Tập trung phát triển mạnh các khu công nghiệp

HỒNG THANH – ẢNH: DUY ĐỨC

Thành phố tập trung huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao.

Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên.

(HPĐT)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 nêu rõ: Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH); trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Thành phố đang tập trung huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, thành phố có thêm 15 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đạt các tiêu chuẩn hiện đại. Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, tiến trình xây dựng các khu công nghiệp (KCN) đang được thúc đẩy rất khẩn trương, góp phần đắc lực đưa Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố vào cuộc sống.

Thêm nhiều khu công nghiệp tầm cỡ

Tin vui đối với thành phố Hải Phòng và huyện An Lão là đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh địa giới hành chính Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải gắn với mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3. Theo đó, 687 ha thuộc 4 xã: An Tiến, Trường Thành, Trường Thọ, Bát Trang (huyện An Lão) được quy hoạch xây dựng KCN. Ngay sau đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế; Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn- Hải Phòng và huyện An Lão phối hợp rất chặt chẽ, cùng các ngành thành phố triển khai các bước xây dựng KCN. Hiện đã cơ bản hoàn thành việc khoanh vùng quy hoạch, rà soát diện tích và các loại đất đai phải giải phóng mặt bằng (GPMB); số hộ dân, các tổ chức phải di chuyển… Song song đó, chủ đầu tư có kế hoạch chi tiết và thực hiện khẩn trương các bước thủ tục để có mặt bằng tới đâu xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư tới đó.  Chủ đầu tư cam kết sẽ xây dựng KCN hiện đại, văn minh, thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao đồng thời có các khu tiện ích như: nhà ở công nhân, trung tâm thương mại, các công trình thiết chế văn hóa… Thành phố Hải Phòng, huyện An Lão đang đặt nhiều kỳ vọng vào KCN này bởi hứa hẹn mang lại những  lợi ích to lớn, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, thực hiện các mục tiêu xã hội của thành phố.

Có thể nói, đây là sự khởi đầu tốt đẹp cho kế hoạch xây dựng 15 KCN mới của thành phố trong giai đoạn 2021- 2025. Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, 15 KCN mới có tổng diện tích 6700 ha. Để so sánh, sau gần 30 năm, Hải Phòng hiện mới có 12 KCN, tổng diện tích chưa đầy 5000 ha. Đây là bước tiến rất lớn đồng thời cũng thể hiện rõ quyết tâm của Hải Phòng trên chặng đường CNH- HĐH.

Đáng mừng, các KCN mới nằm trong tiến trình xây dựng của Hải Phòng trong nhiệm kỳ này đều đã có lộ trình cụ thể. Theo đó, KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu tại khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có diện tích 752 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến sẽ tiến hành giao đất trong năm 2021. KCN nam Tràng Cát tại phường Tràng Cát diện tích hơn 200 ha quận Hải An và KCN Thủy Nguyên diện tích 319 ha đang báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Một số dự án phát triển KCN khác đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua và đang tiến hành các bước thủ tục tiếp theo, phấn đấu giao đất cho nhà đầu tư trong năm 2022 như: KCN Cầu Cựu, huyện An Lão rộng 105 ha; KCN Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng rộng 450 ha; KCN Giang Biên 2, huyện Vĩnh Bảo 350 ha; KCN An Hòa, huyện Vĩnh Bảo 200 ha; KCN An Hưng- Đại Bản, huyện An Dương 450 ha…  Ngoài ra, còn có một số dự án đang thực hiện các thủ tục về quy hoạch như: KCN Sao Mai, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng rộng 407 ha; KCN đóng tàu Vinh Quang, huyện Tiên Lãng rộng 600 ha; KCN Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo rộng 350 ha; KCN Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy 910 ha… Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, còn có một số dự án dự kiến sẽ triển khai trong các năm 2023- 2025 như: KCN đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải 250 ha; KCN Nam cầu Kiền giai đoạn 2, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên rộng 194 ha…

