Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, luôn đứng thứ 3 về vai trò tổng thể, chỉ sau Hà Nội và TP.HCM. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị cũng đã xác định rõ sứ mệnh quốc gia và khẳng định chức năng khác biệt của Hải Phòng trong sự phát triển kinh tế cả nước và của vùng Bắc bộ.
“Vì vậy, khi triển khai xây dựng đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết 45, Thành phố đã có đề xuất với Chính phủ, Quốc hội cho phép nghiên cứu và triển khai xây dựng khu thương mại tự do với quan điểm sẽ tạo phát triển đột phá của Hải Phòng, kéo theo sự phát triển của cả vùng và cả nước”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chia sẻ.
Còn theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, năm 2023 là năm Hải Phòng đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, cũng như nhận được nhiều kỳ vọng của Trung ương với vai trò là thành phố động lực trong phát triển kinh tế của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, diện tích hơn 20.000 ha, gắn với xây dựng khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi vượt trội để đón nhà đầu tư nước ngoài là một dấu hiệu tích cực. “Có thể nói, đây là nhiệm vụ có tính chiến lược, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội Thành phố trong thời gian tới”, ông Kiên nhấn mạnh.
Còn ông Edward Thurmond (Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ), trong hội thảo này tại Hải Phòng, cho rằng, mô hình khu thương mại tự do là một trong những mô hình phát triển, thu hút đầu tư có sức hấp dẫn hàng đầu được áp dụng và triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Mô hình này được áp dụng chủ yếu ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm lực, lợi thế phát triển, vị trí địa kinh tế thuận lợi vượt trội gắn với cảng biển, sân bay quốc tế, là đầu mối giao thương – hợp tác hội nhập và đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế vùng, quốc gia và quốc tế.
Như vậy, khu thương mại tự do rất khác với các hình thức khác, không phải là công cụ thu hút đầu tư tận dụng lợi thế lao động chi phí thấp. Khu thương mại tự do là mở cửa, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư cùng với đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng mức độ và quyền tự do, tăng cơ hội đầu tư – kinh doanh, tăng thêm lợi ích cho nhà đầu tư, tạo sự phát triển sôi động và sức hấp dẫn đặc biệt cho địa phương.
Việc xây dựng khu thương mại tự do là tập trung thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống cảng biển; xây dựng trung tâm logistics; phát triển hệ thống giao thông kết nối; phát triển trung tâm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế tác, chế tạo; xây dựng trung tâm du lịch quốc gia; trung tâm tài chính quốc tế; các trung tâm nghiên cứu. Kèm theo đó là một số thể chế phù hợp, như xây dựng khu giám sát hải quan đặc biệt, thực hiện chính sách thuế quan bằng 0 đối với một số mặt hàng nhập khẩu, giảm các hạn chế đối với thương mại dịch vụ xuyên biên giới, thực hiện hệ thống quản lý đầu tư đơn giản theo hướng một cửa, thí điểm chính sách tài trợ.
Hiện tại, khu thương mại tự do của Tập đoàn Joton nghiên cứu tại huyện Tiên Lãng được đánh giá là dự án quan trọng đầu tiên tại Việt Nam, có tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thu hút các ngành công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, tạo ra cơ hội việc làm tại địa phương và khu vực lân cận.
Có thể nói, đây mới chỉ là những gợi mở, hoạch định bước đầu. Để đi tới mô hình khu thương mại tự do hoàn chỉnh, nếu được Trung ương cho phép thực hiện, cần phải có một quá trình nghiên cứu toàn diện, tổng thể với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, các nhà khoa học; các cấp, các ngành của Thành phố. Đồng thời, học tập, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng phát triển khu thương mại tự do từ các quốc gia khác.
Nguồn: baodautu.com.vn