Sáng 2-7, các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy và đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc cử tri huyện An Dương, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Các đồng chí: Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiên, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện An Dương.
Dự hội nghị, về phía lãnh đạo thành phố có các đồng chí: Phạm Văn Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện An Dương.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu các xã, thị trấn trên địa bàn.
Các đại biểu dự cuộc tiếp xúc cử tri.
Tại hội nghị, đồng chí Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố báo cáo với cử tri về các kết quả nổi bật của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. Theo đó, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy kỳ họp, kỳ họp thứ bảy hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi. Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật. Cùng với đó, xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.
Cử tri huyện An Dương phát biểu ý kiến.
Kiến nghị các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của thành phố
Vui mừng, phấn khởi trước kết quả đạt của kỳ họp, các cử tri đang công tác tại các cơ quan của huyện, xã trên địa bàn, cử tri về hưu cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và các đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Trong đó, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, cử tri Nguyễn Văn Hoàn đề nghị Quốc hội ủng hộ thành lập thí điểm khu thương mại tự do tại Hải Phòng với những cơ chế, chính sách vượt trội nhằm thu hút đầu tư tại Hải Phòng. Đồng thời, xem xét hoàn thiện cơ chế, xây dựng chính sách đột phá, có tác dụng thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế đô thị, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế – xã hội, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị; xem xét bổ sung Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quan tâm tới các cơ chế phát triển kinh tế, cử tri Trần Thị Quỳnh Trang đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt đề án Khu kinh tế Nam Đồ Sơn để tạo động lực mới phát triển cho thành phố. Mặt khác, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ điều tiết từ các nguồn thu ngân sách nhà nước và điều tiết cố định một phần số thu từ thuế xuất, nhập khẩu cảng biển cho thành phố để bố trí nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng biển, giao thông, môi trường và các hạ tầng kỹ thuật khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Cử tri huyện An Dương mong muốn Quốc hội, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ Hải Phòng phát triển.
Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Theo cử tri Nguyễn Văn Toản, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 13) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao… Để thực hiện mục tiêu trên, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, có các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp; có chính sách ưu tiên thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái,…
Cử tri Nguyễn Văn Thứ cho biết, trên địa bàn huyện An Dương có 4 con sông chảy qua, gồm: sông Lạch Tray, sông Cấm, sông Đào Lạch Tray và hạ lưu sông Tam Bạc, với tổng số 34,98 km đê quốc gia (đê cấp 2, cấp 3) và 2,5 km đê cấp 4, 11,2 km đê bao. Hiện nay, hệ thống đê nhiều khu vực xuống cấp, việc di chuyển trên mặt đê phục vụ công tác kiểm tra đê, công tác ứng phó xử lý các tình huống về phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp đê quốc gia xuống cấp, cứng hóa mặt đê toàn tuyến để đáp ứng hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn…
Có cơ chế, chính sách đối với đội ngũ làm công tác chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước
Cử tri Nguyễn Văn Hải đề xuất: để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ về chuyển đổi số, đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng tại các sở, ban, ngành, quận huyện, xã, phường, thị trấn đều là cán bộ kiêm nhiệm, không có chỉ tiêu biên chế chuyên trách, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, tiến độ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong giai đoạn tới. Cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng; có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách có chuyên môn thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng trong các cơ quan Nhà nước nói chung và trong các quận, huyện, xã phường, thị trấn nói riêng…
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ tiếp thu và trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri huyện An Dương.
Tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri
Trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri huyện An Dương, đồng chí Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thông báo tóm tắt về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước trong 6 tháng vừa qua, những khó khăn, trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, đánh giá cao những kết quả của thành phố, huyện An Dương đạt được, trong đó nhấn mạnh những thuận lợi, khó khăn khi huyện An Dương trở thành đơn vị hành chính cấp quận. Đồng chí Phó thủ tướng đề nghị thành phố tập trung một số giải pháp phát triển kinh tế-xã hội như: ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung công tác chuyển đổi số; xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố “nói không với ma túy”… Cùng với đó, đồng chí mong muốn người dân đồng thuận, đoàn kết, chia sẻ với chính quyền thành phố trong triển khai thực hiện các giải pháp vì sự phát triển chung của Hải Phòng.
Đồng chí Phó thủ tướng tiếp thu và trực tiếp giải đáp, cơ bản làm rõ 10 ý kiến với 16 nội dung mà cử tri quan tâm, kiến nghị. Đối với đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Phó thủ tướng cho rằng, đây là yêu cầu chính đáng và đề nghị thành phố trong quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; 3 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội có đề xuất cụ thể với Trung ương. Về Đề án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam do UBND thành phố trình đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trước khi trình Chính phủ phê duyệt, tinh thần chung là Quốc hội, Chính phủ ủng hộ Hải Phòng có thêm điều kiện, dư địa phát triển. Cùng với đó, Chính phủ đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển để công trình nhanh chóng hoàn thành, đi vào sử dụng. Đối với các ý kiến về sắp xếp các đơn vị hành chính, cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp, nâng cấp đê quốc gia, đánh giá tác động môi trường, phân loại rác tại nguồn…, đồng chí Phó thủ tướng tiếp thu và cho biết sẽ giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết; đồng thời đề nghị thành phố Hải Phòng xem xét, ban hành cơ chế, chính sách riêng trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng các chuyên gia về công nghệ thông tin ở cấp thành phố.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bi thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng phát biểu ý kiến.
Mong muốn cử tri và nhân dân đồng lòng hiện thực hóa khát vọng phát triển Hải Phòng
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cao, giữ vững bản lĩnh, kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu phát triển, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.
Đồng chí Bí thư Thành ủy ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri huyện An Dương và nhấn mạnh, đây là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, sát với yêu cầu phát triển thành phố. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng sẽ tiếp thu, tổng hợp, với các ý kiến thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ chuyển các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết; với kiến nghị thuộc thẩm quyền của thành phố sẽ chuyển các sở, ngành. Đồng chí Bí thư Thành ủy nêu rõ, thời gian qua, cử tri huyện An Dương có 41 kiến nghị, trong đó có 33 kiến nghị thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương; 8 kiến nghị thuộc thẩm quyền của thành phố đều được trả lời cụ thể. Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp chính quyền huyện An Dương lan tỏa, chuyển tải tới cử tri và nhân dân trong huyện. Đồng chí cũng mong muốn cử tri, nhân dân huyện An Dương nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung tiếp tục chung sức, đồng lòng, hiện thực hóa khát vọng phát triển Hải Phòng.
Các đồng chí Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cùng các đại biểu quốc hội tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện An Dương.
Báo Hải Phòng