Hội thảo “Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, đáp ứng nhu cầu đoàn viên, người lao động trong điều kiện mới”

Sáng 6/4, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, đáp ứng nhu cầu đoàn viên, người lao động trong điều kiện mới”. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, Đảng ủy Khu kinh tế Hải Phòng và lãnh đạo doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn một số doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, tập trung giải quyết các vấn đề: Nhận diện những cơ hội, thách thức và nhiệm vụ sắp tới của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phương pháp chỉ đạo hoạt động Công đoàn như thế nào để đảm bảo thực chất, hiệu quả, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, phát huy vai trò đại diện trong doanh nghiệp, từ đó tiếp tục thu hút người lao động tham gia Công đoàn, không để đoàn viên ra khỏi tổ chức của mình. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn để mỗi cán bộ công đoàn không chỉ làm tốt công tác vận động công nhân mà còn là chuyên gia về tư vấn, thương lượng, đối thoại và biết thích ứng trong mọi hoàn cảnh, đáp ứng sự tin cậy của công nhân lao động trong tình hình mới…

Đồng chí Đinh Thị Thúy Hà, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo.

Kết quả của Hội thảo sẽ là căn cứ để đề xuất, kiến nghị với Liên đoàn Lao động thành phố, Đảng ủy, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời gian tới.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, các cấp Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Các hoạt động Công đoàn Khu kinh tế đã tập trung nhiều hơn cho công tác chăm lo, đại diện với phương châm hướng về cơ sở, lấy đoàn viên làm trung tâm. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh. Quy chế dân chủ và đối thoại, thương lượng tập thể được thực hiện thực chất hơn. Đẩy mạnh việc hướng về cơ sở với hoạt động của các nhóm công nhân nhà trọ, trong đó nổi bật là đối thoại giữa công nhân lao động nhập cư với chính quyền địa phương nơi có đông công nhân lao động thuê trọ.

Đến nay, tỷ lệ đối thoại tại nơi làm việc 94,2%, có 233/294 doanh nghiệp đủ điều kiện ký thỏa ước lao động tập thể đạt 79,2%, trong đó có 2 thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp (loại A: 45,9%, loại B: 34.3%, loại C: 12.4%, loại D: 7,3%). Việc giám sát thực hiện chế độ chính sách có hiệu quả. Việc thanh toán lương, thưởng, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… cho người lao động đầy đủ, kịp thời. Công tác chăm lo được duy trì hiệu quả, bình quân mỗi năm trợ cấp, tặng quà Tết, vé xe cho 15.658 người lao động.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tiếp tục được đổi mới, đa dạng hoá, hàng năm có bình quân 41.580 lao động được tuyên truyền về pháp luật lao động, công đoàn, an toàn lao động, dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, HIV, phòng cháy chữa cháy… Phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy tính tích cực chủ động, năng động, sáng tạo của công nhân viên chức lao động, rèn luyện ý thức, tổ chức kỷ luật, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp; hàng năm có trên 50.000 sáng kiến cải tiến, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được giữ vững và phát triển. Công tác tài chính, tài sản công đoàn từng bước được hoàn thiện. Người lao động tin tưởng, gia nhập công đoàn với tỷ lệ khá cao, đạt 92,8%, còn lại là lao động thử việc, lao động thuê lại.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng.