Doanh nghiệp ký kết hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Cam kết trách nhiệm, đồng hành tham gia

(HPĐT)- Theo dự báo của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến năm 2025, các doanh nghiệp trong khu cần bổ sung hơn 82.700 lao động qua đào tạo với trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, ở nhiều lĩnh vực có hàm lượng chuyên môn, kỹ thuật cao như: logistics, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, điện. Đến năm 2030, con số này khoảng 127.800 lao động. Để chuẩn bị cho lộ trình ấy, các doanh nghiệp tăng cường phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực.

Sinh viên Trường cao đẳng Hàng hải 1 tham quan, thực tập tại Công ty TNHH MTV ô tô Trường Hải Hải Phòng.

Nỗ lực đào tạo theo “đơn đặt hàng” 

Năm học 2024-2025, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh thực hiện cơ chế đào tạo theo “đơn đặt hàng”. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Hải Phòng Lưu Thanh Tân cho biết, đầu tháng 10 năm nay, nhà trường vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội để hàng trăm sinh viên nhà trường được thực tập tại doanh nghiệp lớn, tiếp cận với những công nghệ sản xuất điện tử hàng đầu thế giới. Đối với Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng, đây là điều kiện để doanh nghiệp bổ sung, thu hút nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, đúng nhu cầu. Mô hình này cũng giúp nhà trường thu hút thêm sinh viên, học viên, xây dựng các ngành trọng điểm, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các doanh nghiệp…

Xác định rõ việc củng cố mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp tạo “đầu ra” đối với sinh viên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố mở rộng phạm vi, đối tác. TS.Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Hàng hải 1 thông tin, sau khi Nghị quyết 03 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030 có hiệu lực thi hành, nhà trường tuyển được hơn 1 nghìn sinh viên hệ chính quy (tăng khoảng 30% so với năm ngoái), gần 500 học viên hệ 9+… Bên cạnh việc củng cố liên kết đối tác truyền thống, để bảo đảm việc làm đối với lượng sinh viên tốt nghiệp ở những ngành nghề mới, nhà trường mở rộng giới thiệu sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, điều khiển tàu biển… Những hợp tác đó đem lại lợi ích thiết thực đối với người học. Em Ngô Trung Kiên, sinh viên K16, Trường cao đẳng du lịch Hải Phòng cho biết: “trên cơ sở lựa chọn, em quyết định đăng ký học Khoa chế biến món ăn. Không chỉ vì đây là ngành học được thành phố hỗ trợ học phí, điều khiến em quyết định theo học là nhà trường liên kết hợp tác gần 30 cơ sở lưu trú, dịch vụ. Trên fanpage Facebook của Trường thường đăng tải thông tin tuyển dụng, sinh viên có thể “vừa học vừa làm”, sớm có thu nhập, để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình”.

Cần những phương án dài hơi 

Dù đã đạt được những thành công bước đầu trong mối quan hệ hợp tác, đặt hàng giữa nhà trường và doanh nghiệp, song để bảo đảm sự phù hợp lâu dài cần có những cam kết chặt chẽ, trung và dài hạn. Trưởng Phòng Hành chính tổ chức Công ty cổ phần đóng tàu sông Cấm Nguyễn Huy Phương thông tin, mỗi năm, công ty có nhu cầu tuyển dụng 150-200 sinh viên nghề, ngành chế tạo vỏ tàu thủy, hàn điện, sơn… Công ty đánh giá cao chất lượng đào tạo của Trường Giao thông vận tải Trung ương 2 nên xúc tiến hợp tác, phối hợp đào tạo. Những năm qua, Công ty tuyển dụng hơn 300 công nhân, lao động. Dự kiến, đến năm 2030, công ty chế tạo, đóng mới 60 tàu/năm, do đó, mong muốn nhà trường tạo điều kiện hơn nữa để cán bộ doanh nghiệp tham gia, quá trình xây dựng khung chương trình, sát hạch người lao động bảo đảm đầu ra đúng năng lượng, nhu cầu của doanh nghiệp.

Cùng với đó, thông tin, cập nhật biến động cung, cầu lao động cần được cập nhật thường xuyên, chủ động hơn. Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thông tin, thời gian tới, cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối hợp tác các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố để đào tạo, nâng cao chất lượng lao động tại chỗ.

Xu hướng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp được đông đảo cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố áp dụng thời gian qua đã và đang đem lại nhiều hiệu ứng tích cực trong giải quyết bài toán sau tốt nghiệp đối với học viên, đa dạng hóa hoạt động hướng nghiệp, khẳng định vai trò của hoạt động đào tạo nghề trong bối cảnh thực tiễn. Tuy nhiên, không dừng lại ở những hợp tác trước mắt, ngắn hạn, theo Phó giám đốc Sở Lao độngThương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mời các chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia góp ý về việc xây dựng nội dung chương trình, thời lượng thực hành, áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động dạy thực hành… và hỗ trợ chuyên gia thỉnh giảng, tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo tại các trường, bảo đảm hoạt động dạy nghề tương thích, phù nhu cầu sử dụng nhân lực trong thời gian tới của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Hải Phòng