Đặc điểm địa hình
Tổng diện tích của thành phố Hải Phòng là 1.519 km2, bao gồm cả huyện đảo (Cát Hải và Bạch Long Vĩ). Đồi núi chiếm 15% diện tích, phân bố chủ yếu ở phía Bắc, do vậy địa hình phía bắc có hình dáng và cấu tạo địa chất của vùng trung du với những đồng bằng xen đồi; phía nam có địa hình thấp và khá bằng phẳng kiểu địa hình đặc trưng vùng đồng bằng thuần tuý nghiêng ra biển, có độ cao từ 0,7 – 1,7 m so với mực nước biển. Vùng biển có đảo Cát Bà được ví như hòn ngọc của Hải Phòng, một đảo đẹp và lớn nhất trong quần thể đảo có tới trên 360 đảo lớn, nhỏ quây quần bên nó và nối tiếp với vùng đảo vịnh Hạ Long. Đảo chính Cát Bà ở độ cao 200 m trên biển, có diện tích khoảng 100 km2, cách thành phố 30 hải lý. Cách Cát Bà hơn 90 km về phía Đông Nam là đảo Bạch Long Vĩ, khá bằng phẳng và nhiều cát trắng.
Địa hình Hải Phòng thay đổi rất đa dạng phản ánh một quá trình lịch sử địa chất lâu dài và phức tạp. Phần bắc Hải Phòng có dáng dấp của một vùng trung du với những đồng bằng xen đồi trong khi phần phía nam thành phố lại có địa hình thấp và khá bằng phẳng của một vùng đồng bằng thuần tuý nghiêng ra biển.
Hải Phòng có bờ biển dài trên 125 km. Ngoài khơi thuộc địa phận Hải Phòng có nhiều đảo rải rác trên khắp mặt biển, lớn nhất có đảo Cát Bà, xa nhất là đảo Bạch Long Vĩ. Biển, bờ biển và hải đảo đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của thành phố duyên hải. Đây cũng là một thế mạnh tiềm năng của nền kinh tế địa phương.
Do đặc điểm lịch sử địa chất, vị trí địa lý, Hải Phòng có nhiều nguồn lợi, tiềm năng: có mỏ sắt ở Dương Quan (Thuỷ Nguyên), mỏ kẽm ở Cát Bà (tuy trữ lượng nhỏ); có sa khoáng ven biển (Cát Hải và Tiên Lãng); mỏ cao lanh ở Doãn Lại (Thuỷ Nguyên), mỏ sét ở Tiên Hội, Chiến Thắng (Tiên Lãng). Đá vôi phân phối chủ yếu ở Cát Bà, Tràng Kênh, Phi Liệt, phà Đụn; nước khoáng ở xã Bạch Đằng (Tiên Lãng). Muối và cát là hai nguồn tài nguyên quan trọng của Hải Phòng, tập trung chủ yếu ở vùng bãi giữa sông và bãi biển, thuộc các huyện Cát Hải, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ, Đồ Sơn.
Tài nguyên biển
Là một trong những nguồn tài nguyên quí hiếm của Hải Phòng với gần 1.000 loài tôm, cá và hàng chục loài rong biển có giá trị kinh tế cao như tôm rồng, tôm he, cua bể, đồi mồi, sò huyết, cá heo, ngọc trai, tu hài, bào ngư… là những hải sản được thị trường thế giới ưa chuộng. Biển Hải Phòng có nhiều bãi cá, lớn nhất là bãi cá quanh đảo Bạch Long Vĩ với trữ lượng cao và ổn định. Tại các vùng triều ven bờ, ven đảo và các vùng bãi triều ở các vùng cửa sông rộng tới trên 12.000 ha vừa có khả năng khai thác, vừa có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn và nước lợ có giá trị kinh tế cao.
