Xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng: Mở rộng không gian phát triển nhanh, bền vững

Thành phố vừa hoàn thành đề án, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương thành lập Khu kinh tế (KKT) phía Nam Hải Phòng, với sân bay quốc tế Tiên Lãng, cảng biển nước sâu Nam Đồ Sơn, đặc biệt là đề xuất táo bạo về khu thương mại tự do. Nhằm tạo lập không gian rộng lớn mới cho phát triển nhanh và bền vững, những đề xuất trên cơ sở, luận cứ từ thực tiễn phát triển của thành phố thể hiện sự chủ động, sẵn sàng tâm thế để đón “làn sóng” chuyển dịch đầu tư, nhất là với những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ toàn cầu. KKT phía Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng để Hải Phòng hiện thực hóa các mục tiêu theo định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng (Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải) nhìn từ trên cao.

PHẦN I: Bài học thành công từ Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải

Hiệu quả đứng đầu cả nước

Được thành lập năm 2008 theo Quyết định số 06/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, KKT Đình Vũ – Cát Hải trở thành một động lực tăng trưởng to lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy Hải Phòng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ những chủ trương đúng đắn, KKT Đình Vũ – Cát Hải sau 16 năm thành lập phát triển sôi động, hiệu quả đứng đầu cả nước. Theo quy hoạch, cả nước có 19 KKT, diện tích khoảng 871.500 ha, trong đó 18 KKT đã thành lập, có tỷ lệ lấp đầy đạt trung bình khoảng 40%. Tỷ lệ này tại các khu công nghiệp trong KKT Đình Vũ – Cát Hải đến nay đạt hơn 65%, riêng với các KCN đã hoàn thiện hạ tầng lên đến hơn 80%, đặc biệt KCN Tràng Duệ và KCN MP Đình Vũ đạt 100%.

Lũy kế đến nay, KKT Đình Vũ – Cát Hải thu hút đầu tư đạt hơn 19,7 tỷ USD, với hơn 300 dự án. Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, tính đến năm 2023, hiệu quả thu hút vốn đầu tư của KKT Đình Vũ – Cát Hải đạt 1,81 triệu USD/ha, cao nhất cả nước và gấp 2,24 lần so với KKT Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh- KKT đứng thứ 2 cả nước về mặt này. Hầu hết KKT ven biển chỉ đạt tỷ trọng đóng góp từ 5-7% ngân sách địa phương, nhưng KKT Đình Vũ-Cát Hải đạt hiệu suất thu ngân sách đứng đầu, có tỷ lệ đóng góp ngân sách từ khi thành lập đạt 11,82%. Riêng 3 năm 2021-2023, tỷ lệ này đạt 14,54%, dự kiến những năm tới càng tăng do ưu đãi về tài chính ngày càng giảm qua thời gian hoạt động. KKT cũng có mức độ hấp dẫn, thu hút lực lượng lao động lớn nhấthơn 185 nghìn người, với mức thu nhập cao nhất, đạt trung bình 11,5 triệu đồng/người/tháng.

KKT Đình Vũ – Cát Hải thực sự trở thành động lực tăng trưởng lớn, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và sự phát triển bứt phá của thành phố. Đây là điều người dân thành phố đều cảm nhận rõ. Minh chứng, đảo Cát Hải nằm trọn trong KKT Đình Vũ – Cát Hải, trước năm 2014 là địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn với ngành nghề chính là nuôi trồng thủy sản và khai thác hải sản gần bờ. Đến nay, với tốc độ phát triển vượt nhiều chỉ tiêu quy hoạch, đảo Cát Hải trở thành khu vực phát triển công nghiệp trọng điểm và logistics lớn nhất thành phố. Tại KKT Đình Vũ – Cát Hải có sự hiện diện của những nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như các dự án của Tập đoàn LG (hơn 8,2 tỷ USD); Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast (khoảng 7,6 tỷ USD), các nhà máy Bridgestone (1,2 tỷ USD), Regina Miracle International (1 tỷ USD), Pegatron (gần 900 triệu USD)… KKT Đình Vũ – Cát Hải hoạt động sôi động, hiệu quả cao, có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư cũng bởi lợi thế riêng có, hội đủ 5 loại hình giao thông, kết nối thuận lợi không chỉ mang tính liên vùng mà cả trong khu vực, quốc tế với cảng nước sâu tại Lạch Huyện.

