Khoảng hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có những đổi mới. Họ nhìn nhận khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là điểm đến hứa hẹn nhiều tiềm năng. Đây là cơ hội để thành phố Hải Phòng hành động một cách hiệu quả để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư này.
Dịch chuyển mới – Xu hướng tất yếu
Những căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới xuất phát vào khoảng năm 2018 kéo dài đến nay đang định hình một xu thế dịch chuyển một phần đầu tư và sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác để tránh rủi ro theo công thức “Trung Quốc +1” (China Plus One). Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng đã trở thành một chất xúc tác mạnh làm gia tăng tốc độ quá trình này. Lý giải cho sự thay đổi này còn có thể kể đến như chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tăng cao và định hướng công nghiệp của Trung Quốc hiện chuyển sang sản xuất tiêu thụ nội địa và phát triển dịch vụ. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng cần đa dạng hóa thị trường, “bỏ trứng vào nhiều giỏ” để phân tán rủi ro.
Đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang có lợi thế rất lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển và thu hút nguồn vốn FDI nhờ chi phí sản xuất thấp, có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Nếu so sánh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, giá thuê đất tại các khu công nghiệp của Việt Nam có thể rẻ hơn từ 40 – 50% và chi phí lương công nhân thấp hơn từ 50% đến 60%. Ngoài ra, mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% cũng nằm ở nhóm không cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Chưa kể, khi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế suất trong khoảng thời gian dài.
Cũng chính vì thế, trong hai năm qua, nhiều “ông lớn” trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao đã có những bước chuyển dịch khá đầu tư mạnh mẽ hướng về Việt Nam. Năm 2021, Tập đoàn LG đã hai lần tăng vốn đầu tư ở Nhà máy LG Display. Năm 2022, Tập đoàn Samsung đã quyết định đầu tư thêm 3,3 tỷ USD, Tập đoàn Foxconn sau khi đầu tư thêm 270 triệu USD đã có kế hoạch bổ sung thêm 300 triệu USD để mở rộng hoạt động. Một trong những tập đoàn điện tử nổi tiếng khác là Apple đã dịch chuyển 11 nhà máy phụ trợ từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Theo đó dự tính đến năm 2025, nước ta sẽ sản xuất 20% số lượng iPad và Apple Watch, 5% sản phẩm Macbook và 65% sản phẩm Airpod của Apple.
Trong khi đó, tại các khu vực tập trung nhiều nhà đầu tư điện, điện tử và công nghệ cao, tổng số vốn đầu tư nước ngoài sang Trung Quốc trong năm 2022 được thống kê giảm từ 15 – 20% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể thấy rõ rằng, nguồn vốn FDI trên thế giới đang tìm kiếm các điểm đến mới, đặt ra bài toán cho các địa phương tại Việt Nam trong đó có Hải Phòng cần tập trung nắm bắt nhanh cơ hội này trong thu hút đầu tư.
Nắm bắt cơ hội, trải thảm cho các nhà đầu tư
Lũy kế đến hết tháng 10-2022, Hải Phòng hiện có 947 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 24,5 tỷ USD. Trong đó 93% số vốn nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và thu hút nguồn vốn FDI, chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng đang tập trung giải bài toán này với nhiều biện pháp hữu hiệu.
Thứ nhất, xúc tiến đâu tư được đẩy mạnh theo hướng chủ động, hiện đại và hiệu quả. Thời gian qua, đã có nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thông tin với các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp từ các quốc gia đã được Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Trong đó có thể kể đến các tổ chức doanh nghiệp lớn như Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội doanh nghiệp điện, điện tử Đài Loan (Trung Quốc) – TEEMA, Câu lạc bộ doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn LG (Hàn Quốc)… tập trung rất nhiều nhà sản xuất công nghệ cao. Các chương trình xúc tiến đầu tư được thực hiện đều bài bản và thực chất, tạo cơ hội hữu ích để cung cấp thông tin tới các nhà đầu tư và kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố. Qua đó, hình ảnh thành phố Hải Phòng phát triển, hiếu khách, an toàn cùng môi trường đầu tư tiềm năng với nhiều ưu đãi đã được lan tỏa tới hàng trăm doanh nghiệp toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở việc chờ đợi và đón tiếp các nhà đầu tư tìm đến với thành phố, triển khai trực tiếp và chủ động các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài cũng đem lại nhiều hiểu quả tốt hơn. Cụ thể trong tháng 8-2022, đoàn công tác của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã thực hiện chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Seoul (Hàn Quốc); tổ chức thành công các hội thảo xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn LG. Tiếp đến vào tháng 10 vừa qua, những chương trình làm việc về môi trường đầu tư của thành phố được các đơn vị phối hợp với Hiệp hội TEEMA và Tập đoàn Pegatron tổ chức thành công tại thành phố Đài Bắc, tạo ra cơ hội kết nối và trao đổi thông tin, giải đáp nhiều vấn đề quan tâm cho hơn 250 doanh nghiệp tại đây. Việc thành phố chủ động xúc tiến đầu tư trực tiếp tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng luôn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; nâng cao khả năng và chất lượng thu hút FDI vào thành phố.
