh chóng; hàng loạt dự án tăng vốn, đầu tư mở rộng, nâng công suất tại các KCN Hải Phòng là kết quả của các chuyến xúc tiến đầu tư, gặp gỡ từng nhà đầu tư nước ngoài của lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Cùng với đó, các ngành, các cấp, các địa phương cùng chung tay tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhất là công tác GPMB; cung cung cấp các dịch vụ thiết yếu… Từ đó, tăng sức hấp dẫn đặc biệt đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp tại Hải Phòng.
(Còn tiếp)
Nguồn: Báo An ninh Hải Phòng