Người lao động làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng (Khu công nghiệp Tràng Duệ).
Bên cạnh môi trường đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao quan tâm hàng đầu khi có ý định đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Hải Phòng. Đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng triển khai nhiều giải pháp thu hút, đào tạo, giới thiệu việc làm, kết nối doanh nghiệp FDI với các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước.
Nhu cầu lớn và cấp thiết
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, hiện nay số lao động trong KCN, KKT là khoảng 200.000 người, trong đó lao động Việt Nam khoảng 190.000 người. Số lao động có trình độ đại học trở lên là hơn 24 nghìn người, chiếm 12%; lao động có trình độ cao đẳng/cao đẳng nghề là hơn 14 nghìn người, chiếm 7%; lao động có trình độ trung cấp/ trung cấp nghề là gần 11 nghìn người, chiếm 5%. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT từ đầu năm 2023 đến nay có nhu cầu tuyển dụng gần 29.000 lao động, riêng quý 4 năm 2023 là 10.000 lao động. Cũng theo phân tích số liệu của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, từ nay đến năm 2025, Hải Phòng cần thu hút khoảng 10 tỷ USD vốn FDI. Cứ 1 tỷ USD vốn FDI được thu hút, cần khoảng 10.000 lao động, gồm từ 3.000 – 4.000 lao động có tay nghề cao. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của Hải Phòng rất lớn và cấp thiết.
Theo đại diện Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng, hiện mỗi năm công ty đang có nhu cầu tuyển dụng từ 4-5 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động qua đào tạo, lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng lao động tuyển được tại Hải Phòng là chưa đủ, nên công ty đang mở rộng tìm nguồn lao động tại các địa phương khác để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh sản xuất.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (KCN DEEP C) Chen Chi Liang cho biết, nhu cầu lao động của công ty vào năm 2024 là khoảng 18.000 lao động, tới năm 2025 là 23.000 lao động. Vì vậy, công ty mong muốn thành phố hỗ trợ tạo điều kiện để tuyển dụng được nguồn lao động địa phương, cũng như tạo điều kiện để tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, nhất là nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ việc điều chỉnh tăng vốn các dự án tại Hải Phòng trong thời gian tới.
Kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục, đào tạo nghề
Trên thực tế, nguồn nhân lực của thành phố nói chung và trong các KCN, KKT nói riêng đang trong tình trạng chưa ổn định, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đối với nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, phần đông sinh viên khi tốt nghiệp chỉ nặng về lý thuyết, khả năng sáng tạo còn hạn chế, thiếu kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp, kỹ năng làm việc nhóm chưa cao… nên tiếp cận công việc chậm. Với thời gian đào tạo rất ngắn (do doanh nghiệp tự đào tạo sau khi tuyển dụng), chỉ một số lượng nhỏ trở thành lành nghề. Trong khi đó, Hải Phòng đang hướng đến thu hút các ngành kỹ thuật cao, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực tại các KCN, KKT là: Có trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng thực hiện công việc theo nhiều cấp độ khác nhau, kỹ năng làm việc nhóm, tính tuân thủ, kỷ luật; biết ngoại ngữ và am hiểu công nghệ thông tin…
Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong KCN, KKT trên địa bàn thành phố phối hợp với 64 trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở các tỉnh phía Bắc về công tác đào tạo, tuyển dụng; kết nối đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trọng điểm trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp FDI với 18 biên bản hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp và các trường đại học đang được triển khai từ năm 2021. Ban Quản lý cũng kết hợp với Trường đại học RMIT khảo sát nhu cầu đào tạo, mở lớp đào tạo về logistics tại KCN Đình Vũ…
Nắm bắt được vấn đề này, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng vừa phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo hợp tác đào tạo nghề và Ngày hội việc làm năm 2023. Tại ngày hội, các doanh nghiệp Hải Phòng tham gia hơn 20/46 gian hàng; giới thiệu, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Các doanh nghiệp cũng thông tin cụ thể về nhu cầu; yêu cầu; chính sách tiền lương; thưởng; chế độ đãi ngộ…, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn lao động Yên Bái. Cũng nhân dịp này, các cơ sở đào tạo nghề Yên Bái ký kết nhiều biên bản hợp tác đào tạo nghề với các doanh nghiệp FDI lớn của Hải Phòng. Với sự phối hợp của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, trong tương lai chắc chắn sẽ có nhiều lao động Yên Bái lựa chọn các doanh nghiệp của Hải Phòng để làm việc.
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI, Hải Phòng đang có nhiều chính sách ưu đãi trong đào tạo nghề và thu hút lao động, điển hình là hỗ trợ người học nghề, cơ sở đào tạo; đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và hỗ trợ người lao động tỉnh ngoài mua nhà; hỗ trợ học phí cho học sinh… Trong thời gian tới, để giải quyết triệt để “bài toán” nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách đồng bộ phát triển nguồn nhân lực như: Hỗ trợ người học nghề ở trình độ cao, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động địa phương có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để hằng năm tuyển chọn những sinh viên ưu tú cử đi nước ngoài đào tạo với cam kết quay về phục vụ doanh nghiệp; triển khai thực hiện tích cực, nhất quán các chính sách khuyến khích thu hút tài năng, nhất là đội ngũ trí thức trẻ; đẩy mạnh hình thức xã hội hóa giáo dục, huy động vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao…/.
Nguồn: baohaiphong.com