Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Hội thảo cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ đã giúp các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ hiểu rõ hơn “bài toán”về cộng sinh công nghiệp. Từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu để hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, tiến đến phát triển KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Cộng sinh công nghiệp tiến đến mục tiêu phát triển KCN sinh thái

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Toàn cảnh hội thảo

Ngày 22/11/2022 tại thành phố Hải Phòng, diễn ra Hội thảo cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ (DEEP C). Hội thảo do Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức.

Tham gia Hội thảo có ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng; bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”; ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies; ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (VNCPC) cùng đại diện khoảng 80 đại biểu đến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng, UBND quận Hải An, Điện lực Hải Phòng, một số KCN trên địa bàn Thành phố, các đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm đến Dự án và các doanh nghiệp hoạt động trong KCN Đình Vũ.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ nguồn tài trợ của SECO; thời gian thực hiện Dự án là 3 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023). Dự án được triển khai với các KCN được thí điểm lựa chọn là: KCN DEEP C (Hải Phòng), KCN Amata (Đồng Nai), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng).

Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức về cộng sinh công nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp, kế hoạch để hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, thực hiện các mục tiêu tiến tới KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Hội thảo cung cấp những hiểu biết chung về: các khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến nhận diện và thực hiện cộng sinh công nghiệp; cung cấp thông tin về những mô hình cộng sinh công nghiệp; ví dụ điển hình về những cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được nghiên cứu, triển khai thực tế tại Việt Nam và trên thế giới.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, được thực hiện bởi UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước về KCN sinh thái sẽ cung cấp góc nhìn tổng quan về cộng sinh công nghiệp và các ví dụ điển hình liên quan đến các loại hình cộng sinh công nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư trong KCN Đình Vũ cùng thảo luận sâu hơn về các cơ hội cộng sinh công nghiệp đã có và các cơ hội cộng sinh được chuyên gia xác định trong quá trình đánh giá hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn. Đồng thời, thông qua hoạt động tương tác sẽ xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng mới. Đây là cơ sở để Dự án sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng thông qua các hoạt động xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên và triển khai kế hoạch hành động.

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Các cán bộ kỹ thuật và quản lý môi trường đến từ KCN Đình Vũ tham dự Hội thảo

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các sở, ban, ngành của thành phố Hải Phòng và các đơn vị trong lĩnh vực chuyên ngành môi trường tại Thành phố

Thông qua các hoạt động thảo luận, tương tác sẽ đưa ra được các ý tưởng về những cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng, thứ tự ưu tiên thực hiện các cơ hội, từ đó thực hiện các bước tiếp theo của Dự án; kết nối ý tưởng cộng sinh và các đơn vị có liên quan để triển khai ý tưởng cộng sinh công nghiệp.

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Bà Đỗ Thị Hồng Giang, cán bộ Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” giới thiệu những nội dung chính của Hội thảo

Phát triển KCN sinh thái là lựa chọn tất yếu trong tiến trình phát triển toàn cầu

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, phát triển cộng sinh công nghiệp nói riêng và phát triển KCN sinh thái nói chung đã và đang được quan tâm ưu tiên trong chiến lược phát triển KCN bền vững của Việt Nam, cũng như thành phố Hải Phòng. Phát triển KCN sinh thái là một sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam, là một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và là đòi hỏi mới của tiến trình phát triển toàn cầu, giúp các doanh nghiệp đi nhanh sẽ xây dựng được vị thế cạnh tranh mới.

Theo ông Hải, thực tế cho thấy, việc phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp, các KCN sinh thái sẽ là bước tiến đầy triển vọng cho các ngành nghề về lĩnh vực về môi trường của thành phố Hải Phòng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Từ đó, đem lại lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, một nền kinh tế gắn với môi trường của Việt Nam trong tương lai. Cộng sinh công nghiệp chính là một trong những phương pháp để đưa nền kinh tế hiện tại đến gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn.

“Việc phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Nội dung này đã được Thành phố đưa vào Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 7/4/2022 của Thành ủy Hải Phòng về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công tác quản lý, thúc đẩy các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030, đưa vào các chương trình, nhiệm vụ hàng năm của Thành phố….”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, việc phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái hiện nay còn rất mới tại Việt Nam, nên gặp nhiều khó khăn, thách thức. UNIDO đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Dự án KCN sinh thái và đã đạt được những kết quả bước đầu. Dự án KCN sinh thái đã đóng góp xây dựng, đánh giá bộ tiêu chí KCN sinh thái, giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động cộng sinh công nghiệp và sản xuất sạch hơn.

Cùng với đó, việc ra đời Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT, đã góp phần tạo nhiều động lực để các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái và thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.

