Thành phố tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cấp điện liên tục, ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Xác định hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, Điện lực Hải Phòng tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cấp điện liên tục, ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong mùa nắng nóng.
Chất lượng cấp điện cơ bản đáp ứng yêu cầu
Trong 5 tháng năm 2023, sản lượng điện tiêu thụ trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 1.134,41 triệu kWh, chiếm 60,86% sản lượng điện cho công nghiệp – xây dựng của thành phố. Một số đơn vị có sản lượng điện tiêu thụ lớn có thể kể đến như: Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng sử dụng 177.140 kWh trong 5 tháng năm 2023; Thép Việt Nhật sử dụng 166.791 kWh; Khu công nghiệp VSIP 131.670 kWh… Thời gian qua, nhất là trong thời gian nắng nóng cao điểm vào đầu tháng 6, theo đánh giá của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chất lượng cung cấp điện năng tại khu vực này cơ bản đáp ứng theo quy định.
Đại diện Công ty TNHH Năng lượng xanh DEEP C, đơn vị cung cấp điện trong tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết, doanh nghiệp ký cam kết với Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng về việc không thực hiện cắt điện đột xuất, không báo trước đối với tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C. Đổi lại, đơn vị sẽ linh hoạt việc tiết giảm điện đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để bảo đảm an toàn hệ thống điện. Cụ thể, các doanh nghiệp trong tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C được chia thành 5 nhóm, tương ứng với 5 ngày làm việc trong tuần. Mỗi ngày sẽ có một nhóm được thông báo về việc tiết giảm điện, 4 nhóm còn lại có thể yên tâm hoạt động sản xuất.
Theo Tổng giám đốc Công ty Phát triển Khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng Nguyễn Năng Dân, đặc thù của Khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng phần lớn là các doanh nghiệp công nghệ cao, nên việc duy trì nguồn điện là điều rất cần thiết. Đại diện lãnh đạo Khu công nghiệp thời gian qua thường xuyên tổ chức các cuộc gặp với doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn về việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp hiểu và chia sẻ với thành phố về tình trạng tiết giảm công suất điện do thiếu hụt nguồn điện thời gian qua.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, hiện trên địa bàn thành phố có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 6.000 ha. Các khu công nghiệp hiện thu hút 687 dự án (trong đó có 477 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 210 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đạt gần 37 tỷ USD.
Xây dựng các kịch bản điều hành cung ứng điện
Mặc dù việc cung cấp điện năng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cơ bản ổn định, nhưng theo đại diện một số khu công nghiệp, vẫn có tình trạng cắt điện đột ngột không báo trước, hoặc chỉ báo trước khoảng 30-40 phút khiến doanh nghiệp không kịp “trở tay”, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh. Trưởng Phòng Chăm sóc khách hàng Khu công nghiệp VSIP Vũ Phương Nga cho biết, nhiều doanh nghiệp khi nhận được thông báo cắt điện đột ngột buộc phải cho công nhân ra về, nhưng vẫn phải trả lương cho ngày làm việc hôm đó. Với những doanh nghiệp có hàng chục nghìn công nhân, thiệt hại về mặt kinh tế là vô cùng lớn. Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP kiến nghị thành phố nên có kế hoạch tiết giảm điện theo tuần hoặc tháng để doanh nghiệp chủ động trong việc ngừng sản xuất hoặc cho người lao động nghỉ.
Phó giám đốc Công ty Lâm Thịnh Bùi Tiến Bình (doanh nghiệp cung cấp điện cho các khu công nghiệp Đồ Sơn, Nam cầu Kiền, Tràng Duệ) cũng đề xuất Sở Công Thương, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng khuyến khích, hướng dẫn các quy định về việc doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp. Theo đại diện Khu công nghiệp Nam cầu Kiền, hiện nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng quan tâm đến đầu tư điện mặt trời mái nhà giúp cung cấp một phần điện tự dùng cho tiêu dùng, sản xuất; tăng cường tiết kiệm năng lượng điện, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng truyền thống và đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn thành phố tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Mới đây, trong cuộc làm việc giữa Sở Công Thương với đại diện các đơn vị liên quan về tình hình cung ứng điện mùa nắng nóng năm 2023 trên địa bàn thành phố, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Công Hân đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp Điện lực Hải Phòng và các đơn vị kinh doanh điện, kinh doanh hạ tầng trong khu công nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền tới các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện; chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất của đơn vị cho phù hợp; rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp quan trọng, doanh nghiệp lớn (không thực hiện tiết giảm), doanh nghiệp tiết giảm được theo từng kịch bản trong khu công nghiệp, khu kinh tế gửi Sở Công Thương; kịp thời nắm bắt, phản ánh kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc tiết giảm điện gửi về Sở Công Thương để cùng phối hợp giải quyết. Lãnh đạo Sở Công Thương cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng xây dựng lịch tiết giảm công suất sử dụng điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa và tuân thủ các quy định của pháp luật… Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Sở Công Thương sẽ xây dựng kịch bản và phương án cấp điện bảo đảm tính ổn định trong mùa hè năm 2023 để báo cáo thành phố./.
Nguồn: Baohaiphong.com