Xe ô tô điện được sản xuất trên dây chuyền tự động hoá cao với công nghệ hàng đầu thế giới tại Nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng (Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải).

Tại cuộc làm việc của Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14 của Đảng với Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện đánh giá: Hải Phòng là nơi khởi nguồn của nhiều tư tưởng đổi mới. Trong thực tiễn gần 40 năm đổi mới của đất nước, ở nhiều giai đoạn, Hải Phòng luôn nỗ lực tìm kiếm những tư duy mới, cách làm mới để có được sự phát triển bứt phá. Hải Phòng cũng đã chứng minh được luận điểm rất quan trọng trong văn kiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, đó là thực hiện phát triển nhanh, bền vững. Thành phố luôn ý thức sâu sắc, nhận thức đầy đủ tiềm năng, lợi thế, vị trí địa lý riêng có để tận dụng cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Việc thành phố hoàn thành đề án, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương thành lập KKT phía Nam Hải Phòng với những đề xuất táo bạo về mô hình, cơ chế hoạt động để tạo không gian to lớn mới cho phát triển nhanh, bền vững là minh chứng khẳng định đánh giá trên. Khi được triển khai, KKT phía Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng để Hải Phòng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển thành phố theo định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Đổi mới tư duy phát triển, chủ động nắm bắt cơ hội

Theo đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp thành phố phát triển mạnh mẽ, bứt phá chính là sự đổi mới tư duy phát triển, mạnh dạn thí điểm mô hình mới, cách làm hiệu quả cao, chủ động đề xuất và triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế.

Sự phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải khẳng định chủ trương đúng đắn, sự năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động của lãnh đạo thành phố, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, để biến “không thành có”, kiến tạo những vùng bãi hoang, đầm lầy trở thành nơi hội tụ của nhiều dự án tầm cỡ “tỷ đô”. Thành công từ KKT Đình Vũ – Cát Hải là kết quả từ chủ trương đúng đắn, từ cơ sở lý luận gắn với thực tiễn để tận dụng tối đa lợi thế riêng có của Hải Phòng về cảng biển, về phát triển kinh tế biển, cũng là gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng – an ninh.

Đồng thời, từ thực tế phát triển KKT, để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, nhất là những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, thành phố luôn chủ động, có những quyết sách phù hợp với tâm thế sẵn sàng đón những cơ hội, “làn sóng” đầu tư lớn. Điển hình, lãnh đạo thành phố quyết tâm, thống nhất đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để điều chỉnh quy hoạch, đưa KCN Tràng Duệ vào KKT Đình Vũ- Cát Hải. Chính sự nhanh nhạy, chủ động, điều chỉnh kịp thời ranh giới KKT là tiền đề, “cú hích” quan trọng để Hải Phòng thu hút được những dự án “khủng” từ Hàn Quốc, như của Tập đoàn LG. Đến nay, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng. Sự điều chỉnh quy hoạch cũng là cơ sở để triển khai KCN, khu phi thuế quan và dịch vụ Xuân Cầu với diện tích hơn 700 ha, tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, được xem có ưu thế đặc biệt nổi trội để thu hút đầu tư.

Thực hiện Quyết định số 323 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa 16 thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ – Cát Hải đến năm 2045. Theo đó, KKT Đình Vũ- Cát Hải tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp và cần thiết, được xác định là trung tâm kinh tế biên, ̉ đa ngành, đa lĩnh vực của vùng Duyên hải Băc bô ́ ̣ và của cả nước; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Với động lực phát triển lớn từ KKT, Hải Phòng luôn duy trì vị trí trong nhóm đầu của cả nước thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; quá trình thu hút đầu tư có bước tiến mạnh cả về số lượng vốn và chất lượng, hiệu quả dự án. Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố luôn giữ mức cao, hơn 2 con số, đứng tốp đầu của cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.