“Ban Quản lý KKT Hải Phòng đánh giá cao sự có mặt đầy đủ của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ và khách mời tham gia Hội thảo. Đây là một cơ hội quý để các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về cộng sinh công nghiệp, nên đề nghị các doanh nghiệp cần tăng cường thảo luận nhóm và đặt các câu hỏi để các chuyên gia giải đáp thắc mắc liên quan đến chủ đề Hội thảo…”, ông Hải đề nghị.

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” đánh giá tổng quan về dự án KCN sinh thái và nhấn mạnh những cơ sở pháp lý để tạo đòn bẩy triển khai KCN sinh thái thành công tại Việt Nam.

Bà Trâm Anh khẳng định, phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái là một con đường tất yếu và là sự lựa chọn tối ưu của Việt Nam. Hiện việc chuyển đổi sang KCN sinh thái được áp dụng xuyên suốt theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (8 tiêu chí về KCN sinh thái, trong đó có Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn) và chuyển đổi theo khung quốc tế về mô hình KCN sinh thái, bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định về hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Bà cho biết thêm, tại Hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ trình bày về bức tranh tổng quan về cộng sinh công nghiệp, một số nghiên cứu điển hình tại Việt Nam đã được triển khai hoặc lên kế hoạch triển khai trong khuôn khổ Dự án; các khách mời và đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận nhóm về xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp và thứ tự ưu tiên, đồng thời đưa ra quan điểm, cũng như cam kết trong việc triển khai thực hiện cộng sinh công nghiệp tại doanh nghiệp.

Cơ hội và các thách thức trong quá trình triển khai cộng sinh công nghiệp

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies phát biểu khái quát về cộng sinh công nghiệp

Tại Hội thảo, ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies đã khái quát tổng quan bức tranh về cộng sinh công nghiệp, trong đó phân tích các giá trị cốt lõi của cộng sinh công nghiệp, bao gồm những khái niệm chính và công cụ thực hiện như: mục tiêu, lợi ích và thách thức của cộng sinh công nghiệp; phương pháp và công cụ nhận diện các cơ hội; cơ cấu và mô hình quản trị…

Chuyên gia Ankit Kapasi cho biết, cộng sinh công nghiệp là sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp khác nhau nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả, cùng chia sẻ tài sản chung (điện, nước, hiệp đồng nguồn cung, khách hàng, sản phẩm phụ) với mục tiêu là tối đa hóa nguồn lực, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho các bên, cộng đồng và đô thị.

Mục đích cụ thể của cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên, giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Nói tóm lại, thông điệp chính của cộng sinh công nghiệp là hàng ngày phát thải ra, thực hiện tái chế cộng sinh công nghiệp; là sự hợp tác giữa các bên để đạt được 3 khía cạnh quan trọng về kinh tế, môi trường và xã hội”, chuyên gia Ankit Kapasi nhấn mạnh.

Về khó khăn, thách thức, ông Ankit Kapasi cho rằng, có nhiều vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt như: nguồn lực (liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực để triển khai cộng sinh công nghiệp hay không?), thiếu chuyên môn, thiếu nhận thức, chưa nắm bắt được cơ hội.

Để giải quyết khó khăn trên, theo chuyên gia Ankit Kapasi, cần xây dựng mạng lưới, cơ quan điều phối để kết nối các doanh nghiệp hợp tác trao đổi chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật. Các KCN trên thế giới hình thành các trung tâm KCN, các trung tâm này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và chủ đầu tư KCN chuyển đổi sang KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp.

Theo ôngAnkit Kapasi, có 5 loại cộng sinh công nghiệp: chia sẻ tiện ích về cơ sở hạ tầng (dùng chung năng lượng, nước); cung cấp các địa điểm làm việc chung; trao đổi chất thải, sản phẩm phụ (vật liệu dư thừa); chia sẻ về dịch vụ, hoạt động giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các KCN với nhau; hình thành mối liên kết, tận dụng, chia sẻ tài nguyên, hạ tầng của KCN với dân cư và đô thị lân cận, qua đó tạo ra nhiều việc làm và cơ hội hợp tác, phát triển.

“Cộng sinh công nghiệp và đô thị đóng vai trò rất quan trọng, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”, ông Ankit Kapasi nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng và phân tích chi tiết một số KCN điển hình trên thế giới đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, như: KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp – đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch). Đặc biệt tiêu biểu là KCN Kwinana (Tây Úc), đây là KCN nặng lớn nhất tại Tây Úc đã và đang thu hút các ngành công nghiệp chế biến đa dạng, tạo việc làm cho 4.000 công nhân lao động. Các KCN này đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, giúp các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào tài nguyên, góp phần nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp; bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và cộng đồng xung quanh KCN; tạo nhiều việc làm cho người lao động và mang lại cơ hội lớn trong thu hút đầu tư.

