(HPĐT)- Năm 2024, Hải Phòng liên tiếp đón các đoàn công tác, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đến thăm, làm việc và tăng cường hơn quan hệ hợp tác, đầu tư vào Hải Phòng. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư của Hải Phòng, đồng thời khẳng định Hải Phòng vẫn tiếp tục là điểm đến tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Pegatron Việt Nam.
Điểm đến tiềm năng
Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng có cuộc làm việc với chính quyền tỉnh Gunma và các doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện, các nhà đầu tư Nhật Bản đứng thứ 2 về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Hải Phòng, với 151 dự án, tổng số vốn 5,23 tỷ đô la Mỹ (chiếm 20,4% vốn đầu tư FDI cả thành phố). Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Thiết bị cơ khí, nồi hơi, máy điện, thiết bị điện, plastic và các sản phẩm bằng plastic, cao su… Ông Yamamoto Ichita, Thống đốc tỉnh Gunma cho biết, tỉnh Gunma có hơn 1,9 triệu dân (tương đương thành phố Hải Phòng), quy mô sản xuất công nghiệp của tỉnh đứng thứ 5 của Nhật Bản, nổi tiếng với các ngành như: Sản xuất công nghiệp chế tạo ô tô, sản xuất máy móc vận tải, công nghiệp điện tử, công nghệ cao. Ông Yamamoto Ichita nhấn mạnh, mục đích chuyến công tác lần này nhằm thúc đẩy hơn hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia, nghiên cứu, khảo sát môi trường đầu tư tại thành phố Hải Phòng và hy vọng qua chuyến công tác sẽ mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư thành công giữa chính quyền và các doanh nghiệp của hai địa phương trên nhiều lĩnh vực.
Trước đó vào hồi tháng 5, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chủ trì cuộc tọa đàm kết nối đầu tư với Hiệp hội Doanh nghiệp điện cơ, điện tử Đài Loan (Trung Quốc) – TEEMA năm 2024 tại Hải Phòng. Ông Chen Hung Chin, Chủ tịch HĐQT Công ty Wieson, đồng thời là Trưởng đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Điện cơ – Điện tử Đài Loan (TEEMA) cho biết: “Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu, thảo luận cụ thể hơn với Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để xây dựng phương án, kế hoạch đầu tư”. Được biết, trên địa bàn thành phố có gần 70 dự án đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) với tổng số vốn gần 2 tỷ USD. Các doanh nghiệp Đài Loan có nhiều đóng góp tích cực cho thành phố với giá trị xuất khẩu gần 2 tỷ USD trong năm 2023 và tạo nhiều việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập bình quân đạt hơn 11 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế, qua các con số chứng minh, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên toàn cầu có xu hướng sụt giảm do quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng vẫn có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Hải Phòng luôn thuộc tốp đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. 9 tháng năm 2024, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) thu hút 53 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,24 tỷ USD, trong đó thu hút vốn FDI đạt 1,19 tỷ USD, bằng 60% kế hoạch năm. Lũy kế đến tháng 9 năm 2024, các KCN, KKT thu hút 573 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư ước đạt 27,4 tỷ USD. Đặc biệt, tính đến hết tháng 6 năm 2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng hoàn thành nhiệm vụ thu hút FDI được giao của cả nhiệm kỳ 2021-2025 (đạt 12,56 tỷ USD/12,5 tỷ USD theo kế hoạch).
Công nhân Công ty TNHH Horn Việt Nam (Khu công nghiệp An Dương) trên dây chuyền sản xuất.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng
Qua các cuộc làm việc, có thể thấy Hải Phòng đang “ghi điểm” rất cao với nhà đầu tư nước ngoài về vị trí địa lý chiến lược: Là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Bắc, là điểm hội tụ của đủ 5 loại hình vận tải đa phương thức. Phát huy lợi thế vốn có, Hải Phòng luôn gắn liền phát triển sản xuất công nghiệp với cảng biển, xây dựng các KCN và hạ tầng logistics lấy hệ thống cảng biển làm trọng tâm. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư, rút ngắn thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, cũng như tích cực hỗ trợ, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp… từ đó nâng cao lợi thế so sánh của thành phố và tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Hải Phòng kiên trì với chiến lược sàng lọc, thu hút các nhà đầu tư thật sự chất lượng như LG, Pegatron, USI, Bridgestone, SK… Kinh nghiệm cho thấy một khi đón đầu được các “ông lớn” này, thành phố sẽ có đà tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ đến đầu tư tại chính KCN của dự án “lõi” hoặc các KCN lân cận.
Mặc dù tạo dựng được sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt và không có khoảng cách giữa các quốc gia, vùng, miền, cách thức xúc tiến đầu tư cũng không thể theo lối mòn. Bên cạnh đổi mới, chủ động trong hoạt động xúc tiến đầu tư, Hải Phòng luôn chuẩn bị các điều kiện để doanh nghiệp có thể đầu tư được ngay. Trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng hiện đại tại các KCN, KKT. Đặc biệt, thành phố đang khẩn trương thành lập KKT ven biển phía Nam nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng, kết nối với các địa phương lân cận. Từ đây, Hải Phòng và các địa phương sẽ tạo thành chuỗi KKT ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng. Những giải pháp căn cơ này đang được thực hiện quyết liệt để Hải Phòng giữ vững sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư, đón thêm nhiều “đại bàng” lập “tổ”, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố.
Nguồn: Báo Hải Phòng