 

PHẦN II: Cấp thiết hình thành khu kinh tế thứ hai

Từ thành công của KKT Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo, chủ động đề xuất Trung ương thành lập KKT ven biển phía Nam. Thành phố đang chạy đua cùng thời gian để sớm hình thành KKT thứ hai này, mở rộng dư địa phát triển bứt phá, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng và phát triển Hải Phòng và cả Vùng đồng bằng sông Hồng theo các Nghị quyết của Đảng.

Phù hợp định hướng, chiến lược quốc gia

Nghị quyết số 36- NQ/TW của Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra chủ trương lớn là đẩy mạnh hình thành các KKT ven biển, yêu cầu đổi mới tư duy và lựa chọn những mô hình KKT ven biển mới gắn với bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển KKT ven biển gắn với phát triển đô thị ven biển có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Một trong những nội dung của nhiệm vụ số 1 nêu tại Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “phát triển các KKT ven biển”. Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng”. Do đó, thành lập và phát triển KKT ven biển phía Nam bao gồm mô hình khu thương mại tự do là bước cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Nghị quyết 30, Nghị quyết 45 đặt ra đối với Hải Phòng. Thành lập KKT ven biển phía Nam là không gian phù hợp, khả thi để vận dụng các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới tại Hải Phòng.

Bên cạnh đó, việc phát triển KKT ven biển phía Nam hoàn toàn phù hợp với quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 368/QĐ-TTg và nằm trong danh mục dự kiến các dự án quan trọng của vùng được ưu tiên đầu tư. Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐTTg xác định rõ khâu đột phá về phát triển cảng biển và dịch vụ logistics là “thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới”. Về phương án phát triển khu vực có vai trò động lực, Quy hoạch xác định: “Tập trung nguồn lực phát triển các vùng có vai trò động lực. Hình thành không gian động lực dịch vụ, logistics mới tại khu vực Nam Đồ Sơn có hạ tầng đồng bộ gắn với sự hình thành của KKT ven biển”.

Phối cảnh quy hoạch Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Yêu cầu cấp thiết để đón bắt cơ hội kịp thời

Được định hướng rõ ràng, có cơ sở pháp lý chắc chắn, thành phố sẵn tâm thế chuẩn bị từ sớm và kỹ lưỡng nhất. Việc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam được Ban Thường vụ Thành ủy xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 15, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, động lực tăng trưởng chính của thành phố là KKT Đình Vũ – Cát Hải, nhưng hiện nay tỷ lệ lấp đầy gần 80%. Do đó, ngay tại thời điểm này, nhiệm vụ rất cấp thiết và cần thiết là phải khai thông động lực tăng trưởng mới, bảo đảm cho tương lai phát triển của thành phố trong 10, 15, 20 năm tới. Với tinh thần quyết liệt, nỗ lực cao nhất, tăng tốc, thành phố gấp rút hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam trình Trung ương xem xét, phê duyệt trong năm 2024.

Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế thành phố Hải Phòng Lê Trung Kiên phân tích thêm: 3 năm nay, thành phố chưa có thêm khu công nghiệp mới hình thành. Hiện, Khu công nghiệp Tiên Thanh còn chậm triển khai do vướng mắc về giải phóng mặt bằng; Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu mới được khởi công xây dựng. Trong khi do vị trí gần biển, KKT Đình Vũ – Cát Hải chưa phù hợp để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử. Việc sớm xây dựng KKT ven biển phía Nam là rất cần thiết để “chạy đua” đón “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về Hải Phòng. Bên cạnh đó, từ thành công của KKT Đình VũCát Hải, cũng đặt ra không ít yêu cầu, đòi hỏi mới trước những thách thức trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, thích ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. KKT Đình Vũ – Cát Hải phát triển trên cơ sở mô hình KKT thế hệ 1.0, khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào nguồn tài nguyên và vốn nên các dự án đầu tư chú trọng thâm dụng vốn, tài nguyên và lực lượng lao động. Để tập trung thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, phát triển bền vững đòi hỏi mô hình KKT thế hệ mới (3.0) cùng với những chính sách mở cửa cao nhất. Ngay tại châu Á, các quốc gia lân cận cũng đang triển khai mạnh mô hình KKT 3.0. Do đó, phát triển KKT mới tại Hải Phòng không chỉ là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn của riêng thành phố mà còn để góp phần duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia. Bởi, cách Hải Phòng chỉ khoảng 300 km, khu cảng thương mại tự do Hải Nam (Trung Quốc) đang được hình thành, với quy mô lớn nhất thế giới.

