Học tập, vận dụng nghệ thuật ngoại giao của Bác Hồ trong thu hút đầu tư tại Hải Phòng

Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của dân tộc luôn được ngợi ca là một nhà ngoại giao kiệt xuất, tài ba. Người đã để lại những di sản vô giá với cả một kho tàng tri thức, tư tưởng, phong cách, phương pháp, bài học vô cùng quý báu về hoạt động ngoại giao trong đó có việc sử dụng nhuần nhuyễn thuyết “ngũ tri”. Là điểm đến cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và đất nước, Hải Phòng đang sáng tạo phương châm “ngũ tri” của Người để đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư.

Bài học quý được kế thừa

“Ngũ tri” là triết lý lưu truyền lâu đời của phương Đông gồm có: tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri chỉ, tri biến. Những khái niệm này có thể hiểu một cách đơn giản là “năm cái biết”, bao gồm: biết mình, biết người, biết thời, biết dừng, biết biến.

Tiếp thu tinh hoa đó, trong các hoạt động ngoại giao, Bác Hồ kính yêu đã khai thác tài tình những khái niệm của người xưa với quan điểm xuyên suốt là: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì phải linh hoạt”. Người đã sử dụng phong cách ứng xử nhạy bén, đưa ra những đường lối sáng tạo theo từng đối tượng ngoại giao khác nhau, trong từng bối cảnh cụ thể của đất nước nhưng vẫn kiên trì chân lý độc lập, tự chủ dân tộc, kiên quyết bảo vệ lợi ích cho quốc gia. Song song với đó, việc cảm hóa và thuyết phục đối phương với phương pháp và phong cách mềm dẻo, khéo léo cũng được Người thực hiện hài hòa, lúc cương lúc nhu, khi tiến khi dừng phù hợp, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho đất nước.

Trong bài thơ “Học đánh cờ”, Bác viết: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”. Đây cũng là tư tưởng rất quan trọng trong các hoạt động đối ngoại khi phải biết mình, biết người, làm chủ mọi hoàn cảnh. Theo đó, chỉ khi biết mình đang có thuận lợi gì, gặp khó khăn gì thì việc phát huy cái mạnh, khắc phục cái yếu mới được thực hiện chính xác và hiệu quả, hạn chế tối đa lãng phí thời gian và nguồn lực. Ngược lại, biết người sẽ mang lại kết quả khi đánh giá toàn diện đối phương, hiểu rõ bản chất, hoàn cảnh, xu hướng của họ để tìm ra những đối sách phù hợp nhất, phương án hợp tác mềm dẻo, nhanh chóng và an toàn nhất. Trong các hoạt động ngoại giao năm xưa với các quốc gia lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm giữ thế chủ động vì Người hiểu rõ hơn hết, tình hình chính sự bấy giờ của mỗi nước và quan trọng là cả đặc điểm văn hóa, con người các quốc gia phương Tây.

Về hiểu rõ thời thế, Bác luôn dành sự quan tâm lớn tới xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt chú ý đến những sự kiện lớn đang diễn ra ở các nước, từ đó nhận định và đưa ra những hướng đi quan trọng cho cách mạng. Tiêu biểu có thể kể đến như khi cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga thành công, Người đã nhìn thấy tư tưởng Cộng sản sẽ được truyền đi khắp thế giới, nhận ra hướng đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và dân tộc ta đã giành được thắng lợi cuối cùng.

Về biết dừng, trên con đường đối ngoại và làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng sáng suốt đưa ra nhiều quyết định đầy tính chủ động và có ý nghĩa quan trọng. Hiệp định Sơ bộ với Pháp năm 1946 là một ví dụ điển hình. Đây có thể coi là một trong những văn bản song phương sớm nhất của nhà nước ta với nước ngoài. Khi đó, sau khi đánh giá toàn diện và kỹ lưỡng về lực lượng, thời cơ, tình thế của các bên, Người đã ra quyết định có tính chất “hòa để tiến”, hướng tới những mục tiêu lâu dài cho cách mạng.

Về biết biến, trong ngoại giao, Bác Hồ đã áp dụng thành công tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đề cao sự linh hoạt trong chiến lược cụ thể, kịp thời ứng phó với những thay đổi, không bó buộc cứng nhắc nhưng vẫn đảm bảo giữ vững nguyên tắc, kiên định với mục tiêu cuối cùng.

Tập đoàn SK khởi công dự án đầu tư tại Hải Phòng ngày 11/5/2024

Phát huy một cách sáng tạo, hiệu quả

Chỉ trong ít năm vừa qua, ngoại giao kinh tế của Việt Nam đã liên tục gặt hái được nhiều “trái ngọt”, đặc biệt là kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình thu hút FDI toàn cầu suy giảm. Trong đó, thành phố Hải Phòng được ghi nhận với thành tích nổi bật về thu hút FDI trong nhiều năm qua. Tính riêng năm 2023, thành phố xếp thứ 2 cả nước về thu hút FDI với hơn 3,6 tỷ USD. Kết quả tích cực này thể hiện hướng đi đúng đắn của thành phố trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, với phương pháp, đường lối đã và đang bám sát với phương châm ngoại giao “ngũ tri” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi lẽ:

Thứ nhất, Hải Phòng đã “biết mình” khi xác định được rõ nét những tiềm năng, lợi thế vượt trội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là hạ tầng giao thông với đầy đủ 5 loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường không mà hiếm tỉnh thành nào có được; đó là hệ thống cảng biển hiện đại, quy mô có truyền thống hơn 100 năm với cụm cảng Lạch Huyện là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc; đó là hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế được quy hoạch đồng bộ với diện tích rất lớn; đó là sự đồng hành xuyên suốt của chính quyền thành phố với nhà đầu tư nước ngoài… Khi đã biết ưu điểm, Hải Phòng tiếp tục không ngừng cải thiện, phát huy và mở rộng hơn nữa những thế mạnh đó bằng các giải pháp như: nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; xây dựng khu kinh tế mới phía Nam thành phố; phát triển các khu công nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn; phát triển năng lượng tái tạo… Bên cạnh đó, thành phố cũng liên tục lắng nghe, tìm hiểu, nắm bắt những tồn tại có thể gây ra rào cản trong thu hút đầu tư nước ngoài và  nhanh chóng khắc phục, tháo gỡ. Tiêu biểu như tình trạng thiếu điện, lõm sóng trong các khu công nghiệp của nhiều năm trước đã được khắc phục triệt để, không còn là lo ngại đối với các doanh nghiệp FDI cũng như nhà đầu tư mới.

Thứ hai, các cơ quan chủ lực trong thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng luôn tìm hiểu, đánh giá các đối tác nước ngoài một cách kỹ lưỡng để xác định ra những thị trường trọng tâm, trọng điểm vì chỉ khi đã “biết người” thì các công tác xúc tiến đầu tư khi được thực hiện mới đảm bảo hiệu quả cao nhất. Cụ thể như đối với đối tác Hàn Quốc, liên tục trong các năm từ 2022 đến nay, thành phố đã tổ chức 3 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc do các đồng chí Bí thư Thành ủy (2023, 2024) và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố (2022) dẫn đầu. Ngay sau các chuyến công tác chỉ ít ngày, liên tục những dự án FDI “khủng” được các nhà đầu tư quyết định triển khai tại Hải Phòng như Tập đoàn LG Innotek (tăng vốn 1 tỷ USD năm 2023); Tập đoàn SK (đầu tư 500 triệu USD năm 2023, khởi công tháng 5/2024), Tập đoàn LG Electronics (trao Ý định thư về việc tăng vốn tháng 4/2024)… Việc tìm hiểu văn hóa, xu hướng đầu tư của mỗi thị trường có thể ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả thu hút đầu tư. Đơn cử như, các đối tác như Hàn Quốc, Trung Quốc… rất chú trọng đến việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp cùng quốc tịch, khi đó việc xúc tiến đầu tư nhằm vào hệ sinh thái của các doanh nghiệp FDI lớn sẽ mang lại hiệu quả cao. Đây là hướng đi mà Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng – cơ quan chủ lực trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài đã thực hiện trong những năm qua bằng cách ưu tiên xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp phụ trợ của các tập đoàn lớn như LG, Pegatron…

Thứ ba, sau những đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới vẫn khó dự đoán, xu hướng đầu tư nước ngoài đang dần có những thay đổi đáng kể. Theo đó, các nhà đầu tư lớn trên thế giới đang dần thực hiện dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác theo tâm lý “trứng bỏ nhiều giỏ” để phân tán rủi ro. Cùng với đó, những lợi thế về nhân công, thuế suất, giá đất trong khu công nghiệp… cũng tác động đến quyết định dịch chuyển đầu tư. Dự tính đến 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% số lượng iPad và Apple Watch, 5% sản phẩm Macbook và 65% sản phẩm Airpod của Apple sau khi tập đoàn này dịch chuyển hơn 10 nhà máy phụ trợ từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Việc “biết thời thế” sớm và phân tích kỹ lưỡng giúp cho Hải Phòng có những sự chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư. Ngoài ra, thành phố cũng nắm bắt rõ những xu thế phát triển công nghiệp của thế giới như sản xuất sản phẩm chíp và chất bán dẫn để xác định những ưu tiên trong thu hút FDI và tập trung phát triển hạ tầng, đội ngũ nhân lực đón đầu những làn sóng đầu tư trong tương lai.

Thứ tư, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không phải bằng mọi giá. Thành phố Hải Phòng sẵn sàng “biết dừng” trong thu hút FDI đối với những dự án có tác động xấu đến môi trường và đời sống Nhân dân. Các công tác kiểm soát, đánh giá được thực hiện bài bản, thận trọng, không bỏ lọt các dự án đầu tư yếu kém, các nhà đầu tư không đủ năng lực, không tuân thủ các điều kiện, quy định trong đầu tư.

Thứ năm, “biết biến” một cách chủ động cũng là ưu điểm của Hải Phòng khi thu hút đầu tư nước ngoài. Công tác xúc tiến đầu tư liên tục được đổi mới đa dạng, chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư từ mọi quốc gia. Đặc biệt, chính quyền thành phố rất linh hoạt trong giải quyết những vấn đề “điểm nghẽn” như vấn đề nguồn nhân lực được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong bối cảnh các tỉnh thành đều gặp thách thức trong thu hút và giữ chân lao động. Ngay lập tức, thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các công tác đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực, phát triển các dự án nhà ở xã hội, ban hành khung chính sách hỗ trợ người lao động mua nhà ở xã hội; lập đề án hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao… Từ đó, “nguy” trở thành “cơ”, điểm mạnh về thu hút và chính sách cho người lao động lại được nhà đầu tư nhìn nhận là một điểm vượt trội trong môi trường đầu tư của Hải Phòng.

Kết lại, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đối ngoại là một kho tàng vô giá và vẫn hàng ngày xuất hiện như kim chỉ Nam cho mọi hoạt động của chúng ta. Trong thời gian tới, chính quyền và Nhân dân Hải Phòng càng cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm hiểu, nghiên cứu, kế thừa và phát huy một cách sáng tạo những tư tưởng về ngoại giao của Người trong công cuộc thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế, xã hội thành phố.

Nguồn: Chuyên đề An ninh Hải Phòng