Theo đánh giá của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với vị trí là thành phố ven biển, Hải Phòng là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trong 60-70 năm tới. Chính vì thế, trong những năm vừa qua, việc phát triển mạnh công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn bến vũng luôn được thành phố quan tâm đặc biệt và ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Phát triển khu công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu
Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024 của Bộ Chính trị ban hành, xác định mục tiêu tổng quát là “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững…” và một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện là phải “Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Mới đây nhất, Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái. Khi các khu công nghiệp này được hình thành sẽ là nền tảng thu hút công nghiệp công nghệ mới, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt Nam và từ các nước trên thế giới… Những chỉ đạo trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với thành phố, là mục tiêu đồng thời cũng là nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Khu công nghiệp Deep C
Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2014, Hải Phòng xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh hóa và bền vững, xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại. Theo đó, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Khu công nghiệp An Dương
Thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường…
Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong hai năm 2022 và năm 2023, Hải Phòng xếp thứ 3, tiếp tục khẳng định tiềm năng và sức hút của thành phố trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư của nước ngoài (FDI).
Hồ sơ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và năm 2023 của Hải Phòng. Nguồn: VCCI
Về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), năm 2023, thành phố Hải Phòng xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, các chỉ số tăng điểm là: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai tăng từ 3,08 năm 2022 lên 7,61 điểm năm 2023; bảo đảm tuân thủ từ 4,97 điểm lên 6,05 điểm; chính sách khuyến khích hỗ trợ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường từ 2,30 điểm lên 5,35 điểm. Chỉ số còn lại là thúc đẩy thực hành xanh giảm từ 5,35 xuống 4,70 điểm. Những kết quả trên không chỉ phản ánh sự tiên phong của chính quyền thành phố trong việc xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh 2014 và tầm nhìn xây dựng “Cảng xanh”, mà còn thể hiện ở những việc làm rất cụ thể.
Hồ sơ chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 và năm 2023 của Hải Phòng.Nguồn: VCCI
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xanh
Đến nay, Hải Phòng có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 6.105,7 ha (3 khu công nghiệp giai đoạn 1993-2007; 9 khu công nghiệp giai đoạn 2008-2013 và 2 khu công nghiệp giai đoạn 2021-2022), 1 khu kinh tế với tổng diện tích 22.540 ha (thành lập năm 2008). Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 63,8% (trong đó phần lớn diện tích chưa thu hút đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp, lấn biển).
Thành phố đã triển khai thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hìnhkhu công nghiệp sinh thái tại Khu công nghiệp DEEP C và Nam cầu Kiền.
Xác định mục tiêu xây dựng khu công nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu, thành phố đã triển khai thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Khu công nghiệp DEEP C và Nam cầu Kiền, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại nhiều giá trị thiết thực như tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chủ đầu tư là Công ty CP Shinec dành hơn 31% diện tích để trồng cây xanh. Hiện nay, khu công nghiệp này đang được các chuyên gia đánh giá là khu công nghiệp đạt được nhiều tiêu chí nhất của khu công nghiệp sinh thái. Còn tại Khu công nghiệp DEEP C, đến nay chủ đầu tư thực hiện Dự án pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của khách hàng, chạy thử dự án điện gió và có kế hoạch thay thế toàn bộ xe thu gom rác chạy xăng, dầu bằng xe điện…
Nhà máy xử lý nước thải tại khu công nghiệp Deep C
Công nhân Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát xử lý rác thải.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững, thành phốhoàn thành đề án trình Thủ tướng phê duyệt đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, sân bay quốc tế Tiên Lãng, cảng nước sâu Nam Đồ Sơn và Khu thương mại tự do.
Dự kiến, Khu kinh tế ven biển nam Hải Phòng sẽ là khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam với mục tiêu chủ yếu xây dựng theo xu hướng toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng logistics hiện đại, khu thương mại tự do. Trong đó, khu vực phát triển cáckhu công nghiệp dự kiến có 6 khu, định hướng phát triển theo mô hìnhkhu công nghiệp xanh, sinh thái (tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải thấp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên), nhằm tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị và cung ứng của khu vực và thế giới.
Nguồn: Báo Hải Phòng