Thay mặt Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn đã trình bày một số cơ hội cộng sinh công nghiệp điển hình; những nghiên cứu tại Việt Nam đã được triển khai thành công thời gian qua và kế hoạch triển khai cộng sinh công nghiệp trong khuôn khổ của Dự án.

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn trình bày ý kiến tại Hội thảo

Chia sẻ về kết quả hợp phần cộng sinh công nghiệp từ pha trước của Dự án nhằm đánh giá tiềm năng chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, ông Thắng cho biết, kết quả đạt được tại các KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu (Ninh Bình); KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ) và KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) tương đối khả quan. Tại Ninh Bình, Dự án đã khảo sát 22 doanh nghiệp, phát hiện 14 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 4 cơ hội. Tại Đà Nẵng, đã khảo sát 57 doanh nghiệp, phát hiện 22 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 7 cơ hội. Tại Cần Thơ đã khảo sát được 58 doanh nghiệp, phát hiện 24 cơ hội cộng sinh và lựa chọn nghiên cứu 8 cơ hội.

Ông Thắng chia sẻ: “Những kết quả tích cực trên đã góp phần lan tỏa và thúc đẩy các doanh nghiệp KCN và các công ty hạ tầng KCN mong muốn được tham gia vào Dự án KCN sinh thái để chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, cùng hiệp đồng công nghiệp, tạo nên nhiều giá trị to lớn về lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội”.

Về rảo cản chính trong cộng sinh công nghiệp, ông Thắng cho rằng, hiện nay Dự án đang vướng mắc bởi các rào cản pháp lý do bị chi phối bởi các luật chuyên ngành về môi trường nhưng chưa giải quyết được (Luật Tài nguyên Môi trường, Luật quản lý chất thải trong KCN…). Mặt khác, đa số các doanh nghiệp trong cùng một KCN không có mối quan hệ để trao đổi, chia sẻ và giao lưu với nhau, nên họ chưa tìm được sự kết nối, tương tác để cùng hiệp đồng cộng sinh công nghiệp, do đó cần có một ban quản lý để kết nối các doanh nghiệp với nhau.

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Các chuyên gia nhận xét về bài trình bày của các nhóm thảo luận

Các doanh nghiệp tìm ra nhiều giải pháp triển khai cộng sinh công nghiệp

Các nhóm thảo luận xác định rõ vai trò quan trọng của cộng sinh công nghiệp, vì sẽ mang lại lợi ích cao cho doanh nghiệp. Đa số nghiệp đều ủng hộ cộng sinh công nghiệp và mong muốn triển khai giải pháp này càng sớm càng tốt.

Về cơ hội cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ, những giải pháp được các nhóm đưa ra được các chuyên gia nhận định đều dễ triển khai và đạt lợi ích cao. Mặt khác, KCN Đình Vũ hiện có nhiều lợi thế để triển khai giải pháp này nhờ sự quyết tâm cao của chủ đầu tư KCN Đình Vũ, đã đầu tư nguồn lực con người và cơ sở vật chất toàn diện, đồng bộ phục vụ cho hoạt động triển khai cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn. Đồng thời, KCN này còn luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ tích cực của chính quyền thành phố Hải Phòng và Ban Quản lý KKT Hải Phòng trong suốt quá trình KCN hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Chuyên gia Ankit Kapasi hướng dẫn các nhóm xác định cơ hội cộng sinh công nghiệp và giải pháp triển khai thực hiện tại doanh nghiệp

Đánh giá những khó khăn, thách thức khi triển khai cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ, đa số các ý kiến mà doanh nghiệp đưa ra đều nhấn mạnh khó khăn chính về rào cản cơ sở pháp lý, bên cạnh vấn đề về nguồn vốn (do có một vài giải pháp đầu tư lớn nên cần nguồn vốn đầu tư lớn).

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO phát biểu bế mạc Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh đánh giá cao sự tham gia tích cực, nhiệt tình thảo luận nhóm của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ, qua đó đã tìm ra các cơ hội, lợi thế, cũng như những thách thức đối với doanh nghiệp, từ đó đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Để giải quyết một trong những khó khăn của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ về nguồn vốn, bà Trâm Anh cho biết, ngay sau Hội thảo kết thúc, buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra chương trình tập huấn công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và KCN chuyển đổi mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam. Tại buổi tập huấn này, các chuyên gia quốc tế và trong nước của Dự án sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hành và sử dụng hiệu quả công cụ tài chính phục vụ cho mục đích chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.

“Các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ và các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục tham gia đầy đủ và đóng góp các giải pháp quan trọng trong buổi tập huấn, thực hành và thảo luận hỗ trợ công cụ tài chính cho doanh nghiệp và KCN, nhằm chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái, KCN sinh thái thành công tại KCN Đình Vũ…”, bà Trâm Anh mong muốn./.

Nguồn: kinhtevadubao.vn