Nhà máy LG Display tại Hải Phòng
Thứ hai, tăng cường nguồn nội lực và giải quyết các vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhiều vấn đề quan tâm và băn khoăn của các nhà đầu tư nước ngoài đã được đặt ra, trong đó tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi và nguồn nhân lực.
Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư rất quan tâm đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp với đặc thù sản xuất của mình, nhất là về những tác đông tiêu cực có thể xảy ra đến môi trường xung quanh hoặc bày tỏ lo lắng về hạ tầng viễn thông kết nối trong các khu công nghiệp. Về những vấn đề như vậy, đại diện thành phố đều giải đáp rõ ràng và khẳng định, Hải Phòng có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, đối với những vấn đề được nhiều nhà đầu tư cùng đặt ra thì thành phố cần lưu ý và ưu tiên củng cố, phát triển để sẵn sàng đáp ứng.
Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất với quy mô lớn và chất lượng nhân lực cao cũng thường xuyên được các doanh nghiệp bạn đề cập. Từ đó cho thấy, thành phố cần tập trung cao vào phát triển nguồn nhân lực, sẵn sàng phục vụ va việc này đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động hơn của tất cả các trường đại học, trường nghề, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố.
Tiếp nhận và trao đổi về những vấn đề nhà đầu tư quan tâm là cơ hội để thành phố Hải Phòng biết được nhà đầu tư mong muốn, chú trọng hoặc còn những rào cản, băn khoăn gì để tiến tới các hoạt động đầu tư vào thành phố. Qua đó, thành phố và các doanh nghiệp hạ tầng, dịch vụ có thể nhanh chóng triển khai mở rộng, nâng cấp, cải thiện và chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng tiếp đón các doanh nghiệp FDI.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư thông qua những doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Không có lời quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư nào hiệu quả và đáng tin cậy bằng những minh chứng cụ thể từ các doanh nghiệp FDI đã thành công tại Hải Phòng. Khi đến với một quốc gia mới để đầu tư, những đánh giá, nhận xét, kết quả từ các doanh nghiệp “đồng hương” với nhiều tương đồng về tính chất, văn hóa trong hoạt động sẽ có tác động lớn đến các nhà đầu tư mới.
Ngoài ra, tại Hải Phòng còn có nhiều doanh nghiệp FDI lớn có sức ảnh hưởng cao trong ngành. Đơn cử như Tập đoàn Pegatron hiện là đơn vị sản xuất 30% linh kiện cho các sản phẩm của Apple vừa qua đã tăng vốn thêm 300 triệu USD, nâng tổng số vốn lên 800 triêu USD. Đi cùng với việc mở rộng hoạt động sản xuất sẽ là sự gia tăng nhu cầu về chuỗi cung ứng và các đơn vị phụ trợ kèm theo. Từ đó, các đơn vị phụ trợ của Tập đoàn Pegatron sẽ cân nhắc Hải Phòng là địa điểm ưu tiên hàng đầu để đầu tư khi đến với Việt Nam. Một ví dụ điển hình khác là Tập đoàn LG tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ đã hình thành nên mạng lưới hơn 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng số vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Vì vậy, việc chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp FDI đang triển khai hoạt động tại thành phố Hải Phòng sẽ gián tiếp mang lại hiệu quả cao trong xúc tiến đầu tư. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI tại thành phố vẫn luôn nhận được sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt. Vừa qua, Hải Phòng đã dành 48 ha đất tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải để các nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Như vậy, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư đang ngày càng lớn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn. Với những lợi thế và tiềm năng lớn, chúng ta cần chủ động nắm bắt triệt để cơ hội, đẩy mạnh các biện pháp thu hút đầu tư để đưa dòng vốn FDI này về với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Để đạt được mục tiêu đó, cả cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp cần chia sẻ, phối hợp chặt chẽ để đánh giá mọi vấn đề liên quan một cách toàn diện để từ đó xây dựng kế hoạch và giải pháp tương ứng hiệu quả.
Nguồn: heza.gov.vn