Với vị trí chiến lược, cửa ngõ ra biển của miền Bắc, Hải Phòng nằm trong vùng động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), thuộc hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình), giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Xây dựng KKT ven biển phía Nam không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện, nhất là tuyến đường cao tốc ven biển.

Phát triển KKT ven biển phía Nam là một trong những giải pháp chủ yếu giúp Hải Phòng thực hiện thành công các định hướng, nhiệm vụ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.

 

PHẦN III: Lợi thế so sánh vượt trội, động lực phát triển to lớn

Thành phố đặt mục tiêu xây dựng KKT ven biển phía Nam là KKT sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, là đầu mối để Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới; tăng cường củng cố quốc phòng- an ninh. Theo đề án, KKT thứ hai của thành phố sẽ có những lợi thế so sánh vượt trội, ưu thế cạnh tranh cao, từ đó phấn đấu đến năm 2030 trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố, tương đương với 80% năng lực KKT Đình Vũ – Cát Hải năm 2023.

Mô hình thế hệ mới nhiều ưu việt

Theo Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam, thành phố đề xuất lựa chọn mô hình KKT thế hệ 3.0. Đây là mô hình mới, kết hợp tính ưu việt của các mô hình 1.0 và 2.0 và bổ sung yếu tố phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Mô hình KKT 3.0 là xu thế phát triển tất yếu, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg.

Thực tế thành lập và phát triển các KKT tại Việt Nam cho thấy, trong 18 KKT được thành lập có 14 khu được thành lập trong giai đoạn 2003-2010, 4 khu được thành lập trong giai đoạn 2011-2020. Như vậy, phần lớn các KKT, trong đó có KKT Đình Vũ – Cát Hải được thành lập trước khi nước ta xác định các mục tiêu về tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính, do đó không có định hướng về đáp ứng các yêu cầu này. Việc tái định hướng phát triển KKT theo mô hình 3.0 sẽ nắm bắt cơ hội tốt từ tăng trưởng phát thải thấp và cách mạng công nghiệp 4.0. Thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng và định hướng phát triển theo mô hình thế hệ 3.0 sẽ cho hiệu quả cao về kinh tế- xã hội. KKT giữ vai trò quan trọng trong gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên – con người – xã hội, hình thành những khu công nghiệp với định hướng xanh, sinh thái, tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải thấp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.

Theo Ngân hàng Thế giới, mô hình KKT trên thế giới chuyển từ thế hệ 1.0 sang thế hệ 3.0 tiếp cận theo hướng hệ sinh thái tích hợp, toàn diện để tạo ra những giải pháp tổng hợp nhằm giải quyết các xu hướng toàn cầu về tăng trưởng carbon thấp, nắm bắt cơ hội từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Định hướng xanh, phát thải thấp nêu trong quyết định thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là tín hiệu để thu hút các tổ chức tài chính xanh, công ty đa quốc gia chú trọng phát thải thấp và tăng trưởng xanh, nắm bắt được cơ hội từ xu thế quốc tế mới mang lại.

Khu kinh tế ven biển phía Nam với cảng trung chuyển quốc tế Nam Đồ Sơn tạo động lực quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá. Trong ảnh: Các bến tại Cảng cửa ngõ quốc tế ở Lạch Huyện, Cát Hải. 

