Chuyển đổi số tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng – Vì mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính công, thu hút đầu tư – Kỳ I: Chuyển đổi số từ nhận thức đến giải pháp

Thực hiện chuyển đổi số là một nội dung nằm trong chủ đề năm 2022 của thành phố Hải Phòng hướng đến công cuộc cách mạng 4.0. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT), Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã có nhiều giải pháp chuyển đổi số gắn với mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính công nhằm tăng cường thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội thành phố.

Chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi tổng thể của tổ chức về cách làm việc và phương thức hoạt động dựa trên công nghệ số. Quá trình này phải được diễn ra một cách toàn diện trong cơ quan, tổ chức một cách dài hạn với những kế hoạch cụ thể. Tiếp thu chỉ đạo của thành phố, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã xây dựng và ban hành đồng bộ kế hoạch, giải pháp thực hiện một cách cụ thể, sát với hoạt động của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp.

Theo đó, để chuyển đổi số diễn ra thành công và hiệu quả, việc trước hết là cần tạo ra cho được nhận thức sâu sắc và toàn diện; sự thống nhất và đồng thuận cao độ của các phòng, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng như người lao động trong các KCN, KKT. Nhân sự cơ quan Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp đòi hỏi phải được đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số từ cơ bản đến chuyên sâu, từ lý thuyết đến thực hành thực tiễn. Các nội dung về chuyển đổi số còn phải được liên tục cập nhật, trao đổi dưới mọi hình thức nhất là trên các tài liệu và công cụ tuyên truyền. Để nâng cao kiến thức trong nội bộ, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện việc cán bộ công chức của cơ quan được tham gia đầy đủ các buổi tập huấn kiến thức cơ bản, các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ quản lý trên nền tảng số cũng như những khóa học chuyên sâu về phương thức và công nghệ chuyển đổi số. Song song với đó, mỗi phòng chức năng, đơn vị sự nghiệp của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là một mũi nhọn tuyên truyền thông qua các hoạt động chuyên môn cho các doanh nghiệp đặc biệt là các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực để các chủ doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng nắm được ý nghĩa, tính cấp thiết của chuyển đổi số, kỹ năng, phương pháp thực hiện phù hợp.

Đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố và đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ trì hội nghị thúc đẩy chuyển đổi số trong khu công nghiệp, khu kinh tế

Theo đó, về cơ chế chính sách, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tiến hành xây dựng và hoàn thiện các yêu cầu, nội dung theo hướng khuyến khích và sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số cũng như các phương thức quản lý mới trong hoạt động. Đơn vị hiện đang tập trung chỉ đạo đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông của các KCN, KKT nhằm kiến tạo lợi thế vượt trội mới đảm bảo cho thu hút đầu tư các dự án chất lượng cao và thực hiện sản xuất, quản lý thông minh.

Về phát triển hạ tầng số, đây được xác định là nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, với cơ quan Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, các hạ tầng về kỹ thuật công nghệ thông tin đã và đang được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối với chất lượng cao, không xảy ra các gián đoạn trong quá trình hoạt động và đặc biệt là bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, các trang thiết bị kết nối, hội nghị trực tuyến luôn được lắp đặt và khai thác sử dụng với tối ưu hiệu quả.

Về phát triển dữ liệu và nền tảng số, đây cũng là lĩnh vực được chú trọng, ưu tiên thực hiện nhanh chóng và toàn diện. Hiện, 100% dữ liệu các phòng chuyên môn của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã được số hóa. Đó là nền tảng để đơn vị phối hợp với các đầu mối liên quan để xây dựng kho dữ liệu chung, nền tảng tích hợp và chia sẻ với kho dữ liệu của thành phố, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Về bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu phát triển, đổi mới trong môi trường số và phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng luôn ủng hộ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN, KKT hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để liên tục cập nhật, phát triển và chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ nhân viên, người lao động để từ đó làm chủ và khai thác hiệu quả kết quả quá trình chuyển đổi số.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế

Về phát triển chính quyền số, hiện nay, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua mạng của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ngày một tăng nhanh, nhiều thủ tục hành chính đều có thể thực hiện trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin Một cửa điện tử. Tất cả các doanh nghiệp, cá nhân khi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đều được hướng dẫn thực hiện trên các nền tảng điện tử, hạn chế tối đa các thủ tục, hồ sơ giấy. Những hoạt động này nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao. Tháng 9-2021, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý và điều hành eHeza với chức năng kết nối các thông tin, hoạt động, báo cáo, đồng thời thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, giảm thiểu hồ sơ giấy tờ cho doanh nghiệp.

Tiếp nữa, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng rất tích cực phát triển kinh tế số. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT đều được tuyên truyền, khuyến khích đẩy mạnh sử dụng ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán điện tử trong các hoạt động kinh doanh và mua bán. Đặc biệt, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng còn có nhiều hoạt động trao đổi, làm việc với các tập đoàn lớn, công ty lớn và đề nghị các doanh nghiệp này đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, công nghệ thông tin; tận dụng thế mạnh để tiên phong trong sử dụng công nghệ số dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất kinh doanh nói riêng và phát triển cho nền kinh tế thành phố nói chung.

Cuối cùng phải kể đến những hành động, trao đổi, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong cập nhật và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong KCN, KTT; quảng bá và xúc tiến đầu tư nhất là thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Toàn diện, bài bản từ những hoạt động về xây dựng, nâng cao nhận thức cho tới những giải pháp cụ thể, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã có một lộ trình rõ ràng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan cũng như các KCN, KKT trên địa bàn thành phố. Những giải pháp có tính chất căn cơ và sâu rộng này tạo điều kiện thuận lợi để các mỗi phòng chức năng, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, cán bộ, người lao động dễ dàng chung tay thực hiện chuyển đổi số tại tổ chức của mình cũng như góp phần vào tương lai thắng lợi của chương trình chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng.

(còn nữa)

Nguồn: heza.gov.vn