Hải Phòng có trên 57.000 ha đất canh tác, hình thành từ phù sa của hệ thống sông Thái Bình và nằm ven biển. Tài nguyên rừng Hải Phòng phong phú và đa dạng, có rừng nước mặn, rừng cây lấy gỗ, cây ăn quả, tre, mây… đặc biệt có khu rừng nguyên sinh Cát Bà với thảm thực vật đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loại thảo mộc, muông thú quí hiếm; đặc biệt là Voọc đầu trắng- loại thú quí hiếm trên thế giới hiện chỉ còn ở Cát Bà.
Vị trí địa lý
Nằm tại phía Tây vịnh Bắc Bộ, trung tâm vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội hơn 100 km và biên giới Trung Quốc hơn 200 km.
Cửa chính ra biển phục vụ thương mại quốc tế của toàn bộ khu vực phía Bắc Việt Nam và phía Tây Nam Trung Quốc.
Đầu mối giao thông quan trọng của phía Bắc và cả nước, nơi hội tụ đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không.
Trung tâm đô thị loại 1 cấp quốc gia.
Trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của phía Bắc và Việt Nam.
Trung tâm vành đai kinh tế phía Tây vịnh Bắc Bộ (Hải Phòng, Quảng Ninh) và khu vực kinh tế duyên hải phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình).
Trung tâm chuỗi hành lang đô thị: Hải Phòng- Hải Dương- Hà Nội- Việt Trì- Yên Bái- Lào Cai (Việt Nam)- Mông Tự- Côn Minh (Trung Quốc); Hải Phòng- Hải Dương- Hà Nội- Lạng Sơn (Việt Nam)- Nam Ninh (Trung Quốc).
Nằm trên chuỗi đô thị ven biển thuộc hành lang vịnh Bắc Bộ: Hải Phòng- Hạ Long- Thái Bình- Nam Định- Ninh Bình.
Nằm trên vị trí trọng yếu thuộc “hai hành lang – một vành đai kinh tế” trong hợp tác Việt Nam và Trung Quốc.
Có đảo Cát Bà – viên ngọc nguyên sơ vùng Đông Bắc, Khu dự trữ sinh quyển thế giới – liền kề Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Khí hậu
Thời tiết Hải phòng mang tính chất đặc trưng của thời tiết miền Bắc Việt Nam: nóng ẩm, mưa nhiều, có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tương đối rõ rệt. Mùa đông ở Hải Phòng khí hậu thường lạnh và khô, nhiệt độ trung bình là 20,3oC; khí hậu mùa hè thường nồm mát và mưa nhiều, nhiệt độ trung bình khoảng 32,5°C.
Lượng mưa trung bình từ 1.600 – 1.800 mm/năm. Do nằm sát biển nên vào mùa đông, Hải Phòng ấm hơn 1oC và mùa hè mát hơn 1oC so với Hà Nội. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 23°C – 26oC, tháng nóng nhất (tháng 6,7) nhiệt độ có thể lên đến 44oC và tháng lạnh nhất (tháng 1,2) nhiệt độ có thể xuống dưới 5oC. Độ ẩm trung bình vào khoảng 80 – 85%, cao nhất vào tháng 7, 8, 9 và thấp nhất là tháng 1, tháng 12.
Văn hóa
Hải Phòng được chính thức thành lập năm 1888 nhưng những di tích của nền văn minh Việt hơn 6.000 năm tuổi đã được phát hiện tại địa điểm khảo cổ Cái Bèo và Eo Bùa trên đảo Cát Bà.
Từ lâu, hoa phượng đỏ (hay phượng vĩ) đã trở thành biểu tượng của thành phố cảng Hải Phòng. Cây phượng vĩ được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, bắt đầu nở hoa vào những ngày đầu mùa hè. Mùa hoa phượng kéo dài trong khoảng 1 tháng (từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6) đúng vào thời điểm bắt đầu mùa du lịch biển của Hải Phòng và ngày giải phóng thành phố (13 tháng 5). Đường Phạm Văn Đồng của Hải Phòng từ cầu Rào – Đồ Sơn chính thức được công nhận là con đường trồng nhiều cây phượng nhất của Việt Nam.
