Ảnh minh họa, nguồn: sưu tầm
Theo thống kê, 10 tháng năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài rót 25,76 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 14,7% so với cùng kỳ 2022. Là một địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI, Hải Phòng đóng góp 3,1 tỷ USD, chiếm gần 12% của cả nước. Trong xu thế cơ cấu lại, chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu để thích ứng với biến động về địa chính trị, địa kinh tế, Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng đang và sẽ có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới đầu tư, trước hết nhờ sự ổn định- cả về chính trị, kinh tế, an ninh, cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi. Như đại diện Tập đoàn SK (Hàn Quốc) cho biết, lý do khiến SK tin tưởng chọn đất Cảng để đặt dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao đầu tiên tại Đông Nam Á trị giá 500 triệu USD là “Hải Phòng có cơ sở hạ tầng hiện đại, có cơ chế thu hút đầu tư tốt”.
Đây là sự bứt phá ngoạn mục, khi nhìn lại chặng đường 35 năm “mở cửa” đón luồng vốn ngoại, với sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài 1987. Từ dự án đầu tiên năm 1988 với 2 triệu USD, đến hết năm 2022, Việt Nam thu hút 524 tỷ USD vốn đăng ký, hơn 36.000 dự án đang hoạt động với tổng vốn 441 tỷ USD. Tại Hải Phòng, đến hết tháng 10-2023, thành phố có 904 dự án FDI với tổng vốn gần 30 tỷ USD. Chỉ chiếm 3% tổng số doanh nghiệp, năm 2022 khối FDI tạo ra 19% GDP, cung cấp 35% số việc làm trong khu vực chính thức, chiếm 73,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thành công của thu hút FDI không chỉ ở đóng góp vào GDP, giúp Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế trên thị trường, mà còn mang đến nhiều kinh nghiệm, bài học quý về công nghệ, kinh nghiệm quản lý…
Bên cạnh đó, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn có những mặt còn hạn chế, lớn nhất là sự thiếu liên kết giữa khối FDI với doanh nghiệp nội và chuyển giao công nghệ chưa hiệu quả. Dù làm tốt việc thu hút đầu tư từ bên ngoài, nhưng vẫn chưa tạo được hiệu ứng từ đây để nâng cao nội lực doanh nghiệp Việt. Với 98% số doanh nghiệp nội có quy mô nhỏ và vừa, lại thiếu liên kết, nếu Nhà nước không có chính sách chủ động giúp doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng của khối FDI, mà để nhà đầu tư “tùy nghi”, thì trong “sân chơi” của các tập đoàn toàn cầu, sản xuất tại Việt Nam vẫn sẽ chủ yếu chỉ làm những khâu đơn giản, giá trị gia tăng thấp như lắp ráp sản phẩm. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư ngoại mong hợp tác doanh nghiệp nội đáp ứng yêu cầu cung ứng linh kiện, phụ tùng nhằm “nội địa hóa”, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh…, nhưng cũng khó tìm.
Là trọng điểm thu hút FDI, từ lâu Hải Phòng chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế, chú trọng thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ… Nhờ đó, phần lớn các dự án FDI trên địa bàn thành phố từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, vi mạch…, mang lại những hiệu quả kinh tế- xã hội to lớn. Tuy nhiên, cũng như cả nước, việc liên kết để lan tỏa hiệu quả này đến doanh nghiệp nội vẫn là điểm yếu, phần từ cơ chế, chính sách chung, phần do hạn chế của doanh nghiệp nội.
Vì thế, chặng đường sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh tinh thần “hợp tác” với FDI thay vì “thu hút” đơn thuần, đúng với định hướng tại Nghị quyết của Bộ Chính trị năm 2019 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong đó, việc “thiết kế lại” chính sách ưu đãi với nhà đầu tư FDI đang là cấp thiết, khi quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sắp có hiệu lực từ năm 2024, chấm dứt thời kỳ thu hút FDI bằng ưu đãi thuế phí “chạm đáy”. Chẳng hạn, nhà đầu tư FDI có tỷ lệ sử dụng nhà cung cấp Việt càng cao sẽ nhận được càng nhiều ưu đãi, cũng như đối với việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội…
Được biết, Quốc hội và Chính phủ đang xem xét những vấn đề liên quan. Trong kết luận về Hội nghị với Cộng đồng doanh nghiệp FDI vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại cam kết luôn đồng hành vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; đồng thời cũng yêu cầu doanh nghiệp FDI nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của doanh nghiệp Việt. Làm tốt sự hợp tác “cộng sinh” như vậy, khu vực FDI mới phát huy cao vai trò, xứng đáng là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển nhanh, bền vững cùng thành phố, đất nước./.
Nguồn: baohaiphong.com