Lợi thế to lớn từ cảng Nam Đồ Sơn và khu thương mại tự do

Nghị quyết số 45, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Quy hoạch thành phố đều xác định Hải Phòng là “trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại” với hạt nhân là cảng biển cửa ngõ quốc tế. Khu vực Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn hiện trạng và quy hoạch đều là cảng cửa ngõ quốc tế. Trong đó, khu cảng biển tại Lạch Huyện đang phục vụ KKT Đình Vũ – Cát Hải. Theo quy hoạch, cảng Nam Đồ Sơn với quy mô cảng biển đặc biệt quốc gia duy nhất ở miền Bắc, có vị trí vượt đảo Hòn Dấu ra biển, có độ sâu và luồng, lạch thuận lợi để tiếp nhận các tàu tải trọng lớn, có chức năng trung chuyển container quốc tế. Đồng thời, cảng Nam Đồ Sơn được kết nối đa dạng với hệ thống giao thông quốc gia (đường cao tốc và đường sắt) giúp giải phóng hàng nhanh chóng.

Một phần không gian KKT ven biển phía Nam được sử dụng phát triển khu thương mại tự do. Đây là bước đột phá đối với Hải Phòng và cả nước để thí điểm những cơ chế, chính sách mở cửa mạnh mẽ. Khi đó, KKT ven biển phía Nam là nơi duy nhất tại Việt Nam tới nay triển khai những chính sách hội nhập cao, tạo lợi thế vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trong khu vực.

Khu thương mại tự do và cảng trung chuyển quốc tế Nam Đồ Sơn là nơi hội tụ của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn trong lĩnh vực logistics. Khi đó, trình độ Logistics tại khu thương mại tự do phát triển theo tiêu chuẩn của các tập đoàn, từ đó tạo sức ép hình thành liên kết ngược vào chuỗi logistics nội địa. Đây là cơ sở để ngành logistics Việt Nam từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động- điểm nghẽn đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của hàng hóa trong nước xuất khẩu ra thị trường thế giới. Như vậy, thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tạo lợi ích là động lực đổi mới ngành logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của quốc gia.

Vị trí kết nối sâu rộng, thuận tiện

Yếu tố số một quyết định thành công của KKT là vị trí của nó. KKT ven biển phía Nam có lợi thế so sánh đặc biệt về vị trí: “Mặt tiền” hướng biển, chủ chốt là cảng Nam Đồ Sơn; “hậu phương” vững chắc là vùng công nghiệp các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc. Đây được coi là lợi thế mang tính độc quyền của KKT ven biển phía Nam Hải Phòng. Ở mặt tiền ra biển, cụm cảng biển Hải Phòng, trong đó có cảng Nam Đồ Sơn nằm trên tuyến hàng hải và các tuyến hành lang kinh tế quốc tế.

Đặc trưng thành công của các đặc khu kinh tế là thúc đẩy nền kinh tế bản địa hội nhập với nền kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Cảng biển nước sâu là một trong những điều kiện cần thiết để nền kinh tế bản địa liên kết với các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Toàn bộ phạm vi quy hoạch vùng đất và vùng nước cảng Nam Đồ Sơn thuộc phạm vi KKT ven biển phía Nam Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng phục vụ “hậu phương” công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ven biển Bắc bộ và mở rộng ra toàn bộ miền Bắc (tính từ Bắc Trung bộ trở ra). Trong đó, chỉ tính riêng 11 tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng có quy mô GRDP, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng và kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng quan trọng với nền kinh tế cả nước.

Bên cạnh đó, tuyến đường ven biển đi xuyên tâm KKT ven biển phía Nam Hải Phòng đang dần hình thành. Đồng thời, tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng được quy hoạch hoàn thành trước năm 2030, giúp hàng hóa của các tỉnh Duyên hải Bắc bộ rút ngắn quãng đường kết nối và thuận lợi với cảng Nam Đồ Sơn. Trong xu thế phát triển nền kinh tế “mở”, không gian “hậu phương công nghiệp” của Hải Phòng còn có thể mở ra vùng Tây Nam Trung Quốc, trực tiếp là hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam khi Bộ Giao thôngVận tải đang xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng tuyến đường sắt mới Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh kết nối với Côn Minh, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Cùng với cảng biển, đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa, tại KKT ven biển phía Nam quy hoạch xây dựng cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng, công suất đạt 12 triệu hành khách/năm.

Với mô hình KKT thế hệ mới, cùng lợi thế tuyệt đối, vị trí “độc quyền”, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ thực sự là động lực quan trọng để thành phố Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra.

Báo Hải Phòng