Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện “xanh hóa”, có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn thành phố cũng đang dần hoàn thiện và chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu hội nhập, bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo
Ngày 7-12-2023 vừa qua, Tập đoàn Sao Đỏ cùng Công ty Bảo Long Solar Energy, với sự đồng hành của Công ty SkyX Solar đã ký kết hợp tác đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái công suất lớn tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với tổng công suất dự kiến đạt 50 MWp cho giai đoạn 1 và hàng trăm MWP cho giai đoạn 2. Trước đó, vào tháng 11- 2023, Tập đoàn Sao Đỏ cũng tiến hành ký kết hợp tác đầu tư điện mặt trời áp mái với Công ty CME Solar. Cả hai đơn vị đặt mục tiêu hoàn tất 50 MWp điện mặt trời áp mái trong giai đoạn đầu vào giữa năm 2024, đạt 200 MWp vào năm 2025 và 700 MWp năm 2030.
Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ (Chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ) Nguyễn Thành Phương cho biết, bám sát xu thế toàn cầu cũng như chủ trương lớn của Chính phủ, ngay khi mới hình thành KCN Nam Đình Vũ xác định sẽ trở thành KCN xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng thu hút các dự án bảo đảm về môi trường, nghiên cứu sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, ký kết hợp tác với các tập đoàn lớn để triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại KCN; phát động các hoạt động ý nghĩa để bảo vệ môi trường – chung tay kiến tạo môi trường xanh.
Còn tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản ở Tokyo tháng 12- 2023 vừa qua, Tổ hợp KCN DEEP C ký thoả thuận hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản về phát triển năng lượng tái tạo từ sinh khối và hydrogen xanh. Từ đó cung cấp các lựa chọn năng lượng sạch hơn cho các khách hàng tại Khu công nghiệp DEEP C. Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành Tổ hợp KCN DEEP C thông tin, đơn vị này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong những lộ trình nhằm chuyển đổi sang KCN sinh thái. Trong giai đoạn tới, DEEP C sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong KCN, các giải pháp tái chế như xây dựng đường từ nhựa tái chế… nhằm đem lại lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội cho cả DEEP C và cộng đồng.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, thời gian qua, thành phố đã thí điểm chuyển đổi KCN Nam Cầu Kiền và KCN DEEP C từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng chung quanh KCN. Như tại KCN Nam Cầu Kiền, chủ đầu tư là Công ty CP Shinec dành hơn 31% diện tích để trồng cây xanh. Hiện KCN này đang được các chuyên gia đánh giá là KCN đạt được nhiều tiêu chí nhất của KCN sinh thái. Còn tại KCN DEEP C, đến nay chủ đầu tư thực hiện Dự án pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của khách hàng, chạy thử dự án điện gió và có kế hoạch thay thế toàn bộ xe thu gom rác chạy xăng, dầu bằng xe điện…
Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cũng tổ chức Hội nghị nghe báo cáo ý tưởng, phương án thiết kế quy hoạch tổng thể Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố. Theo đại diện đơn vị tư vấn Omgeving (Bỉ), ý tưởng chủ đạo trong thiết kế quy hoạch tổng thể Khu kinh tế ven biển phía Nam gồm 4 yếu tố: Vòng tuần hoàn xanh; kết nối đa phương thức; mạng lưới công nghiệp thông minh; điểm đến cho cuộc sống năng động. Theo đó, Khu kinh tế sẽ có các dự án động lực như: Sân bay quốc tế Tiên Lãng, Cảng Nam Đồ Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư bản địa, khu vực đất nông nghiệp…, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững. Ý tưởng này nhận được sự đồng tình và đánh giá rất cao từ phía các đồng chí lãnh đạo của thành phố cũng như các sở, ban, ngành.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định: Thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN bền vững và hiệu quả cao. Hiện, các KCN của Hải Phòng đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái; sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường. Hải Phòng cũng đang định hướng các nhà đầu tư hạ tầng KCN chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Tác giả: Hiệp Lê
Nguồn: baohaiphong.com