Ngoài biểu tượng về hoa phượng, Nhà hát lớn Hải Phòng nằm ngay giữa quảng trường trung tâm thành phố cũng được coi như biểu tượng kiến trúc đặc trưng của Hải Phòng. Nhà hát được xây dựng vào năm 1904, hoàn thành năm 1912 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp với nguyên vật liệu mang từ Pháp sang. Cùng với Nhà hát lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì đây là số ít những nhà hát được người Pháp xây dựng tại Việt Nam thời kỳ thuộc địa.
Cũng như mọi địa phương trên cả nước, Hải Phòng cũng là nơi có các lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam như: Lễ hội “Hát Đúm” tại Thủy Nguyên, Lễ hội đua thuyền rồng Cát Bà, Đồ Sơn, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, pháo đất Vĩnh Bảo, Lễ hội làng cá Cát Bà, Lễ hội núi Voi, Lễ hội Hoa Phượng đỏ…
Du lịch
Hải Phòng là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Là một thành phố lớn và gần biển đảo, Hải Phòng là một mắt xích quan trọng trong tam giác kinh tế và du lịch Hải Phòng – Hà Nội – Quảng Ninh. Hải Phòng sở hữu nhiều điểm tham quan, khu du lịch chất lượng cao, đạt tầm quốc tế như khu nghỉ dưỡng (resort) 4 sao và sòng bạc (casino), khách sạn Avani Hải Phòng Harbour View, khách sạn Pearl River, Làng Quốc tế Hướng Dương (Sunflower International Village), sân golf Đồ Sơn, khu nghỉ dưỡng – sinh thái và bể bơi lọc nước biển tạo sóng lớn nhất châu Á tại Hòn Dấu, 2 khu nghỉ dưỡng Sông Giá và Camela ở nội đô, khu du lịch suối nước nóng ở Tiên Lãng, 2 khu nghỉ dưỡng Catba Island và Catba Resort and Spa ở quần đảo Cát Bà.
Quần đảo Cát Bà – Khu bảo tồn thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển vào năm 2004, nơi tập trung đa dạng sinh học với hệ sinh thái độc đáo như rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm rong biển, hang, động, tùng, áng… Đây là một địa điểm lý tưởng cho hoạt động đạp xe, ngắm cảnh, tham dự lễ hội làng cá và nhiều lễ hội truyền thống khác hoặc đơn giản chỉ là nằm thư giãn bên các bãi biển.
Đồ Sơn là khu nghỉ mát nổi tiếng nằm cách thành phố Hà Nội 120 km và cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20 km. Đây là một bán đảo nhỏ được bao quanh bởi núi, vươn dài ra biển có những bãi cát mịn trên những bờ biển rợp bóng phi lao. Trong lịch sử, Đồ Sơn là nơi nghỉ ngơi của vua chúa, quan lại đô hộ; nổi tiếng là “ngôi nhà bát giác kiên cố” của Bảo Đại – ông vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Đồ Sơn còn nổi tiếng với casino duy nhất ở Việt Nam, cùng với hệ thống sân gofl đạt chuẩn quốc tế.
Hòn Dấu là một đảo nhỏ nằm cách Đồ Sơn 1 km về phía Đông Nam. Nét hấp dẫn của Hòn Dấu là nét hoang sơ tĩnh mịch với hệ thực vật nguyên vẹn cả 3 tầng. Với hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, bể bơi, khu công viên nước, khu vui chơi, sân golf, bãi tắm tự nhiên và nhân tạo cùng với không gian thiên nhiên rộng mở, hồ nước và cây xanh, Hòn Dấu Resort còn được đánh giá là “Đà Lạt thu nhỏ” trong lòng biển và là khu nghỉ dưỡng đồng bộ nhất miền Bắc.