Như thế, có thể thấy, 15 KCN được xây dựng trong giai đoạn 2021- 2025 được xác định rất rõ, trong đó có nhiều KCN lớn được phê duyệt và đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, khẳng định tính khả thi. Quan trọng hơn, các KCN được xây dựng theo tiêu chí hiện đại, văn minh, do những nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm thực hiện, rõ thời gian giao đất, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Đây cũng là minh chứng rõ nhất về sức hấp dẫn của Hải Phòng cũng như sức “nóng” của bất động sản công nghiệp tại thành phố Cảng biển năng động nhất phía Bắc.

Mở nhiều cơ hội phát triển

Chủ trương phát triển các KCN mới của Hải Phòng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế dài hơi của thành phố nhưng cũng xuất phát từ hiệu quả to lớn của các KCN hiện hữu trong những năm qua.

Đến nay, Hải Phòng có 12 KCN đã hoạt động, bao gồm 8 KCN trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và 4 KCN nằm ngoài Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, thu hút 570 dự án trong và ngoài nước (403 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 17,1 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 145.885 tỷ đồng tương đương 6,2 tỷ USD). Đến năm 2020, các KCN, Khu kinh tế chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế thành phố. Nhờ có sự phát triển của KCN mà cơ cấu kinh tế của các huyện có sự chuyển dịch đáng kể, thu hút nhiều lao động địa phương với thu nhập ngày càng ổn định và tăng cao, góp phần đắc lực nâng cao mức sống người dân nông thôn, mang lại sự đổi thay toàn diện ở các vùng quê, thực hiện đúng mục tiêu “ly nông không ly hương”.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố chỉ rõ, 5 năm 2020- 2025, 3 trụ cột kinh tế  được xác định là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại theo tiến trình CNH-HĐH thành phố đã được Nghị quyết 45  của Bộ Chính trị đề ra. Ngành công nghiệp sẽ được cơ cấu lại theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp ô tô, chế tạo máy, điện tử- tin học và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao… Trong 5 năm của nhiệm kỳ này, phải phấn đấu để  chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 21,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt từ 41% đến 43%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2025 đạt từ 47% đến 49%. Để đạt được các mục tiêu đó, phát triển các KCN là một trong những yếu tố quyết định. Chỉ khi thành phố luôn sẵn sàng đất sạch mới có thể thu hút được những nhà đầu tư tiềm năng. Ban Quản  lý Khu Kinh tế Hải Phòng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các ngành thành phố; chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa; nỗ lực mời gọi và thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN cũng như các nhà đầu tư thứ cấp.

Với những việc làm thiết thực đó, Hải Phòng sẽ đạt mục tiêu xây dựng, phát triển 15 KCN trong nhiệm kỳ này; thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đề ra, góp phần đắc lực để tăng trưởng GRDP đạt bình quân tối thiểu 14,5%/năm, trong đó công nghiệp – xây dựng tăng 19,2%/năm; đưa tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2025 chiếm 6,4% GDP cả nước, 23,7% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; GRDP bình quân năm 2025 đạt 11.800 USD/người; xứng đáng với vị thế và vai trò động lực phát triển của Hải Phòng đối với cả vùng, cả nước.

Trong 5 năm, từ năm 2016 đến 2020, các KCN, KKT trên địa bàn thành phố đã đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước (thu xuất nhập khẩu  và thu nội địa) 31.769 tỷ đồng. Trong đó năm 2020, nộp ngân sách đạt 8.803 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm trước, đạt 107% kế hoạch. 5 tháng đầu năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp trong các KCN vẫn có mức tăng trưởng hơn 20% về doanh thu; kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 30%; nộp ngân sách tăng 10%. Các KCN đã tạo việc làm cho gần 160.000 lao động với mức thu nhập bình quân 10,5 triệu đồng/tháng./.

 

Nguồn: baohaiphong